Sau tết, biểu hiện bình thường mới rõ nét nhất là học sinh được cắp sách đến trường. Thế nhưng, với số ca nhiễm mới đang tăng lên nhanh chóng ở nhiều nơi, thì một vài địa phương buộc lòng phải cho học sinh quay lại học online.
Hà Nội hiện có số ca nhiễm mới cao nhất cả nước, nên UBND thành phố Hà Nội đã quyết định hoãn kế hoạch cho học sinh lớp 1 đến lớp 6 khu vực nội thành đi học trở lại từ ngày 21/2 như dự kiến.
Tương tự, tỉnh Vĩnh Phúc cũng hỏa tốc tạm dừng đến trường đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở từ ngày 21/2, và chuyển sang học online cho đến khi khống chế Covid-19 ở mức an toàn nhất.
Còn tại Tây Nguyên, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Đăk Lăk thống kê đã có 232 thầy cô giáo và 1.889 học sinh mắc Covid-19, mà khu vực trầm trọng nhất là thành phố Ban Mê Thuột nên từ ngày 21/2 không thể cho học sinh từ mầm non đến lớp 6 đi học.
Rõ ràng, trường học một lần nữa phải chịu đựng sự thử thách trong vòng vây Covid-19. Tại TP.HCM dù đã bước qua cao điểm dịch, nhưng số ca nhiễm mới vẫn xuất hiện trong các đơn vị giáo dục. Ca F0 dĩ nhiên được đưa đi điều trị, nhưng xử lý ca F1 vẫn còn nhiều lúng túng. Khi lớp học có F0, thì có nơi cho học sinh cả lớp nghỉ học 3 ngày, có nơi cho học sinh cả lớp nghỉ 7 ngày, và có nơi cho học sinh cả lớp nghỉ học 14 ngày... Sự khác biệt này không chỉ ảnh hưởng đến công tác dạy và học, mà còn gián tiếp gây khó khăn cho các bậc phụ huynh.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Y tế thống nhất ban hành hướng dẫn toàn quốc cho các trường học thích ứng bối cảnh chống dịch hiện nay. Có nhiều đề xuất giảm thời gian cách ly F0 là học sinh nếu không có triệu chứng nặng, để vừa đảm bảo sức khỏe vừa không ảnh hưởng đến việc học của các em.
Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn lâu dài, không thể loay hoay nay học trực tiếp mai học trực tuyến. Bởi lẽ, việc học hành của học sinh có liên quan đến thời gian và công việc của cha mẹ trong quá trình đưa đón và chăm sóc. Đặc biệt, khi kế hoạch tiêm chủng cho trẻ từ 5 tuổi đến 11 tuổi vẫn còn những ý kiến khác nhau và chưa được triển khai đồng bộ, thì cần có hành động cụ thể để kiểm soát virus Corona xâm nhập các trường mầm non và trường tiểu học.
Học sinh không được đến trường là một sự thiệt thòi. Thậm chí, việc nghỉ học dài ngày còn khiến nhiều em nhỏ nảy sinh tâm lý lười học và chán học. Thế nhưng, không thể đi học một buổi rồi lại nghỉ học nhiều buổi vì diễn biến khó lường của Covid-19, làm cho mọi hoạt động bình thường mới liên tục bị xáo trộn. Có lẽ, đã đến lúc ngành giáo dục phải mạnh dạn đưa ra một giải pháp quyết liệt hơn, như tạm thời cho học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ngừng đến trường trong tháng 3/2022, để nhà trường và gia đình cùng vượt qua đợt bùng phát ca nhiễm mới.