Buổi tọa đàm với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các nhà quản lý, nhà sản xuất, nông dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. |
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ThS Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là tỉnh nông nghiệp, với các sản phẩm được xác định là chủ lực và có lợi thế, như: lúa gạo (sản lượng 4 triệu tấn/năm), thủy hải sản có giá trị kinh tế cao là tôm nuôi (69 ngàn tấn), cua, sò…, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, sản xuất của nông dân chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm nên chưa tạo được nhiều vùng sản xuất tập trung, sản phẩm hàng hóa đủ lớn ổn định.
Theo ThS Hoàng Trung Kiên, để cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, cần phải có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, giao hàng đúng lúc, giá cả cạnh tranh. Mà muốn như vậy thì nông dân phải liên kết thành tập tổ hợp tác hay hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp để tổ chức tiêu thụ sản phẩm theo mô hình chuỗi giá trị. Trong đó, có việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc để thúc đẩy tiêu thụ nông sản được tốt hơn. |
ThS Trần Thanh Dũng, Khoa Phát triển Nông thôn, Đại học Cần Thơ, cho rằng Việt Nam là nước sản xuất, xuất khẩu nông sản rất nhiều nhưng nông dân vẫn nghèo. Nguyên nhân do sản xuất nhỏ lẻ, chi phí đầu tư cao, chất lượng kém, đầu ra không ổn định. Để giải quyết vấn đề này thì cần phải có liên kết theo chuỗi ngành hàng.
Liên kết tốt “4 nhà”: Trong đó nhà nước có vai trò quy hoach vùng sản xuất, ban hành quy chuẩn và chính sách thúc đẩy phát triển. Nhà khoa học nghiên cứu công nghệ và chuyển giao. Nhà nông tổ chức sản suất, tuân thủ các nguyên tắc, quy định. Nhà doanh nghiệp xây dựng dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm. Trong 4 nhà này thì doanh nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc định hướng thị trường, quyết định tính bền vững của chuỗi liên kết.
Chuyên gia marketing, ông Michel Delafon, Giám đốc điều hành Cty TNHH Michel Delafon B2B, cho rằng, truy xuất nguồn gốc nông sản có tầm rất quan trọng hiện nay và cần phải có hành động xây dựng thương hiệu nông sản – chiến lược marketing. Lấy hình ảnh con cá mập, nếu nuôi trong hồ thì nó mãi mãi nhỏ bé, chỉ khi ra được đại dương thì nó mới lớn mạnh. Trong sản xuất, kinh doanh cũng vậy, bạn cần mạnh dạn thay đổi, vươn ra biển lớn để ngày càng lớn mạnh. |
Ông Michel Delafon, ví dụ về 2 mặt hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh là hồ tiêu và tôm nuôi. Tuy nhiên giá hạt tiêu đang ở mức rất thấp, trong khi phí lại có chiều hướng tăng, ít nhất là 10% so với năm trước đó. Năm 2019 được đánh giá là rất khó khăn với ngành hồ tiêu Việt Nam khi giá bán thấp, tăng trưởng chậm so với cùng kỳ. Còn con tôm thì Việt Nam là nước nuôi lớn thứ 2 thế giới và đã xuất đi hơn 100 quốc gia, kim ngạch đạt 3,55 tỷ USD (năm 2018). Tuy nhiên, giá tôm khó có khả năng tăng cao do nguồn cung dồi dào.
Vì vậy, cần tìm giải pháp, hướng đi bền vững cho ngành hồ tiêu, cũng như quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng tôm và đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu sẵn sàng trả tiền nhiều hơn cho các bạn nếu họ biết rõ được nguồn gốc sản phẩm cần mua.