| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 24/05/2020 , 05:35 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 05:35 - 24/05/2020

Tự bao giờ?

“Hòa bình rồi ăn cháo cũng được”, ấy là câu nói gần như của mọi người mà tôi biết.

Mọi người ở đây là những ai tham chiến ở phe Trong cùng với người thân của họ và vô số nông dân giữa hai làn đạn phải chạy cuốn đi, làm đủ mọi nghề để cầm cự với thời gian. “Ăn cháo cũng được”.

Ăn cháo thật một thời gian dài, cũng theo chỗ tôi biết. Món ăn sáng thông dụng là cháo trắng. Viên chức các loại. Trẻ em con cái cán bộ thời điểm bản lề hoặc mới sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc.

Nhà nông với ruộng rẫy vườn tược trong hoàn cảnh đất đai chưa hoàn toàn phục hồi đã hợp tác hóa tập đoàn hóa. Áng chừng những gia đình từng theo phía Ngoài cũng không tránh khỏi món cháo, bởi đàn ông đang ở trong trại cải tạo và, ai có của mà không diện đi Kinh tế mới thì cũng bị Cải tạo tư thương vét đi vét lại sạch bách.

Bấy giờ mới thực sự một xã hội nghèo như nhau, thiếu thốn như nhau, bữa sáng có cháo trắng đã là may. Cháo trắng ăn với nước mắm kho quẹt, với củ cải muối, hoặc với đường.

Không ai nắm tay suốt ngày được. Rau cháo có nhau. Nhưng có nhau rồi thì món rau món cháo suốt ngày suốt tháng thành cực hình, thành tâm trạng và thành câu hỏi lớn.

Vì sao? Vì đâu? Mẫn cảm sẽ thấy thành thị bỗng trống đi, người bán hủ tiếu ngon trứ danh đi rồi hả, tiệm sửa ô dù cũng đóng cửa đi rồi, trời, có cây dù hư làm sao giờ trời, mấy thầy giáo được mời dạy Bổ túc văn hóa cho cán bộ cũng lần lượt đi rồi hả? Đi ở đây dù không ai nói tướng ra nhưng đều biết là đi đâu.

Thấy được trống và vắng thì đủ biết khi những người ở phe Thắng không ăn cháo được nữa thì cớ gì muốn người của phe Thua ăn cháo? Và không chỉ là chuyện cơm hay cháo. Người ta sợ biển đến thế mà vẫn vượt biển để đi thì nhất định không chỉ vì chuyện cơm hay cháo.

Không phải ai cũng được chứng kiến nửa nước nghèo đến kiệt cùng. Thơ ca nhạc họa réo rắt miền Bắc thiên đường của các con tôi và hợp tác xã toàn xã điển hình huyện điển hình ngày nào ngự trị trên loa trên đài, nửa nước trong này luôn nghĩ chuyện vui.

Và rồi đã được thấy khi gia tộc bị chia cắt tìm đến nhau và đội quân viên chức tiến vào lấp chỗ hoặc mở thêm chỗ mới cho guồng máy thống nhất.

Hóa ra cả nước bỗng hồ hởi rau cháo với nhau lâu rồi, còn bao nhiêu câu chuyện của đồng bào đưa vào nghe như thể chuyện bịa. Chuyện tiếng kẻng hợp tác, chuyện làm chủ tập thể vỡ đầu ra mà nhét vào nhé nhé, chuyện dùng phân bắc và có hẳn một chợ phân vào sớm tinh mơ ở ngoại thành thủ đô, nhé. Thôi, đừng thắc mắc nữa, dù sao có cháo trắng để ăn mỗi sáng đã là may lắm.

Thực sự những năm đó chưa hề có chạy chọt và phong bì. Nghèo kiêu ngạo, nghèo có lý lẽ, nghèo có rất nhiều câu chuyện tiếu lâm tự trào vỉa hè.

Vậy thì, nó, cái biểu tượng của đổ đốn là cái phong bì ấy bắt đầu tự khi nào? Nghe rằng ở Bắc những năm ngay sau 1975 ấy đã có “con phe” – chỉ những người xé rào để buôn gian bán lận đã biết lo lót cho các vị mà ngày nay gọi là “chức năng” gồm người thu thuế, người dân phòng, người dân phố, người khu vực…

Có cả việc ở các phòng Kế hoạch hóa gia đình sản phụ phải nộp nửa lít nước tiểu mà phải là chai thủy tinh gọi là để xét nghiệm, thực chất là để người ta bán nước tiểu cho người trồng rau và bán được chai cho dân buôn rượu lậu. Thế a, vậy thì chết rồi, nó mọc rể từ những việc lăn tăn li ti như thế a, chết rồi.

Không bao lâu thì cả nước thành thục một cách thống nhất. Phong bì hết cho tiện. Phong bì của từng buổi họp gọi là ăn trưa. Phong bì cảm ơn thầy thuốc và thầy cô giáo. Phong bì cả tết nhất. Đám cưới và đám ma cũng phong bì ấy, không biết nơi nào lĩnh thầu mà mẫu mã đồng phục ghê gớm. La liệt hội họp và la liệt các loại ngày trong một năm, chắc chắn phong bì của ngành in ấn quốc doanh rồi, đừng tò mò chi nữa, nhé.

Chỉ có mỗi nước mình là vậy phải không? Thôi, đừng xét nét và so sánh, mỗi quốc gia mỗi kiểu miễn là phát triển, đi lên.

Giờ thì ở tầng nấc nào đó, phong bì đã lỗi thời, cái ở bên ngoài phải xứng với cái bên trong, phải bao da và túi hiệu, thậm chí không túi nào đựng nổi cái món mà người ta biếu xén nhau qua lại với nhau, phải va-ly cơ.

Giờ thì như là hết thuốc chữa. Nhìn các vị chức quyền ở khu vực Khảo thí của một tỉnh ngoài kia cười tươi để vẫy người thân của họ khi bước ra khỏi pháp đình thì thấy người ta đã lấy lương tâm, danh dự, sĩ diện và sự tử tế của con người ra mà ăn trước rồi, ăn hết rồi. Họ chỉ còn là những con rô bốt chỉ biết ăn và ăn, không chừa một thứ gì.

Và đâu chỉ riêng có mấy người đó, nhé.

Bình luận mới nhất