| Hotline: 0983.970.780

Tương lai mới cho cảng cá Tam Quan

Thứ Ba 10/08/2021 , 08:00 (GMT+7)

Với quyết định đầu tư nâng cấp của tỉnh Bình Định, cảng cá Tam Quan (Thị xã Hoài Nhơn) sẽ mang tầm vóc mới, nhất là phục vụ nghề khai thác cá ngừ đại dương.

Cảng cá… không có cầu cảng!

Theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch hệ thống cảng cá, Bình Định có 4 cảng cá, trong đó cảng cá Quy Nhơn được quy hoạch cảng loại I; các cảng cá Đề Gi, Nhơn Châu và Tam Quan là cảng cá loại II.

Thế nhưng, hiện cảng cá Tam Quan (Thị xã Hoài Nhơn) có dịch vụ hậu cần nghề cá còn rất yếu, trong khi đây là địa phương có số lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh Bình Định với gần 3.000 chiếc.

Cảng cá Tam Quan (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) hiện chưa có cầu cảng, khu neo đậu cũng quá tải. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cảng cá Tam Quan (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) hiện chưa có cầu cảng, khu neo đậu cũng quá tải. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Tam Quan, tuy được mang danh là cảng cá nhưng từ xưa đến nay cảng cá Tam Quan không có cầu cảng, nên tàu cá không thể cập vào để bán sản phẩm. Mọi hoạt động mua bán thủy sản đều lệ thuộc vào 19 bến cá tự phát do người dân tự làm.

Ông Khải chia sẻ: Những đầu nậu chuyên mua bán thủy sản có nhà sát mép nước tự làm “cầu cảng” để tàu cá của bạn hàng cập vào bán cá. Do đó, sau khi Luật Thủy sản ra đời, chiếu theo các quy định thì cảng cá Tam Quan không đảm bảo hầu hết các điều kiện, không đảm bảo vị trí để kiểm soát cũng như việc tiếp nhận sản phẩm thủy sản, không đảm bảo việc kiểm soát nguồn gốc thủy sản để khắc phục "thẻ vàng" của EU, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, gây tổn thất sau khai thác từ 20%-25%.

Trong khi đó, Khu neo đậu tàu thuyền Tam Quan được quy hoạch là khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, kết hợp với cảng cá, là nơi neo đậu tránh trú bão của khoảng 3.000 tàu cá xa bờ của tỉnh Bình Định và của một số tàu cá các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên.

Hàng ngày, cảng cá Tam Quan tiếp nhận trên 400 tàu khai thác cá ngừ đại dương cập bờ bán sản phẩm. Đây là nơi số lượng lớn cá ngừ đại dương thông qua cảng, là địa điểm được chọn để tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" EU của Bình Định.

Vì cảng cá Tam Quan không có cầu cảng nên tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân Hoài Nhơn phải vào cảng cá Quy Nhơn bán sản phẩm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vì cảng cá Tam Quan không có cầu cảng nên tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân Hoài Nhơn phải vào cảng cá Quy Nhơn bán sản phẩm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tuy nhiên, hiện cảng cá Tam Quan đối mặt với các vấn đề như: Luồng lạch nhỏ hẹp, thường xuyên bị bồi lấp, trong khi tàu thuyền đánh bắt xa bờ ngày càng có dung tích, công suất lớn nên việc ra vào cửa biển rất khó khăn và không đảm bảo an toàn. Do đó, hàng năm có đến 10-15 tàu cá bị mắc cạn tại cửa biển Tam Quan, gây thiệt hại lớn cho ngư dân và phương tiện hoạt động nghề cá.

Thêm vào đó, tình trạng quá tải của cảng cá Tam Quan không đảm bảo an toàn cho phương tiện neo đậu, dễ gây cháy nổ và ô nhiễm môi trường. Hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá như cung ứng nhiên liệu, đá lạnh và lương thực không đủ cung cấp cho số lượng lớn tàu thuyền.

Hoạt động thu mua hải sản mang tính chất thủ công, sản phẩm đưa vào bờ không được bảo quản kịp thời khiến chất lượng và giá trị sản phẩm thấp, gây tổn thất sau thu hoạch cho ngư dân.

Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo khu neo đậu tránh trú bão và xây dựng cảng cá Tam Quan rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Tương lai mới

Trước những bức xúc kể trên, trong năm 2020 UBND, Thị xã Hoài Nhơn đã đầu tư 20 tỷ đồng để nâng cấp tạm thời cảng cá Tam Quan.

Đến nay, cảng cá Tam Quan đã được xây dựng 293 m kè đứng để tàu cá cập bờ bán sản phẩm với kinh phí khoảng 12,8 tỷ đồng; đồng thời đã đấu thầu xong hạ tầng bên trên, gồm: Nhà lồng, hệ thống xử lý nước thải và hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống điện… với kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Trong năm 2021 này, cảng cá Tam Quan sẽ hoàn thành các hạng mục nói trên.

Luồng vào cửa biển Tam Quan hẹp, thường bồi lấp nên mỗi năm có 10-15 tàu cá của ngư dân bị mắc cạn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Luồng vào cửa biển Tam Quan hẹp, thường bồi lấp nên mỗi năm có 10-15 tàu cá của ngư dân bị mắc cạn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tại kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, cũng đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá Tam Quan. Đây là dự án thuộc nhóm B, dự kiến tổng mức đầu tư 113 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 – 2024.

Theo đó, cảng cá Tam Quan sẽ được xây dựng kè bảo vệ bờ kết hợp cảng cá với chiều dài 480m và khu dịch vụ hậu cần nghề cá với diện tích 5,3 ha. Các hạng mục chính được xây dựng gồm: Kè bảo vệ bờ kết hợp bến cập tàu; nhà phân loại thủy sản, nhà điều hành cảng; đường giao thông nội bộ; hệ thống thoát nước mưa, nước thải, hệ thống cấp nước sinh hoạt, điện chiếu sáng và phòng cháy chữa cháy...

Theo UBND tỉnh Bình Định, việc đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá Tam Quan nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ điều kiện hình thành 1 trung tâm nghề cá đúng theo tiêu chuẩn, bao gồm dịch vụ hậu cần đánh bắt, tổ chức thu mua, chế biến sản phẩm thủy sản.

Đặc biệt, cảng cá Tam Quan sẽ là cảng cá chuyên dụng của sản phẩm cá ngừ đại dương, nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, giá trị sản phẩm và hiệu quả khai thác thủy sản, đảm bảo phát triển bền vững nghề cá của địa phương.

Đồng thời, cảng cá Tam Quan được đầu tư hoàn chỉnh sẽ tạo lòng tin cho ngư dân an tâm bám biển khẳng định chủ quyền biển đảo, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, ổn định kinh tế, chính trị trong khu vực.

“Sau khi hoàn thiện, cảng cá Tam Quan sẽ đạt chuẩn, khi ấy mọi hoạt động nghề cá sẽ được vận hành đúng theo quy định, như: An toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường cảng cá được đảm bảo. Tàu cập cảng bán sản phẩm sẽ được kiểm tra, kiểm soát đúng quy định của Luật Thủy sản.

Quan trọng hơn, đây là cơ sở để mặt hàng thủy sản xuất khẩu được thị trường thế giới, nhất là Châu Âu, nhằm góp phần nâng cao giá trị hàng thủy sản”, ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Tam Quan.

Xem thêm
Gần 200 học viên tham gia lớp đào tạo nuôi biển công nghiệp

KHÁNH HÒA Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, việc trang bị kiến thức để bước vào ngành công nghiệp nuôi biển một cách bài bản là rất cần thiết.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.