| Hotline: 0983.970.780

Tự làm meo giống và sáng chế ra thiết bị khử trùng phôi nấm, thu 100 triệu đồng/tháng

Chủ Nhật 10/12/2017 , 07:15 (GMT+7)

Từ khi ông tự làm được meo giống nấm và sáng chế ra thiết bị bảo đảm tối đa nhiệt khử trùng phôi nấm khiến tỷ lệ bịch phôi đạt thành phẩm tăng đến gần 100%, từ lúc đó gia đình ông chính thức “đổi đời”...

Trong cuộc đời làm nông, ông đã từng gắn bó với nhiều loại cây trồng, nhưng thu nhập chẳng khiến kinh tế gia đình khấm khá lên chút nào. Ông chuyển sang làm nấm, vừa làm vừa mày mò nghiên cứu...

11-56-03_1
Ông Hòa kiểm tra trại SX nấm

Từ khi ông tự làm được meo giống nấm và sáng chế ra thiết bị bảo đảm tối đa nhiệt khử trùng phôi nấm khiến tỷ lệ bịch phôi đạt thành phẩm tăng đến gần 100%, từ lúc đó gia đình ông chính thức “đổi đời” khi có khoản thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng.

Ghi nhận thành quả lao động của ông, tháng 5/2017 vừa qua, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng thưởng cho ông Huân chương Lao động hạng Ba. Ông là Đỗ Đình Hòa (55 tuổi) ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định).

Khi mới bước vào nghề trồng nấm, ông Đỗ Đình Hòa phải đi mua giống giống nấm (meo) về cấy vào phôi để SX. Cách làm này vừa không chủ động, vừa khiến chi phí SX tăng cao. Ông quyết tâm sẽ có ngày mình làm chủ được công nghệ trồng nấm từ công đoạn đầu đến công đoạn cuối.

Với vài ba trại nấm ban đầu, ông Hòa vừa làm vừa nghiên cứu qua sách vở báo chí về kỹ thuật làm giống nấm. Mày mò suốt 7 năm trời với những dụng cụ chuyên dụng trong căn buồng ông lấy làm phòng “thí nghiệm”, để rồi cuối cùng ông cũng cho ra được mẻ meo giống nấm đầu tiên, đó là vào năm 2007.

“Meo giống nấm được làm ra từ dinh dưỡng của khoai tây, lúa, đậu xanh… chưng cất lên. Bây giờ trông nó đơn giản là vậy nhưng phải mất 7 năm tôi mới làm thành công mẻ meo giống đầu tiên. Từ ngày làm ra được meo giống nấm tôi mới tự tin mở rộng SX”, ông Hòa chia sẻ.

11-56-03_2
Ông Hòa (người đội mũ) bên lò khử trùng bịch phôi

Sau thành công tự làm ra meo giống nấm, ông Hòa tiếp tục nghiên cứu sáng chế ra thiết bị cung cấp nhiệt cho lò khử trùng bịch phôi lên đến 160 độ C, nhờ đó tỷ lệ bịch phôi bị hỏng giảm từ 20% xuống chỉ còn 1-2%. Thiết bị cung cấp nhiệt đơn giản chỉ là 1 cái hộp sắt khoảng gần 30 kg, được hàn kín, rỗng ruột. Hộp sắt này có khích thước 45x20x10cm, 2 đầu nối 2 ống sắt thông từ chảo nước dẫn nhiệt ẩm vào lò khử trùng bịch phôi. Hộp sắt được đặt sát thành lò, bên cạnh đáy chảo.

“Khi tui chụm lửa, đến khi chảo nước sôi bùng, khi ấy cái hộp sắt “ăn” lửa đã đỏ rực, lúc này nhiệt của chiếc hộp sắt cung cấp cho lò khử trùng bịch phôi lên đến 160 độ C. Nhờ đó tỷ lệ bịch phôi hư hỏng giảm xuống chỉ còn 1-2%. Đặc biệt, làm thiết bị này chỉ tiêu tốn 1,2 triệu đồng, nhưng có thể khử trùng được hơn 6.000 bịch phôi, cao hơn gấp 10 lần so dùng nồi áp suất”, ông Hòa bộc bạch.

Sau khi làm chủ được công nghệ, ông Hòa mở rộng quy mô SX lên trên 20 trại trồng nấm và làm những bịch phôi nấm cung ứng cho người trồng khắp cả nước. Hiện những trại trồng nấm của ông Hòa mỗi tháng cho thu hoạch khoảng 2 tấn nấm, với giá bán bình quân 25.000đ/kg, mỗi tháng ông Hòa có thu nhập từ nấm là 50 triệu đồng.

Ngoài ra, mỗi tháng ông Hòa còn bán đi khắp cả nước khoảng 15.000 bịch phôi, giá mỗi bịch 4.000đ, vị chi ông thu thêm được khoảng 60 triệu đồng nữa. Những trại làm nấm của ông Hòa còn thu hút 60 lao động địa phương với công việc phơi mùn cưa, dào mùn cưa vào bịch ni-lon… với mức thu nhập gần 4 triệu đồng/người/tháng.

11-56-03_3
Ông Hòa (bìa trái) với thiết bị cung cấp nhiệt 160 độ C
“Hiện nay những trại nấm của tôi cho thu hoạch mỗi ngày từ 1,2 - 1,4 tạ nấm, những ngày rằm, mùng một giá nấm tăng cao đến 35 ngàn đồng/kg mà không có bán. Nấm của tôi được bạn hàng khắp các huyện trong tỉnh về lấy bán. Còn phôi nấm thì tôi cung ứng cả nước, ngoài các địa phương trong tỉnh Bình Định còn được bán cho người làm nấm ở Quảng Trị, Quảng Ngãi, TX An Khê (Gia Lai)”, ông Hòa cho biết.

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.