| Hotline: 0983.970.780

Tự bao giờ?

Chủ Nhật 11/03/2018 , 14:05 (GMT+7)

Ra đường bằng xe máy bây giờ mình tự dặn mình nhiều điều lắm. Ví như đừng quên ví tiền, đương nhiên, nhưng đừng mang nhiều quá, có lỡ va đụng người ta nằm vạ mình vét ví, tôi chỉ có chừng ấy đây này.

Ví như đừng cự cãi nếu lỡ quệt nhau, nhất là quệt phải bọn ngổ ngáo trẻ, mình già mình bị mắng xối xả trước và cầm chắc sẽ thua. Ví như đừng lấn đường, ô tô không nể nang xe máy, xe đang được người già điều khiển càng không.

Ảnh minh họa

Ví như đừng đeo túi xách đắt tiền, bọn cướp giật có thể dùng kéo cắt sật một cái hoặc kéo lê cả mình, cũng đừng mang túi trên ghi-đông, sẽ mất an toàn như rứa. Ví như đừng đeo trang sức hay đồng hồ quá xịn trên tay, nhất là đi vào ban đêm, có thể bị chặt lìa tay hoặc bị ép vô lề đường trấn lột. Vân vân và vân vân.

Không quên sự trả giá của chính mình. Một lần đi bộ, đi bộ chứ không phải đi xe máy, đi bộ thể dục sáng. Tinh mơ vắng vẻ, ngược chiều với mình là một chiếc xe máy với hai gã trai nhăn nhở. Nhủ trong bụng, bà già sáu mươi, quần thể dục, áo ngắn tay, có trẻ hơn tuổi thì cũng không đáng để chúng quơ hốt sàm sỡ. Nhưng hình như chúng đang áp vào và bà già bỗng nghe thấy rất nhanh một bàn tay thô bạo vừa cào trên cổ mình. Thì ra chúng vừa thộp sợi dây chuyền bằng vàng tây rất mảnh của mình. Eo ơi, có những gã chuyên vần đảo trên xe máy để tóm các bà già thể dục sao? Mình đờ người, thôi, coi như vừa đóng thuế ngu đi. Để thấy cuộc sống đô thị bây giờ hỗn loạn như thế nào.

Lần khác, đang ung dung trên chiếc Chaly gắn bó với mình hai chục năm nay từ Hà Nội chí Sài Gòn. Một gã trung niên rề rề theo trên chiếc xe gì gì đó của gã (mình dốt các loại xe tay ga bây giờ). Kỳ quặc à nha, xe không đáng, người cỡi xe chẳng trẻ đẹp mà còn già ngắt nữa, bám theo già chi vậy em? Bỗng nghe: “Chị ơi Chaly có bán không chị, em đang kiếm mua một chiếc đời nầy cho vợ em”. Cũng loại quấy rối nhưng quấy nhẹ, không độc. Mình buột miệng: “Có câu nào vô duyên hơn không?”. Gã ấy chỉ nhăn răng nhún vai cười, vượt lên.

Lần khác, ở gần nhà, đã về đến gần nhà bỗng nhận ra một vị cỡ tuổi mình cỡi chiếc hon-đa 82 nãy giờ cứ bám sau xe. Người này chắc không phải dân lùng mua Chaly cho vợ, trông ông ta trí thức, nếu thích Chaly chắc ông ta sẽ không đường đột hỏi.

Mình dừng lại hàng rau, bỗng ông ta vượt lên và cố đi chầm chậm để ném vào mặt mình một câu: “Biển số Hà Nội hả, Hà Nội sao không ở ngoải chen lấn vô đây chi cho chật hả?”. Mình tức điếng, những muốn lao theo xổ một tràng tiếng Nam bộ cho cái gã phân biệt vùng miền ấy chưng hửng chơi. Nhưng thôi, không “nghênh chiến” làm gì, chấp nhận đi, không có lửa sao có khói, hòa hợp hòa giải mông lung, hàng triệu người Sài Gòn gốc đã ra đi và trám vào là hàng triệu người khác không miền Trung thì miền Bắc!

Lần khác nữa, từ văn phòng đại điện của Báo NNVN cầu Điện Biên Phủ về Hàng Xanh, mình bị một gã bám theo. Gã này chừng năm mươi tuổi, chiếc hon-đa sờn cho thấy đây là tay nhập cư lam lũ, một người xe ôm, hoặc một người thợ. Ban nãy gã ở sau mình, vượt lên phía trái, không xong, tụt lại, rồi muốn vượt lên. Không khỏi cảnh giác, Chaly bèo bọt, túi choàng vai khuất trong áo khoác lo chi, tay không vòng vàng, cổ không dây chuyền, có gì mà bị để ý nhỉ? Ban ngày, buổi trưa, đường đông nghịt, không sợ, đừng sợ, nhưng mình có gì mà phải sợ, nón bảo hiểm tốt, khẩu trang, mắt kính hạng xoàng… không có gì để bị bám cả? Nhưng gã này cứ bám, nhất định phải bám, mình cứ đường gần lề phóng nhanh, gã vượt trái không xong, nhùng nhằng gần ngang nhau rồi lại tụt xa, như cũ. Đã sắp đến Hàng Xanh, hy vọng mình rẽ và gã thì đi thẳng, sẽ thoát. Nghĩ vậy nên thung dung bên đèn đỏ, không ngờ gã ta vẫn rồ máy chen lên sát cạnh.

“Bà chị có tuổi mà phóng ác, nãy giờ đuổi theo để nhắc gạt chân chống, chưa gạt chân chống kìa”. Chưa kịp định thần để nói lời cảm ơn, người ơn đã vọt lên, đi thẳng. Xấu hổ đến mức muốn độn thổ. Xấu hổ với chính mình, nỗi hoài nghi này, sự cảnh giác cao độ này thật quá đáng lắm.

Chính mình cũng đã từng nhắc người đi đường gạt chân chống của xe nhưng sao mình không nghĩ lần này mình được người đời trả ơn. Lòng tốt còn đầy, người tốt vẫn đông đúc nhưng sao con người dễ hoài nghi hơn xưa quá vậy? Sự cố hữu này có từ bao giờ, nỗi hoài nghi thường trực ấy? Không biết nữa, không biết tự khi nào, chỉ nhớ và tiếc cái thời nghèo mà vui của ngày xưa. Ngày xưa đâu rồi, ngày ai cũng nghèo nhưng ai cũng thân ái, nhường nhịn, sớt chia, nhắc nhở, khuyên bảo, đùm bọc, ngày xưa ơi, ngày xưa của tất cả chúng ta đâu rồi?

(Kiến thức gia đình số 10)

Xem thêm
Buông bỏ những nỗi đau để tìm lại hạnh phúc

Khi ta học cách buông bỏ những đau thương trong quá khứ, chúng ta mới thực sự có thể mở lòng đón nhận những điều tốt đẹp.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?