Đảm bảo SGK đến học sinh trước ngày 15/8/2020
Ngày 10/6/2020, Bộ GD- ĐT có công văn hướng dẫn việc cung ứng sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 gửi các Sở GD-ĐT và các nhà xuất bản có sách giáo khoa lớp 1 được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu, thời gian bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về sử dụng sách giáo khoa lớp 1 phải được hoàn thành trước 30/7/2020.
Đến ngày 30/5/2020, Bộ GD-ĐT đã nhận được công văn của 63 Sở GD-ĐT báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các trường tiểu học.
Kết quả cho thấy, tất cả các đầu sách giáo khoa được phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông đều được lựa chọn; 61 địa phương chọn sách giáo khoa ít nhất từ 3 bộ trở lên, trong đó 36 tỉnh chọn sách giáo khoa của cả 5 bộ.
“Bộ GD-ĐT cũng lưu ý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa năm học 2020-2021 trên địa bàn. Việc cung ứng sách giáo khoa phải đảm bảo sách đến tay phụ huynh, học sinh, giáo viên trước ngày 15/8/2020”, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT nói.
Triển khai dạy học từ xa trên phạm vi cả nước
Trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học phòng, chống dịch bệnh Covid-19, lần đầu tiên dạy học từ xa qua internet, trên truyền hình được triển khai trên phạm vi cả nước.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy ở bậc đại học có trên 50% trường đại học tổ chức dạy học từ xa. Ở bậc phổ thông tổng hợp qua hơn 4 tháng triển khai dạy học từ xa phòng chống dịch Covid-19 cho thấy, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tốt việc dạy học qua internet, trên truyền hình cho tất cả đối tượng học sinh.
Các sở GDĐT tích cực đóng góp bài giảng, tham gia xây dựng nội dung dạy học trên truyền hình. Kết quả, 324 bài học đã được phát trên kênh VTV7 và kênh K+.
Các thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về tỷ lệ học sinh học qua internet (86,5%) và trên truyền hình (87,5%). Tiếp đó là các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Tỷ lệ học sinh học qua internet và trên truyền hình dưới 50% chủ yếu do khó khăn về hạ tầng, cơ sở vật chất là khu vực miền núi và trung du phía Bắc, Bắc Trung Bộ.
Dạy học từ xa qua internet, trên truyền hình đã giúp các địa phương kết thúc năm học trước 15/7/2020, chất lượng giáo dục được đảm bảo, rút ngắn thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học; tăng cường sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang dự thảo quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông. Quy chế này sẽ tạo hành lang để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả.
Sau khi có quy chế, Bộ sẽ xây dựng thông tư quy định dạy học trực tuyến, quy định trách nhiệm của Sở, phòng GD-ĐT, các nhà trường, cũng như các thầy cô giáo, đồng thời có văn bản hướng dẫn về kỹ thuật, điều kiện đảm bảo việc dạy và học.
Thanh tra Chính phủ tham gia giám sát thi THPT quốc gia 2020
Ông Trần Quang Nam cho biết, điểm đặc biệt của kỳ thi THPT quốc gia năm nay là sẽ có thêm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh tham gia giám sát kỳ thi.
Đồng thời, kỳ thi năm nay, giảng viên Đại học sẽ không tham gia vào công tác coi thi, chấm thi như mọi năm nhưng sẽ được huy động để tham gia các đoàn thanh tra của Bộ, của Sở triển khai công tác kiểm tra, thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi.
Theo hướng dẫn công tác thanh tra kỳ thi đã được Bộ GD-ĐT ban hành, sẽ có hơn 6.000 giảng viên đại học được huy động thực hiện nhiệm vụ này.
Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT cũng cho biết thêm, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để quán triệt Quy chế thi và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi. Hội nghị thống nhất quan điểm, tinh thần và trách nhiệm để sẵn sang triển khai các công việc chuẩn bị, tổ chức thi với quyết tâm cao nhất, đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan.