| Hotline: 0983.970.780

Nước tưới cho Tây Nguyên

Sông hồ cạn kiệt, nước vẫn xài hoang

Thứ Năm 11/04/2024 , 08:00 (GMT+7)

Mùa khô ở Tây Nguyên ngày càng khốc liệt, hồ chứa cạn kiệt. Trong khi đó, rất nhiều nơi người dân vẫn dùng nước 'thả phanh' để tưới tràn lênh láng cho vườn cà phê.

Tưới tràn kiểu truyền thống trên cây cà phê vẫn đang được phần lớn người dân áp dụng. Ảnh: Minh Quý.

Tưới tràn kiểu truyền thống trên cây cà phê vẫn đang được phần lớn người dân áp dụng. Ảnh: Minh Quý.

Quen kiểu tưới dí gốc cây

Bài liên quan

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk người dân vẫn áp dụng tưới cho cây cà phê bằng các biện pháp tưới dí gốc và một số tưới phun mưa diện rộng. Đang bước vào cao điểm mùa khô, do đó cây cà phê đang cần nước để trổ hoa, nhiều vùng chuyên canh cây cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã nhộn nhịp lên rẫy để bắt đầu mùa tưới cà phê. Tưới nước có tác dụng duy trì sinh trưởng của cây, đồng thời là điều kiện đặc biệt để cây ra hoa trong mùa khô.

Do nguồn nước tưới ít, hơn 10 gia đình chỉ trông chờ vào một cái giếng khoan nên ông Y Sy Niê (ngụ TP Buôn Ma Thuột) phải chia thay phiên nhau tưới. Gia đình ông Y Sy có hơn 5 sào cà phê nhưng phải cần đến 5 ngày mới có thể tưới hết. Xung quanh vườn cà phê của ông, hàng chục hộ gia đình khác vẫn đang cấp tập tưới cà phê để kịp thời vụ.

Với người trồng cà phê, mùa tưới rất quan trọng, quyết định lớn đến năng suất, sản lượng cà phê. Nhiều năm nay, mùa tưới trùng vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Từ mùng 2, mùng 3 Tết bà con đã hối hả giục nhau đi tưới. Thường mỗi vụ cà phê người dân tưới khoảng 3 đợt, năm nào hạn nhiều phải tưới đợt 4.

“Hết nhà này tới nhà khác, hết vườn cà phê này tới vườn cà phê khác. Năm nay gia đình đã tưới đến lần thứ 3. Mỗi lần tưới để đủ nước gia đình phải để cho đầy bồn. Tưới ban đêm nước sẽ nhiều hơn, điện mạnh hơn, lúc đó tưới sẽ nhanh hơn, tuy nhiên cũng hay bị sót cây nếu tưới không quen. Bên cạnh đó nếu tưới đêm là cả nhà phải ra canh ống, canh máy nữa, nhưng cũng phải canh mà tưới chứ không cà phê sẽ chết”, ông Y Sy nói.

Tưới tràn rất lãng phí nước, nhất là trong bối cảnh khô hạn ngày càng khốc liệt như hiện nay. Ảnh: Minh Quý.

Tưới tràn rất lãng phí nước, nhất là trong bối cảnh khô hạn ngày càng khốc liệt như hiện nay. Ảnh: Minh Quý.

Gắn bó với cây cà phê hơn 30 năm nay, ông Trần Văn Thanh (ngụ thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, gia đình hiện có 2,5ha cà phê. Mùa vụ năm 2023, gia đình thu hoạch được gần 10 tấn cà phê nhân, năng suất cao nhất trong vùng. Theo ông, việc trồng, chăm sóc cây cà phê quan trọng nhất là thời điểm tưới nước, nếu tưới không đúng thời điểm hay tưới thiếu nước, vườn cà phê ra hoa chanh sẽ không đậu quả, ảnh hưởng đến năm suất. Tưới đúng thời điểm, tưới đủ lượng nước, vườn cà phê sẽ nở hoa đều và đậu quả nhiều, cho năng suất cao.

“Vì vậy, ngay từ sau Tết Giáp Thìn 2024, gia đình tôi đã bắt đầu mùa tưới nước. Do trời nắng nóng nên cách nhau 10 ngày gia đình sẽ tưới cà phê một đợt, tính ra đến nay đã 3 - 4 đợt tưới. Hiện gia đình tôi cũng như những hộ xung quanh chủ yếu vẫn tưới theo cách truyền thống”, ông Thanh chia sẻ.

Huyện Chư Păh là một trong những địa phương có diện tích cây trồng lớn của tỉnh Gia Lai. Vụ đông xuân này, toàn huyện có diện tích cây trồng đạt gần 30 ngàn ha. Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Păh cho biết, hiện diện tích cây trồng của huyện chưa bị hạn. Tuy nhiên thời gian tới nếu không xuất hiện trận mưa nào, chắc chắn sẽ bị hạn cục bộ ở một số vùng xa nguồn nước. 

Cũng theo ông Sơn thì hiện tại, khoảng 70% diện tích cây trồng của huyện đã thực hiện biện pháp tưới tiết kiệm, mang lại hiệu quả cao trong việc tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên ở một số địa phương vùng sâu như xã Hà Tây, hệ thống điện 3 pha chưa đến nơi nên chưa thể tổ chức hình thức tưới tiết kiệm. Theo đó, người dân ở đây vẫn tưới theo kiểu truyền thống, gây lãng phí tài nguyên nước.

Tưới tràn chưa thực sự mang lại hiệu quả. Ảnh: Đăng Lâm.

Tưới tràn chưa thực sự mang lại hiệu quả. Ảnh: Đăng Lâm.

HTX Sản xuất - Thương Mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) có trên 400ha cà phê của gần 300 hộ thành viên tham gia. Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX cho biết, tỷ lệ áp dụng tưới tiết kiệm trên vườn cây của HTX mới chỉ đạt khoảng… 2%. Đồng nghĩa với việc gần như toàn bộ vườn cây của HTX vẫn tưới nước theo phương thức truyền thống.

“Vẫn biết tưới tiết kiệm mang lại nhiều lợi ích, vừa đỡ tốn nhân công và chi phí, hiệu quả tưới cao, giúp cây trồng phát triển thuận lợi nhất, lại vừa tiết kiệm được tài nguyên nước. Tuy nhiên việc tổ chức tưới tiết kiệm cho vườn cây của HTX không hề dễ bởi liên quan đến vấn đề tài chính của bà con.

Hơn nữa, không ít chủ vườn là đồng bào dân tộc thiểu số, trước giờ chỉ quen kéo vòi nước tưới theo kiểu truyền thống, chưa thực sự tin vào hiệu quả của việc áp dụng khoa học công nghệ trong tưới nước nên cần phải có thời gian để tuyên truyền, vận động, thậm chí làm mẫu cho bà con tin tưởng và học theo”, ông Thanh chia sẻ.

Vườn cà phê 3,3ha của ông Đào Văn Sinh ở thôn Ia Lok (xã Ia Mơ Nông) đến nay vẫn phải tưới theo kiểu truyền thống. Theo ông Sinh, thời buổi bây giờ mà kéo ống tưới từng gốc cà phê là lạc hậu lắm. Biết vậy nhưng không khắc phục được bởi vườn cây ở quá xa đường điện, hơn nữa đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho một ha không phải ít, do vậy, vẫn phải chấp nhận… lạc hậu thôi.

Theo người dân, mỗi ha cà phê trồng khoảng 1.000 gốc. Để hoa cà phê nở đều phải tưới 400 - 500 lít nước/gốc/đợt, bởi giai đoạn này cây cần lượng nước nhiều nhất. Như vậy, nếu tưới theo kiểu truyền thống, mỗi ha cà phê tiêu thụ hết khoảng 400 - 500 ngàn lít nước/đợt. Khi bước vào thời điểm khô hạn, mỗi gia đình phải tưới từ 4 - 5 đợt, thậm chí 6 đợt để cây cà phê đủ nước.

Hồ chứa cạn kiệt, nước vẫn lênh láng vườn cà phê

Tại xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), dưới cái nắng như đổ lửa, những vườn cà phê càng trở nên khô khốc, úa vàng. Các sông hồ nơi đây trở nên cạn kiệt khiến nhiều hộ dân như có lửa đốt khi nhìn những vạt cà phê của mình khô cháy. 

Hồ nước thuộc thôn Bình Minh (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) là nơi cung cấp nguồn nước tưới cho hàng ngàn ha cà phê trong vùng. Để bơm nước "cấp cứu" cho cà phê, rất nhiều hộ dân hối hả kéo máy, thả ống xuống hồ nước. Hàng chục đầu bơm thả xuống, thoáng chốc đường ống chạy như mạng nhện, tiếng máy nổ rền vang khắp lòng hồ.

Chính bởi tưới tràn truyền thống dẫn đến nguồn nước ở các sông, hồ nhanh chóng cạn kiệt. Ảnh: Tuấn Anh.

Chính bởi tưới tràn truyền thống dẫn đến nguồn nước ở các sông, hồ nhanh chóng cạn kiệt. Ảnh: Tuấn Anh.

Vừa kéo đầu ống nước thả xuống hồ, ông Phạm Văn Hùng (thôn Bình Minh, xã Hà Mòn) cho biết, gia đình có 2ha cà phê đang bước vào giai đoạn đậu quả nên rất cần nước tưới. Tuy nhiên đang bước vào thời điểm khô hạn khiến nước trong hồ cũng đã cạn đáy nên gia đình phải tranh thủ bơm nước tưới cho vườn cà phê.

Từ hồ nước tới vườn cà phê khoảng 700m nên ông Hùng phải đầu tư đường ống nước cùng máy bơm khá tốn kém. Để đảm bảo nguồn nước tưới, ông sử dụng nhiều béc tưới trên cao trải đều khắp vườn cà phê.

“Tranh thủ nguồn nước trong hồ vẫn còn, gia đình cố gắng tưới đẫm nước cho vườn cà phê, giúp cây phát triển. Bởi đây là thời điểm quan trọng, cà phê đang trong giai đoạn đậu quả, rất cần nước tưới”, ông Hùng cho biết.

Không chỉ gia đình ông Hùng, rất nhiều hộ dân khác trong vùng cũng sử dụng nguồn nước tưới cho cây cà phê ở hồ Bình Minh. Tại đây, nước được bơm lên đi theo đường ống tưới trực tiếp cho vườn cà phê. Gốc cà phê không những được tưới đẫm mà nước còn chảy tràn trên mặt đất, cả khu vườn như mặt ao nhão bùn.

Tại vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Xuân Tề (thôn 4, xã Hà Mòn), những ống béc tưới trên cao đang phun nước lênh láng khắp cả khu vườn. Không những vậy, nước còn phun ra cả ngoài đường làm ướt hết mọi người và phương tiện đi lại.

Ông Tề cho biết, sử dụng béc tưới trên cao gây lãng phí nguồn nước nhưng không còn cách nào khác nên gia đình vẫn phải sử dụng để cây cà phê phát triển.

“Phần lớn người dân nơi đây đều tưới tràn kiểu truyền thống, dí trực tiếp ống nước vào gốc cà phê hoặc dùng béc tưới trên cao. Với cách này sẽ gây lãng phí nguồn nước rất nhiều so với lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có tiền để đầu tư hệ thống tướn phun mưa tận gốc”, ông Tề chia sẻ.

Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà, Kon Tum) cho biết, phần lớn người dân xã Hà Mòn vẫn tưới cà phê theo kiểu truyền thống, nghĩa là đưa ống nước tưới trực tiếp vào hố cây cà phê. Với thời tiết khô hạn như hiện nay, việc tưới tràn kiểu truyền thống sẽ giúp đảm bảo nguồn nước cho vườn cà phê phát triển. Tuy nhiên, việc các hồ nước trong vùng đang ngày càng cạn kiệt, nếu các hộ dân không tiết kiệm nước thì thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm