| Hotline: 0983.970.780

Tuổi trẻ hôm nay

Thứ Ba 19/03/2019 , 09:28 (GMT+7)

Trong thời gian gần đây tôi được nhiều trường trung học phổ thông mời đi nói chuyện với các em học sinh về kỹ năng sống.

Tôi thật sự cảm động và phấn khích khi thấy 1.000-2.000 em có thể ngồi ngoài sân suốt hơn hai giờ đồng hồ để nghe tôi kể chuyện. Các thầy cô nói với tôi rất ít khi các em có thể ngồi yên lặng suốt buổi để nghe một cách hào hứng như vậy. Có những hôm mưa nhỏ các em dương ô lên và vẫn đòi nghe đến hết buổi.

gdvn-nld-2185744162
Tác giả trong một buổi trò chuyện với các em học sinh

Bí quyết của tôi là không thuyết giảng mà chỉ kể chuyện, chuyện xa chuyện gần, nhắc những danh ngôn mà tôi từng ghi lại một cách thú vị khi đọc sách và cuối buổi là có phần trao đổi có tặng các em những cuốn sách mà tôi mới được xuất bản gần đây.

Tôi nói đến cuộc Cách mạng 4.0 trong công nghiệp và nông nghiệp trên thế giới. Thế nào là trí tuệ nhân tạo (AI), là vạn vật kết nối (IoT), là dữ liệu lớn (Big data), là robot thế hệ mới, là công nghệ nano và sự phát triển theo hàm số mũ của các ngành tin học, công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ in 3D… Tôi nhắc đến những ví dụ dễ nhìn thấy như taxi Uber, Grab, Uber moto, Grabbike , những vật dụng có trí tuệ đang xuất hiện trong đời sống trên thế giới như ô tô tự hành, tủ lạnh biết báo hết trứng, trực thăng chở hàng nhỏ như đồ chơi, người máy y tá, người máy hầu bàn, người máy công nghiệp…

Từ đó tôi gợi ý các em phấn đấu để trở thành những công dân toàn cầu với tư thế làm chủ kỹ thuật mới. Nhưng cũng lo ngại cùng các em vì nếu người ta tự động hoá các ngành may mặc, đóng giầy, lắp ráp điện tử thì có thể có hàng chục vạn công nhân đang làm cho các công ty sẽ thất nghiệp. Trong tương lai không xa trong hàng hoá chỉ có 30% là nguyên liệu còn có đến 70% sẽ là trí tuệ…

Trong khi cuộc cách mạng công nghiệp 1.0 là sự xuất hiện của máy hơi nước, 2.0 là sự xuất hiện của máy nổ, 3.0 là Internet, thì trong Nông nghiệp cuộc cách mạng 1.0 ở đầu thế kỷ 20 lại là nền nông nghiệp nuôi sống dân số nhưng đòi hỏi số lượng lớn các nông hộ nhỏ.

Cách mạng 2.0 gắn với cuộc Cách mạng xanh vào những năm 1950 khởi đầu là giống lúa mỳ lùn và các giống cây khác, cho phép nâng cao năng suất, hạ giá thành nhưng lại cần đến nhiều hơn phân hoá học, thuốc trừ sâu và thiết bị cơ giới. Cách mạng 3.0 với ứng dụng định vị GPS, điều khiển tự động với việc ứng dụng các cảm biến và các thiết bị không dây.

Cách mạng 4.0 với hoạt động trồng trọt, chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị, là thông tin số hoá dành cho các quá trình sản xuất, giao dịch tạo nên nền nông nghiệp thông minh, với các hệ thống có thể đưa ra những quyết định một cách tự động . Tôi nhắc đến phong trào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với sự hỗ trợ tới 120 nghìn tỷ đồng từ quyết định của Thủ tướng và những mô hình canh tác số hoá bắt đầu hình thành ở một số hợp tác xã tại Cần Thơ…

Tôi đặt câu hỏi học để làm gì? Đâu phải chỉ như các em trả lời là để vào đại học, để sau này đỡ khổ, để khỏi phụ công bố mẹ thầy cô… Hiện nay trên thế giới người ta nói học để trở thành con người tự do (tự do tư tưởng, tự do lựa chọn, tự do tỉnh thức, tự do trở thành, tự do kiến tạo-tự suy xét, tự chịu trách nhiệm, tự xác định mục tiêu và sẵn sàng vươn đến tương lai bằng tất cả khả năng của mình).

Tôi hỏi bao nhiêu em định không thi vào đại học? Thi có đỗ được không? Tốt nghiệp xong có việc làm thích hợp hay không? Có thể làm giàu hay không ngay trên quê hương mình? Tôi kể đến những tỷ phú nông dân thường được nêu gương hằng tuần trong chương trình “Sinh ra từ làng”. Đó là Vua bơ Trịnh Xuân Mười, Vua chim Trần Nhữ Giáp, Vua cam chanh không hạt Lê Văn Xê, Vua máy cuộn rơm Phan Tấn Bện, Vua robot đặt hạt Phạm Văn Hát, Vua cá chép ròn Nguyễn Thế Phước, Vua sầu riêng Nguyễn Ngọc Trung, Vua nấm Vân Chi Nguyễn Trường Giang… Tôi kể đến những người khuyết tật thành đạt như sinh viên ngoại ngữ Lê Thị Thắm viết bằng chân, nhà văn Trần Hồng Gian gõ máy tính bằng nửa chiếc đũa ngậm vào mồm…

Tôi kể câu chuyện một người khi lìa đời nhìn thấy Phật tổ đeo bên người chiếc hòm và dẫn đi. Người ấy hỏi trong hòm có gì vậy. Trả lời: Đó là di vật của con. Người ấy hỏi có phải là quần áo và tiền bạc? Trả lời: Chúng thuộc về trái đât. Hỏi: Hay là ký ức của con. Trả lời: Chúng thuộc về thời gian. Hỏi: Hay là thiên phú của con. Trả lời: Chúng thuộc về cảnh ngộ.

Hỏi: Hay là bạn bè, họ hàng của con. Trả lời: Họ thuộc về hành trình mà con đã đi qua. Hỏi: Hay là vợ và các con của con. Trả lời: Họ thuộc về trái tim con. Hỏi: Vậy là thân xác của con. Trả lời: Cái đó thuộc về cát bụi. Vậy thì cái gì mới thuộc về con. Trả lời: Mỗi tích tắc khi con đang sống chúng mới thuộc về con. Các em cười ồ vui vẻ và không thể không suy nghĩ về chuyện lãng phí thời gian sống không mục đích, không hiệu quả.

Tôi kể chuyện về thói kiêu ngạo của một tiến sĩ khi đi qua đò. Anh ta hỏi cụ lái đò ba câu là: Cụ có biết gì về triết học, về thiên văn, về kiến trúc. Cụ đều trả lời không biết. Anh ta cười ngạo nghễ: Thế thì khác gì cụ mất đi ¾ cuộc sống rồi ! Bỗng gió bão nổi lên , con thuyền chao đảo. Cụ già vội hỏi anh: Ông có biết bơi không? Nếu không biết thì dễ mất 4/4 cuộc sống đấy! Các em lại cười nghiêng ngả. Mỗi câu chuyện đó là một bài học giản đơn nhưng các em sẽ nhớ mãi.

Tôi lại đố các em về ba điều: ba điều không lấy lại được (thời gian, lời nói, cơ hội); ba điều không được đánh mất (sự thanh thản, niềm hy vọng, tính trung thực); ba điều có giá trị nhất (tình yêu, lòng tin, bạn bè); ba điều không bền vững (giấc mơ, sự thành công, tài sản); ba điều làm nên giá trị con người (chân thành, siêng năng, thành đạt); ba điều làm hư hỏng con người (rượu chè cờ bạc, lòng tự cao, sự giận dữ). Các em đoán rôm rả và cười thích thú.

Các em hỏi tôi: Vì sao thầy trông trẻ hơn tuổi 80? Tôi trả lời chỉ có ba chữ: Không ghét ai! Các em cười phá lên. Chúng em ghét nhiều đứa lắm.

Các em lại hỏi tôi: Phương châm sống của tôi? Tôi trả lời giống nhiều người khác: Sống khoẻ; Chết nhanh; Ít của để dành; Nhiều người thương tiếc! Các em nhắc lại một cách thích thú.

Trước khi thực hiện việc đối thoại có thưởng các sách của tôi, còn bao nhiêu thời gian tôi đọc cho các em những câu danh ngôn sâu sắc về lòng hiếu thảo, lòng hiếu học, tình bạn, tình nghĩa thầy trò, tình yêu đôi lứa, nghị lực sống, ý chí vượt khó… Các em muốn hỏi tôi địa chỉ e-mail để có thể tiếp tục trao đổi thêm về các câu hỏi mà các em muốn hỏi. Tôi trả lời và sẵn sàng dành thời gian trao đổi với các em trên quãng đường đời sắp tới của các em.

Thời gian trôi qua quá nhanh và các em tranh nhau chụp ảnh với tôi để đăng lên Facebook. Mỗi lần như vậy tôi thấy mình trẻ hẳn lại vì được hoà mình với tuổi trẻ của các em. Một mùa xuân đang về cùng với tuổi trẻ của các em cùng với mùa xuân trên toàn đất nước.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.