| Hotline: 0983.970.780

Từ làm chui của người dân đến việc chuyển đất lúa thành 9 làng thủy sản

Thứ Năm 09/03/2017 , 09:25 (GMT+7)

Cuối năm 2013, UBND huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, đã ban hành 7 quyết định quy hoạch 9 làng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung tại các xã Ngọc Châu, Cao Thượng, Việt Lập, Quế Nham, Liên Chung, Hợp Đức, Song Vân trên cơ sở chuyển 465ha đất lúa sang NTTS. Đến nay...

Đến nay toàn huyện Tân Yên đã có 1.350ha NTTS, trong đó chủ yếu từ đất lúa chuyển sang nuôi cá.
 

Từ làm chui đến quyết liệt chuyển đổi

Theo ông Dương Ngô Mạnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, trước khi triển khai chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang tập trung NTTS có quy mô bài bản thì việc phát triển NTTS kiểu tự phát đã diễn ra.

Lúc đầu huyện cũng có phê bình, nhắc nhở nhưng sau đó nhận thấy việc phát triển kinh tế xã hội có những điều thực tiễn đặt ra mà chúng ta không thể cứng nhắc. Mục tiêu đặt ra là việc chuyển đổi đó phải được tiến hành có quy hoạch để kiểm soát tốt chất lượng cũng như đầu ra cho sản phẩm, giá trị kinh tế cao hơn so với trồng lúa.

18-36-30_trng-tri-4h-tu-dt-lu-chuyen-sng-nuoi-c-v-chn-nuoi-lon-cu-nh-gi
Trang trại của anh Gia được xây dựng sau khi mua hơn 3 ha đất lúa của dân
 

Xuất phát từ tình hình này, tháng 8/2013, Thường vụ Huyện ủy Tân Yên đã có chủ trương đồng ý cho UBND huyện triển khai đề án thí điểm xây dựng làng thủy sản ở xã Ngọc Châu với diện tích được quy hoạch 49,3 ha làm hạ tầng phục vụ phát triển NTTS. Tại thời điểm đó, xã Ngọc Châu đã có 98 ha NTTS, trong đó 70 ha đất lúa được người dân chuyển sang đào ao nuôi cá.

Ngay sau khi đề án được ban hành, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt. Một thời gian ngắn, hình hài của mô hình đã hiện hữu. Cuối năm 2013, UBND huyện Tân Yên quyết định thành lập thêm 8 làng, nâng tổng số làng thủy sản trên địa bàn được thành lập là 9 làng. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 Tân Yên sẽ chuyển đổi 465ha đất lúa sang nuôi trồng thủy sản ở 9 làng này. Còn thời điểm này, Tân Yên đã có 1.350ha nuôi thủy sản cho sản lượng khai thác hơn 7.303 tấn mỗi năm.

Thực tế, việc chuyển đổi đất lúa sang NTTS ở Tân Yên được tiến hành từ năm 2004. Lãnh đạo một số xã có làng thủy sản tâm sự rằng, cán bộ còn có đồng lương chứ hàng ngàn hộ nông dân họ không biết bấu víu vào đâu ngoài hạt lúa, trong khi chi phí cho cuộc sống ngày càng nhiều. Từ suy nghĩ đó, không ít cán bộ, đảng viên nơi đây chỉ để lại một vài sào ruộng cấy lấy thóc ăn, phần lớn diện tích còn lại chuyển sang nuôi cá.

Từ lúc chúng tôi đặt vấn đề làm việc đến lúc chào ra về, Chủ tịch UBND xã Quế Nham (Tân Yên) Nguyễn Văn Hùng cứ nhắc đi nhắc lại nguyện vọng mong muốn Chính phủ sửa đổi Nghị định 35 về sử dụng đất lúa và sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai giúp cho việc tích tụ đất đai, chuyển đổi đất lúa sang sản xuất nông nghiệp được thuận lợi để kinh tế phát triển mạnh, bền vững.

Ông Hùng cho biết, toàn xã có 1.042ha đất tự nhiên, trong đó đất lúa 500ha và NTTS 100ha (có 90ha được chuyển từ đất lúa sang). Đáng chú ý, có gần 300ha đất lúa nằm phía trong sông Thương thuộc vùng trũng sản xuất 2 vụ nhưng ở vụ mùa thường xuyên bị ngập úng. Cả vùng có một máy bơm tiêu, kinh phí được nhà nước cấp hàng năm để tiêu úng.

“Vụ mùa năng suất lúa chỉ đạt 80 – 90kg/sào; trong khi kinh phí bơm tiêu lớn gấp nhiều lần nên vừa rồi vùng này có khoảng 2ha ở gần máy bơm cấy lúa, còn lại họ bỏ hoang. Cấp trên đã cho lập làng thủy sản và đồng ý cho chuyển 64ha sang NTTS nhưng vẫn còn 150ha muốn được chuyển sang NTTS vì sản xuất lúa không ăn chắc, nếu có thu được cũng không đủ bù kinh phí đầu tư”, ông Hùng nói.

Ông Hùng nhớ lại, trước năm 2013, việc chuyển đổi đất lúa sang NTTS đều do người dân tự phát, làm chui. Xã có lập biên bản, xử lý, báo cáo lên cấp trên nhưng gặp một số bà con bảo rằng, thế cán bộ muốn cho dân đói nghèo mãi hay để chúng tôi làm giàu trên chính đồng đất của mình? Là cán bộ cơ sở, chúng tôi thực sự suy nghĩ, trăn trở câu hỏi đó của người dân. Sau này khi được huyện cho phép lập làng thủy sản thì việc chuyển đổi tự tin hơn.
 

120 triệu và 4 tỷ đồng, chọn bên nào?

Ông Nguyễn Minh Quý, Phó Chủ tịch xã dẫn chúng tôi vào làng thủy sản gặp người dân. Anh Hà Văn Gia, thôn Hai Khê, cho biết, làm ruộng mãi rồi mà vẫn không bứt ra được. Nhiều bạn bè cùng trang lứa khá giả hết rồi, trong khi mình làm lúa cứ chật vật.

18-36-30_nh-gip-vn-bo-thon-ngoc-tri-x-viet-lp-huyen-tn-yen-mu-hon-10-ngn-m2-dt-lu-cu-dn-lm-o-c
Anh Giáp Văn Bảo mua hơn 10.000 m2 đất lúa của dân làm ao cá
 

Từ “mặc cảm” đó, anh Gia bàn với vợ mạnh dạn vay mượn tiền rồi đi thuê lại ruộng người dân 70kg/sào/năm. Thời hạn thuê là 30 năm. Tổng diện tích thuê được gần 1ha. Có đất, anh tạo nên ao lớn nuôi cá. Cùng với nuôi cá, anh đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi thêm lợn và trồng cây ăn quả. Sau một thời gian, việc thu hồi vốn nhanh nên đã có thêm động lực cho vợ chồng anh chú tâm vào phát triển kinh tế.

Được vợ luôn động viên, anh Gia tiếp tục vay vốn mua ruộng của nhiều gia đình khác, mua của người này ở xứ đồng kia đổi cho người khác ở xứ đồng này để gần ao cá của gia đình. Cứ như thế, đến nay anh đã gom được thêm 3ha và lần này là mua đứt bán đoạn 10 triệu đồng/sào.

Khu vực ruộng anh gom được thuộc cánh đồng trũng của xã trước đây 2 lúa. Anh bảo, tiếng là hai vụ lúa nhưng chỉ thu hoạch vụ xuân, còn vụ mùa nhà nào làm cũng chỉ được bảy tám chục cân/sào vì vùng này luôn bị ngập úng.

Vì thế, khi gom được mấy ha này triển khai đào ao nuôi cá, anh đã gặp một số khó khăn về mặt thủ tục hành chính. Song, nhìn thấy anh làm ăn rất hiệu quả, chịu khó tìm tòi, tính toán, thực sự là tấm gương nên địa phương cũng nhìn thấy được thực tế đó...

18-36-30_ti-lng-thuy-sn-x-que-nhm-dy-l-trng-tri-4h-dt-lu-chuyen-sng-nuoi-c-cu-nh-gi
Tại làng thủy sản xã Quế Nham (Tân Yên), 4ha đất lúa được chuyển sang nuôi cá và chăn nuôi lợn của gia đình anh Hà Văn Gia thôn Hai Khê
 

Thế rồi may mắn đã đến với anh, cuối năm 2013, khu đất này nằm trong vùng quy hoạch làng thủy sản. Anh cho biết, trong 3ha nuôi cá, mỗi năm thu hoạch 30 tấn cầm chắc trên tay 4 đến 5 trăm triệu đồng. Cộng với xuất bán mấy lứa lợn nữa thì doanh thu của gia đình cũng đạt xấp xỉ 4 tỷ đồng/năm.

“4 tỷ đồng ở vùng đồng trũng này là ước mơ. Cứ tính với mức thu hoạch cao nhất sản xuất lúa tại Tân Yên 1 ha là 5 tấn nhân với giá 6 triệu đồng cũng chỉ được 30 triệu đồng. Vậy 4ha vỏn vẹn được 120 triệu đồng.

Thử hỏi, đặt một bên 4 tỷ và một bên là 120 triệu đồng, tất cả cùng tạo ra sản phẩm nông nghiệp, vậy nếu là anh, anh chọn bên nào? Đấy là lý do, chúng tôi mong muốn Nhà nước mạnh dạn cho người dân được chuyển hết diện tích đất lúa vùng đồng trũng này sang nuôi cá”, anh Gia bày tỏ.

Chia tay Quế Nham, chúng tôi về xã Việt Lập. Sau khi đặt vấn đề làm việc với Phó Chủ tịch xã Hoàng Văn Hạ, ông Hạ đã nói luôn, nhiều hộ dân ở đây muốn bung ra lắm rồi, chính chúng tôi cũng thế nhưng vì quy định mà đang bó buộc đây.

Sau 10 năm, cả xã làm chui, tự chuyển đổi được 147ha đất lúa sang nuôi cá. Hiện có trên 140ha nữa ở vùng trũng đang muốn được chuyển lắm rồi. “Chúng tôi khẳng định, nuôi cá hiệu quả kinh tế gấp 12 – 13 lần trồng lúa. Đã 10 năm nay, giá cá có lúc lên lúc xuống nhưng nhìn chung hiệu quả kinh tế vẫn tăng trưởng, phát triển khá lắm. Nhà nào có ao cá là tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, con cái học hành đến nơi đến chốn, văn minh hẳn”, ông Hạ bộc bạch.

Nói rồi, ông Hạ giới thiệu chúng tôi đến tìm hiểu cách làm của anh Giáp Văn Bảo, thôn Ngọc Trai. Cũng như anh Gia ở Quế Nham, anh Bảo bỏ tiền ra mua ruộng của 20 hộ dân, gom lại được 10.600 m2 đào ao thả cá. Cùng với việc thả cá, anh Bảo còn đầu tư nuôi ếch giống. Hiện ếch giống của anh Bảo đang cung ứng cho hơn 10 tỉnh, thành phía Bắc vì được đánh giá chất lượng rất tốt.

18-36-30_sn-phm-ech-giong-cu-nh-bo-d-co-mt-tren-thi-truong-10-tinh-phi-bc
Sản phẩm ếch giống của anh Bảo đã có mặt trên thị trường 10 tỉnh phía Bắc
 

Làng thủy sản sẽ là sự khác biệt

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Quế Nham khẳng định, cái hay của việc lập làng thủy sản là ở chỗ, giúp địa phương có được một quy hoạch bài bản, đầu tư hạ tầng và thu hút sự đầu tư của người dân. Chính việc hình thành làng thủy sản thì việc nuôi cá sẽ đảm bảo chất lượng vì được kiểm soát đầu vào, nhất là chất lượng nguồn nước hết sức đảm bảo.

“Nếu không phải làng thủy sản thì cách làm tự phát sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư manh mún, chỗ này nuôi cá, chỗ kia cấy lúa. Trong khi đầu tư, chăm sóc lúa và cá nó khác nhau.

Đơn cử, việc sử dụng thuốc BVTV và phân bón cho lúa đã làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước và môi trường ao nuôi. Cũng từ đây dễ nảy sinh các mâu thuẫn, xung đột. Vì thế, cái hay, cái được của làng thủy sản là khắc phục căn bản những bất cập hạn chế này.

Đây chính là hướng đi, cách làm phù hợp với thực tiễn, nâng cao thu nhập ổn định, phát triển cho người dân nông thôn”, ông Hùng quả quyết.

 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.