| Hotline: 0983.970.780

Trường học 'nhiều không', Chủ tịch xã lo trượt nông thôn mới nâng cao

Thứ Năm 11/04/2024 , 07:35 (GMT+7)

Trường THCS Thiệu Công thiếu thốn, xuống cấp nhưng không có kinh phí nâng cấp, cải tạo. Chủ tịch xã lo 'trượt' thôn mới nâng cao vì thiếu tiêu chí giáo dục.

Trường xuống cấp

Trường THCS Thiệu Công (xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) là ngôi trường cấp 2 duy nhất trên địa bàn huyện chưa đạt chuẩn Quốc gia. Hiện tại, nhà trường có 12 phòng học với 500 học sinh theo học. Diện tích khuôn viên nhà trường khoảng 3.800m2. Nếu chia diện tích trên đầu học sinh thì không đảm bảo theo quy định tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bất cập còn nằm ở chỗ, ngoài 12 phòng học, hiện tại, nhà trường chưa có bất cứ phòng chức năng nào (phòng âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, tin học, ngoại ngữ, phòng đa năng). Các phòng hỗ trợ học tập như thư viện, thiết bị giáo dục, tư vấn học đường, truyền thống, cũng chưa được đầu tư. Các phòng học đã xây dựng cách đây khoảng 20 năm, nay đã xuống cấp trầm trọng, khiến học sinh vừa học, vừa lo nơm nớp. Thiếu thốn đủ bề, nhà trường phải mượn cơ sở vật chất của người dân để làm phòng tài vụ, đoàn đội, phòng bồi dưỡng học sinh.

Phòng ôn luyện tại Trường THCS Thiệu Công xuống cấp trầm trọng gây nguy hiểm cho giao viên học sinh. Ảnh: Quốc Toản.

Phòng ôn luyện tại Trường THCS Thiệu Công xuống cấp trầm trọng gây nguy hiểm cho giao viên học sinh. Ảnh: Quốc Toản.

Cơ sở vật chất xuống cấp, không đảm bảo tối thiểu việc dạy và học khiến chất lượng giáo dục nhà trường ngày càng đi xuống. Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Công cho biết, trước đây trường nằm trong tốp 10 cơ sở giáo dục có thành tích tốt của huyện Thiệu Hóa, nhưng vài năm trở lại đây, chất lượng lượng giáo dục đang đi xuống và rơi vào tốp 20. Nguyên nhân một phần do cơ sở vật chất không đảm bảo, dẫn đến chất lượng giáo dục giảm sút.

“Với 12 phòng học hiện tại chỉ đủ để các em học sinh học chính khóa. Vì không còn phòng, nhà trường phải mượn tạm khu nhà cũ của người dân cạnh trường để tổ chức ôn luyện thi học sinh giỏi, bồi dưỡng học sinh yếu kém. Giáo viên trong trường rất xót xa khi nhìn thấy học sinh ngồi chen chúc, ôn luyện trong căn phòng thiếu thốn ánh sáng, xuống cấp, nhưng không còn cách nào khác”, cô Hương tâm sự.

Trường THCS Thiệu Công phải mượn nhà của người dân để tổ chức ôn luyện cho học sinh. Ảnh: Quốc Toản.

Trường THCS Thiệu Công phải mượn nhà của người dân để tổ chức ôn luyện cho học sinh. Ảnh: Quốc Toản.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực tổ chức ôn luyện học sinh giỏi là khu nhà gồm 3 phòng đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường, nền gạch, cửa sổ bị hư hỏng nặng. Trần nhà bị bong tróc, dột nát, được “vá” bằng bạt để che mưa, nắng, có thể gây nguy hiểm cho học sinh bất cứ lúc nào. Vào những ngày mưa, căn phòng với mùi rêu mốc bốc lên nồng nặc, ẩm thấp, hệ thống chiếu sáng thiếu thốn khiến quá trình ôn luyện thi của các em bị ảnh hưởng. Các phòng học chính cũng không khá khẩm hơn là mấy.

Cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Theo bà Nguyễn Thị Hương, trường THCS Thiệu Công từ chỗ đứng trong tốp 10 các trường có chất lượng giáo dục đào tạo của huyện, nay rơi xuống tốp 20.

“Trước đây sĩ số học sinh ít, việc dạy và học cơ bản được đảm bảo. Hiện nay, số lượng học sinh tăng, trong khi cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học. Học sinh chỉ được học lý thuyết chứ không được thực hành. Giáo viên nhà trường đã cố gắng hết sức để cải thiện thứ hạng giáo dục nhưng chưa khá lên được mấy”.

Cửa sổ phòng học chính bị mất kính chắn. Ảnh: Quốc Toản.

Cửa sổ phòng học chính bị mất kính chắn. Ảnh: Quốc Toản.

Lãnh đạo Trường THCS Thiệu Công nhiều lần đề nghị cơ quan có thẩm quyền đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn để xã được công nhận nông thôn mới nâng cao nhưng chưa được giải quyết.

Xã “bó tay”

Bất cập còn nằm ở chỗ, khuôn viên Trường THCS Thiệu Công nằm xen kẽ trong khu dân cư. Theo chủ trương của huyện Thiệu Hóa, phần diện tích 700m2 là đất của người dân nằm xen kẹt trong khuôn viên nhà trường sẽ được giải phóng để mở rộng trường lên hơn 4.000m2. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí và thủ tục đền bù cho dân chưa đảm bảo nên chủ đất đòi lại phần diện tích nói trên.

UBND xã Thiệu Công đã đề xuất 2 phương án là, di chuyển trường đến vị trí mới hoặc thu hồi đất của một số hộ dân lân cận để mở rộng trường, thế nhưng cả hai phương án này đều khó thực hiện do địa phương không chủ động được nguồn vốn.

Đất của người dân nằm xen kẹt trong khuôn viên nhà trường, chưa thể thu hồi vì thiếu kinh phí. Ảnh: Quốc Toản.

Đất của người dân nằm xen kẹt trong khuôn viên nhà trường, chưa thể thu hồi vì thiếu kinh phí. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Ngọc Tình, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Công cho biết: “Theo kế hoạch năm 2024, UBND xã sẽ đấu giá một số lô đất để lấy kinh phí. Tuy nhiên, dự kiến số tiền dự kiến thu về sau khi đấu giá không nhiều và nằm trong kế hoạch trả nợ xây dựng cơ bản của năm trước. Trong khi đó, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới năm 2024 cấp cho xã được bố trí vào hạng mục xây dựng giao thông nên không có nguồn để đầu tư cơ sở vật chất Trường THCS Thiệu Công”.

Cũng theo ông Tình, chính quyền địa phương đã có ý kiến với cấp trên trong việc cấp kinh phí đầu tư cho Trường THCS Thiệu Công nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí.

Phòng ôn luyện thi của học sinh chẳng khác gì khu nhà bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Quốc Toản.

Phòng ôn luyện thi của học sinh chẳng khác gì khu nhà bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Quốc Toản.

Theo kế hoạch của huyện Thiệu Hóa, năm 2024, toàn huyện sẽ có 6 xã nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó có xã Thiệu Công. Theo rà soát sơ bộ, hiện tại, địa phương này đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Thiệu Công, trong số các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao mà xã đang phấn đấu hoàn thành thì tiêu chí giáo dục (Trường THCS Thiệu Công chưa đạt chuẩn) là tiêu chí khó hoàn thành nhất. Đây được xem là bài toán khó của lãnh đạo địa phương trong việc thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục nói riêng, xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã Thiệu Công nói chung.

“Cơ sở vật chất nhà trường đã xuống cấp lâu nay. Nhà trường mong muốn có kinh phí tu sửa hoặc chuyển sang vị trí khác để đảm bảo diện tích, điều kiện để làm trường chuẩn Quốc gia. Nếu tiếp tục học tập và sinh hoạt chuyên môn tại trường sẽ không đảm bảo chất lượng”, cô Hương chia sẻ.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm