| Hotline: 0983.970.780

Tung lực lượng đến tận chợ xã xử lý hàng không rõ nguồn gốc

Thứ Năm 23/11/2023 , 10:33 (GMT+7)

Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Kạn đến tận chợ nông thôn xử lý hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, truy tận cùng những cơ sở vi phạm.

Xử lý hàng nghìn vụ vi phạm

Sau một thời gian theo dõi, ngày 30/10, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Bắc Kạn) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bắc Kạn) kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh thực phẩm của ông Phạm Đức Của tại tổ 15, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn.

Số hàng hóa vi phạm tại kho của hộ ông Phạm Đức Của (phường Sông Cầu, TP. Bắc Kạn). Ảnh: Ngọc Tú. 

Số hàng hóa vi phạm tại kho của hộ ông Phạm Đức Của (phường Sông Cầu, TP. Bắc Kạn). Ảnh: Ngọc Tú. 

Kho hàng này chứa các loại thực phẩm như cá, thịt ba chỉ rút sườn, sườn lợn, chân giò lợn, gà nguyên con, thịt trâu, chân gà, nem chua, xúc xích… tất cả là đồ đông lạnh.

Qua kiểm tra, phát hiện một số mặt hàng thực phẩm đã hết hạn sử dụng, thay đổi màu sắc, ôi thiu, bốc mùi hôi, tổng số hàng hóa có trọng lượng gần 1,5 tấn, trị giá hơn 87.000.000 đồng.

Cơ quan chức năng đã tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa, xử phạt vi phạm hành chính 25.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn theo quy định.

Thực hiện Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389 ngày 13/9/2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa, trong vòng 1 năm gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 1.400 vụ vi phạm.

Trong đó có 191 vụ về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, 1.151 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế, 7 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cơ quan chức năng đã khởi tố 206 vụ việc và 204 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước trên 18 tỷ đồng.

Nhận định của cơ quan chức năng cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, một số hành vi vi phạm có chiều hướng tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tăng 16 vụ, buôn bán, trưng bày hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tăng 6 vụ.

Các hành vi phạm chủ yếu xảy ra tại các huyện, xã, địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống nhân dân còn khó khăn.

Tại huyện Chợ Đồn, ngoài chợ quy mô lớn ở thị trấn Bằng Lũng còn hàng chục chợ xã họp theo phiên. Tại những chợ phiên này, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa gặp nhiều khó khăn, tình hình kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn diễn ra khá phức tạp.

Nguyên nhân là do nhu cầu người dân khá lớn, nhận thức về tác hại khi sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc còn hạn chế. Đặc biệt tại các chợ phiên, tiểu thương buôn bán nhỏ, hàng hóa nhiều chủng loại nên rất khó kiểm soát.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Chợ Đồn, Đội Quản lý thị trường số 6 đã kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 15 vụ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hầu hết hàng hoá vi phạm đều được các đối tượng mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ, không có nhãn hàng hóa hoặc không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất.  

Đội quản lý thị trường số 6 kiểm tra tại chợ xã Nghĩa Tá (huyện Chợ Đồn). Ảnh: QLTT Bắc Kạn. 

Đội quản lý thị trường số 6 kiểm tra tại chợ xã Nghĩa Tá (huyện Chợ Đồn). Ảnh: QLTT Bắc Kạn. 

"Nóng" mặt hàng động vật, sản phẩm động vật

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, tình trạng vận chuyển lậu động vật, sản phẩm động vật diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành phương án phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Gần đây nhất, nhận được tin báo xe ô tô BKS 88C-120.78 vận chuyển động vật đi qua địa phận tỉnh Bắc Kạn nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, Đội Quản lý thị trường số 3 kịp thời kiểm tra phương tiện trên.

Kết quả, xe ô tô BKS 88C-120.78 do Hoàng Văn Kiên (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) điều khiển từ tỉnh Tuyên Quang đi huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) đang vận chuyển 13 con trâu nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch và các giấy tờ liên quan khác. Đội Quản lý thị trường số 3 đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện. 

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Ảnh: Ngọc Tú. 

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tỉnh Bắc Kạn có tuyến Quốc lộ 3 đi qua, đây là cung đường huyết mạch từ biên giới tỉnh Cao Bằng về Hà Nội. Trên tuyến đường này, việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật diễn ra khá sôi động. Để ngăn chặn hành vi vi phạm, trên Quốc lộ 3 đoạn qua tỉnh Bắc Kạn có 2 chốt kiểm dịch động vật (1 chốt trên Quốc lộ 3 cũ, 1 chốt trên Quốc lộ 3 mới).

Từ đầu năm đến nay, hai chốt kiểm dịch này đã kiểm tra hơn 516.000 con gia súc, gia cầm (trong đó 8.043 con trâu, bò; 46.478 con lợn; 462.341 con gà, vịt) và hơn 430.000kg sản phẩm động vật (chủ yếu là thịt trâu và các sản phẩm thịt lợn). Qua kiểm tra đã phối hợp xử lý 14 trường hợp vi phạm không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính hơn 100.000.000 đồng.

Ghi nhận thực tế tại 2 chốt cho thấy, dịp cuối năm, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật có chiều hướng gia tăng. Chủ hàng thường chở vào ban đêm, nhiều trường hợp cố tình trốn tránh khi đến địa phận đặt trạm.

Anh Ma Đình Khánh, cán bộ Trạm Kiểm dịch động vật Chợ Mới cho biết, cán bộ trạm sẽ kiểm tra giấy tờ, kiểm tra lâm sàng, số lượng, chủng loại sau đó phun khử khuẩn các xe chở động vật. Tuy nhiên, thực tế có một số xe chở động vật cố tình vượt trạm, trốn việc kiểm dịch. Cuối năm, nhất là dịp giáp Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tăng cao, dự báo tình hình sẽ càng phức tạp.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bắc Kạn cũng đã mở đợt kiểm tra chuyên ngành tại 4 huyện, thành phố, kiểm tra 16 cơ sở, trong đó có 10 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thú y thủy sản. Qua kiểm tra phát hiện một số cơ sở cập nhật hoá đơn chứng từ chưa đầy đủ, thiếu bảng niêm yết giá bán thuốc thú y...

Theo nhận định, gần Tết Nguyên đán, hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ tăng. Các đối tượng kinh doanh ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin, tội phạm buôn lậu, hàng giả, hàng cấm với phương thức thủ đoạn sẽ ngày càng tinh vi.

Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh: NT. 

Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh: NT. 

Ông Trần Văn Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bắc Kạn - Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Kạn cho biết, thời gian tới lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng, xây dựng kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa có hiệu quả.

Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp cuối năm, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 như bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, pháo nổ, thuốc lá, điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, các mặt hàng thực phẩm chế biến từ động vật, thực phẩm, mỹ phẩm, gia súc, gia cầm...

Đặc biệt, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý; từ đó góp phần đảm bảo ổn định thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Xem thêm
Cơ quan chức năng của Hải Phòng ở đâu khi lưới bẫy chim giăng khắp nơi?

Hễ vào mùa chim di trú là lưới lại giăng khắp các vùng quê của TP Hải Phòng để rồi chim trở thành nguồn thực phẩm cung cấp cho các nhà hàng đặc sản.

Vụ chuyến bay giải cứu: Người nước mắt ăn năn, kẻ tự hào dù sai phạm

Sáng ngày 25/12, phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án 'chuyến bay giải cứu' tiếp tục diễn ra tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội với phần tranh tụng.