| Hotline: 0983.970.780

Tuyên truyền để nhà nông không phá bỏ cây ăn trái đặc sản

Thứ Hai 03/07/2023 , 17:55 (GMT+7)

CẦN THƠ Huyện Phong Điền sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền để người dân không chạy theo xu thế thị trường, phá bỏ diện tích cây đặc sản địa phương.

Huyện Phong Điền là vùng chuyên canh cây ăn trái lớn của TP Cần Thơ với diện tích gần 8.800ha, sản lượng đạt khoảng 100.000 tấn/năm.

Địa phương này nổi tiếng với nhiều loại trái cây mang lại giá trị kinh tế cao như: Dâu Hạ Châu (gần 300ha, sản lượng khoảng 4.300 tấn/năm); sầu riêng (trên 3.200ha, sản lượng khoảng 27.200 tần/năm); nhãn (gần 496ha, sản lượng khoảng 4.550 tấn/năm)... góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện lên 1.225 tỷ đồng vào năm 2022.

Hội chợ trưng bày nhiều loại trái cây đặc sản của huyện Phong Điền, qua đó tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân, tạo cơ hội thúc đẩy chuỗi liên kết '4 nhà'. Ảnh: Kim Anh.

Hội chợ trưng bày nhiều loại trái cây đặc sản của huyện Phong Điền, qua đó tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân, tạo cơ hội thúc đẩy chuỗi liên kết "4 nhà". Ảnh: Kim Anh.

Để tạo điều kiện cho nhà nông trên địa bàn huyện có điều kiện tiếp cận thị trường, tiêu thụ nông sản thuận lợi, hàng năm, huyện Phong Điền thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối, hội chợ trái cây thu hút khách đến tham quan, thưởng thức.

Từ thành công của Hội chợ trái cây lần thứ I được tổ chức vào năm 2022, mới đây, Hội chợ trái cây nhà nông huyện Phong Điền lần thứ II năm 2023 tiếp tục được tổ chức. Đây là sự kiện quan trọng của huyện nhằm quảng bá, giới thiệu nét đặc sắc, phong phú, đa dạng các loại trái cây chất lượng cao của TP Cần Thơ nói chung và huyện Phong Điền nói riêng. 

Tại Hội chợ trái cây nhà nông huyện Phong Điền lần thứ II (diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 21/6 đến ngày 24/6, đúng điểm rơi dịp Tết Đoan Ngọ), bên cạnh các gian hàng trưng bày, giới thiệu các loại trái cây đặc sản, sản xuất theo hướng VietGAP, còn diễn ra nhiều hoạt động phong phú như hội thi trưng bày trái cây, hội thảo về liên kết tiêu thụ trái cây. Qua đó, tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân, tạo cơ hội thúc đẩy chuỗi liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà".

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền bày tỏ, để có được những trái ngon và sản phẩm đặc trưng nổi tiếng, nông dân đã rất cần cù, chịu khó học hỏi, sản xuất an toàn, có trách nhiệm với môi trường sinh thái và người tiêu dùng. Từ đó, nhiều thương hiệu nông sản gắn liền với mảnh đất Phong Điền đã ra đời, nâng cao vị thế, chất lượng cuộc sống cho bà con nông dân.

Hội chợ trái cây nhà nông huyện Phong Điền sẽ là hoạt động được huyện này duy trì trong những năm tới nhằm quảng bá đặc sản cây ăn trái địa phương, thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái. Ảnh: Kim Anh.

Hội chợ trái cây nhà nông huyện Phong Điền sẽ là hoạt động được huyện này duy trì trong những năm tới nhằm quảng bá đặc sản cây ăn trái địa phương, thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái. Ảnh: Kim Anh.

Sầu riêng Ri6, vú sữa Lò Rèn, nhãn Ido, cam mật Phong Điền, chanh không hạt... đã trở thành những mặt hàng trái cây được nhiều người biết đến. Các sản phẩm này không những được tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, đem lại thu nhập cao cho nông dân trong huyện.

Thời gian tới, để nâng cao giá trị các loại cây ăn trái chủ lực của huyện, Phong Điền sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền để người dân không chạy theo xu thế thị trường, phá bỏ diện tích cây đặc sản địa phương. Bên cạnh đó, huyện đã và đang đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đến liên kết sản xuất, tiêu thụ để nông dân yên tâm sản xuất, giữ vững diện tích cây ăn trái đặc sản.

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của huyện cũng như của TP Cần Thơ sẽ tiếp tục tập trung hướng dẫn người dân sản xuất theo chuẩn an toàn, GAP, theo hướng hữu cơ..., xây dựng mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Khu vực huyện Phong Điền được xem là "vành đai xanh” của TP Cần Thơ còn tạo ra không gian tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cho thành phố. Những vườn cây giờ đây không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả mà còn gắn kết hoạt động du lịch, giúp Phong Điền hình thành vùng du lịch sinh thái đặc trưng cho TP Cần Thơ.

Việc giữ các vùng cây ăn trái đặc sản sẽ giúp Phong Điền khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng du lịch sinh thái. Ảnh: LHV.

Việc giữ các vùng cây ăn trái đặc sản sẽ giúp Phong Điền khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng du lịch sinh thái. Ảnh: LHV.

Theo UBND huyện Phong Điền, toàn huyện hiện có 65 điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử - văn hóa, trong đó các khu du lịch sinh thái chiếm hơn 2/3. Các điểm vườn trải đều hầu các xã trên địa bàn, tập trung chủ yếu tại xã Mỹ Khánh, Nhơn Ái và Nhơn Nghĩa, tạo ra "lợi nhuận kép" từ kinh tế vườn cho nhà nông, phù hợp xu thế phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm cây ăn trái, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ...

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.