| Hotline: 0983.970.780

Tuyên chiến với chất cấm

Thứ Tư 18/11/2015 , 09:15 (GMT+7)

Quốc hội lo lắng trước vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm./ Đường dây nóng tố giác chất cấm

* VSATTP còn là đạo đức dân tộc

* Nông nghiệp đang chịu sức ép lớn

Còn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đề nghị Quốc hội sửa điều 155 và 244 trong Bộ luật Hình sự để truy tố các hành vi sử dụng chất cấm.

18-36-08_pho-thu-tuong-vu-duc-dm-coi-vsttp-con-l-do-duc-dn-toc
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói vệ sinh ATTP còn là đạo đức dân tộc

Trả lời trước những vấn đề mà ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) và nhiều ĐBQH khác có chung câu hỏi về vấn nạn chất cấm trong chăn nuôi và công tác quản lý vật tư nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ nhận thức rất rõ yêu cầu và mong đợi của nhân dân cũng như trách nhiệm của mình trong quản lý Nhà nước được phân công.

"Đừng chờ chết mới truy tố"

Theo đó toàn ngành NN-PTNT cố gắng hết sức mình làm tất cả những gì có thể theo quyền hạn và trách nhiệm để chấn chỉnh những vấn đề đang đặt ra và tập trung vào 5 nhóm giải pháp: Tuyên truyền nâng cao nhân thức; xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế chính sách; hỗ trợ nhân dân tổ chức SXKD thực phẩm an toàn và vật tư chất lượng tốt; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; tăng cường năng lực của hệ thống để thực nhiệm vụ được giao, cả trước mắt và lâu dài.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, các giải pháp đó được triển khai thực hiện nhiều năm và đã có những tác động tích cực nhưng cũng chủ yếu ở mức độ kiềm chế, không để tình hình xấu hơn. Tuy nhiên, cũng có một số mặt cải thiện nhưng chưa bền vững.

Gần đây, một số việc xấu đi như tình trạng sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi. Bộ NN-PTNT đã phát hiện và công bố: 9 tháng đầu năm nay giám sát thấy rằng 1% thủy sản, 10% rau, 7,6% thịt có dư lượng vượt mức cho phép. Rõ ràng những con số nêu là cao, vì thế cần phải cố gắng để giảm, đồng thời làm để nhân dân có thể phân biệt được đâu là an toàn, đâu là không an toàn.

Vì thế, muốn tạo sự chuyển biến phải kiểm soát được toàn bộ lực lượng này. Mặt khác, bộ máy và nguồn lực để thực hiện cũng hạn chế. Như ở Tuyên Quang chỉ 7 người ở Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bình Dương có 10 người, cấp huyện và cấp xã không có cán bộ chuyên trách. Trong khi cả nước riêng lĩnh vực thuốc BVTV có 103 doanh nghiệp SX, hơn 200 DN kinh doanh, 30.000 cửa hàng bán lẻ.

Vấn đề đặt ra hiện nay, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, là phải chú trọng khâu tổ chức SX theo chuỗi, tăng cường kiểm tra, giám sát vi phạm. Những ngày này Bộ NN-PTNT làm rất quyết liệt, cùng với lực lượng của Bộ Công an, đi kiểm tra và bắt nhiều doanh nghiệp với tang chứng và xử lý nghiêm minh.

Trước sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có giảm, đặc biệt ở phía Nam. Bộ cũng đã cho xét nghiệm các mẫu thức ăn, trước đây bình quân 16%, trong tháng này còn 3% đến 4% mẫu dương tính.

Một giải pháp được người đứng đầu ngành NN-PTNT kiến nghị đến Quốc hội đó là việc phải hoàn thiện hệ thống pháp lý và bức xúc nhất bây giờ chính là đề nghị Quốc hội khi xem xét thông qua Bộ luật Hình sự thì sửa đổi Điều 155 và Điều 244 nhằm có cơ sở pháp lý mạnh để xử lý những vi phạm rất nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.

Trong phiên thảo luận tình hình KT-XH, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An Đinh Thị Phương Khanh (ĐBQH tỉnh Long An) cũng đã kiến nghị với Quốc hội như vậy. Và ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) còn cho rằng, phải xem việc chống sử dụng chất cấm trong ATVSTP như cuộc chiến chống ma túy. Đề xuất này Bộ trưởng Cao Đức Phát rất tán thành vì cho rằng, sử dụng chất cấm là một tội ác.

Lý do Bộ trưởng Cao Đức Phát và một số ĐBQH đề nghị xem xét bổ sung vấn đề này vào Bộ luật Hình sự trước lúc thông qua đó chính là tại Điều 155 về sử dụng chất cấm chưa có nội dung chất cấm dùng trong chăn nuôi. Vì chất cấm như Sabutamol, cấm trong chăn nuôi nhưng dùng để chữa bệnh.

pht191709771
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Quốc hội sửa Bộ luật Hình sự để truy tố các hành vi sử dụng chất cấm

Chất Vàng - Ô, cấm trong chăn nuôi, cho vào thức ăn chăn nuôi thì con gà thịt vàng, bắt mắt người tiêu dùng, nhưng lại gây ung thư. Nhưng trong công nghiệp dùng nó để làm chất nhuộm. Cho nên theo Bộ trưởng Phát là quy định như thế trong luật Điều 155 không giải quyết được.

Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tại Điều 244, nói rằng nếu buôn bán thực phẩm độc hại, gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng mới xử lý. Tức là phải lăn ra chết mới xử lý. Ăn thực phẩm ít khi nào bị thế, nên điều đó không xử lý được.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng, chúng ta không thể chỉ nặng về kiểm soát, xử lý, mà gốc của vấn đề là phải hướng dẫn và phải hỗ trợ nhân dân sản xuất sản phẩm an toàn và người tiêu dùng nhận biết được đâu là an toàn. Để làm được điều đó chúng ta cần phải có những chính sách mạnh hơn, phía Bộ NN-PTNT sẽ sớm đề xuất những chính sách như vậy.

“Tôi đề nghị Quốc hội xem xét chỗ này trước khi thông qua Bộ luật Hình sự để có cơ sở pháp lý và đủ sức răn đe. Chúng tôi sẽ có những kiến nghị cụ thể bằng văn bản về việc này với Chính phủ. Tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép sửa đổi 4 nghị định về xử phạt hành chính sẽ tăng mạnh mức xử phạt đối với các vi phạm” – Bộ trưởng Cao Đức Phát thể hiện quyết tâm ngăn chặn vấn nạn chất cấm.

Để chăn nuôi không thua trên sân nhà

Cũng theo nhiều ĐBQH thì SXNN đang đối mặt với nhiều khó khăn trước biến đối khí hậu ngày càng khốc liệt. Đáng chú ý là xuất khẩu nông sản, thủy sản tăng trưởng nhanh về lượng nhưng giá xuất còn quá thấp, thu nhập của người nông dân còn bấp bênh và chưa ổn định, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, do dịch bệnh, mức thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình hội nhập đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt của thịt, trứng và sữa nhập khẩu.

Tình trạng thương lái người nước ngoài hoạt động thu mua nông sản, lâm sản, thủy sản... tác động tiêu cực đến đời sống người nông dân, v.v... các tồn tại trên không biệt lập mà có quan hệ mật thiết với nhau.

Do đó, theo ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), vấn đề đặt ra là phải gắn thương mại dịch vụ với công nghiệp chế biến, chế tạo và sự gắn kết này phải tạo ra sức hút đối với khu vực SX nông, lâm, ngư nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng. Tuy nhiên, trong thời gian qua sự gắn kết này và sức hút tạo ra chưa đạt yêu cầu.

ĐBQH quan tâm đến thách thức của nông nghiệp Việt Nam trước hội nhập Quốc tế. ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) nêu ý kiến: AEC và TPP chưa có hiệu lực, mà ngành nông nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt trước việc mía đường không cạnh tranh được, gạo chất lượng cao của Thái Lan và Camphuchia, trái cây của Thái Lan được bày bán ngày càng nhiều trên thị trường. Thịt gà Mỹ, thịt bò Úc được nhập khẩu ngày càng nhiều và được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn. Tất cả đang gây áp lực lớn lên nền nông nghiệp Việt Nam.

ĐB Hòa hỏi, theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp Việt Nam có bị thua trên sân nhà hay không? Bộ trưởng có giải pháp gì để giúp chúng ta không bị thua trên sân nhà.

18-36-08_dbqh-trn-ngoc-vinh-don-hi-phong
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) ví von con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế

Vấn đề này, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, chúng ta có những sản phẩm khả năng cạnh tranh yếu như mía đường, một số loại sản phẩm chăn nuôi. 70% sản phẩm chăn nuôi của nước ta là do các hộ gia đình nông dân rất nhỏ sản xuất, trong khi cả nước Mỹ chỉ có 40 công ty và 29.500 hộ chăn nuôi, nuôi 1 năm 9 tỷ con gà. Chúng ta 8 triệu hộ nông dân nuôi 1 năm 320 triệu con gà, mỗi hộ rất ít, nên năng suất, chất lượng thì thấp mà giá thành thì cao.

“Nhưng không thể để ngành chăn nuôi của chúng ta thất bại trên sân nhà, vì đây là cuộc sống của người dân, của hàng triệu hộ nông dân. Chúng ta phải tổ chức lại SX và hỗ trợ nhân dân nhanh chóng ứng dụng KHKT để SX ra các loại nông sản, kể cả những nông sản chúng ta đang yếu thì càng phải tập trung nhiều hơn để hỗ trợ nhân dân.

Hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ để có năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, giá thành hạ hơn, cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Mặt khác, tạo điều kiện để cho các hộ SX lớn, các Cty SX theo kiểu công nghiệp đạt trình độ của các đối tác” – Bộ trưởng thể hiện quyết tâm để chăn nuôi không thua trên sân nhà.

VSATTP còn là đạo đức dân tộc

Trả lời trước Quốc hội về lo ngại thực trạng SXKD lạm dụng chất cấm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, SXKD thực phẩm và đảm bảo ATTP nó diễn ra ở 10 triệu hộ gia đình. Mong muốn nhân dân ý thức hơn nữa trong SXKD vì đây không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn là đạo đức dân tộc.

“Trong hoạt động, chúng tôi không chỉ có họp bàn mà còn trao đổi, điện thoại trực tiếp, không câu nệ, không chỉ làm việc với Bộ trưởng mà còn sẵn sàng đối thoại với chuyên viên.

Trước năm 2001 cách quản lý Nhà nước về lĩnh vực ATVSTP thì mỗi Bộ thực hiện một khâu riêng biệt nhưng nay Luật ATTP được sửa lại và quản lý theo chuỗi. Mới đây các Bộ NN-PTNT, Công thương, Y tế đã ký thông tư liên tịch phân công mỗi Bộ chịu một trách nhiệm cụ thể. Như vậy là quy định đầu mối rất rõ. Vấn đề tiếp theo là tổ chức thực hiện ráo riết hơn và tốt hơn” – Phó Thủ tướng nói.

VĂN HÙNG

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hạn hán ở Gia Lai gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng

Bên cạnh 380ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, tỉnh Gia Lai còn ghi nhận hàng trăm ha cây trồng khác đang thiếu nước và chưa thể thống kê đủ mức độ thiệt hại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm