Lính Mỹ huấn luyện với tên lửa Javelin. Ảnh: Drive. |
"Tôi hoan nghênh lợi ích, cả trong và ngoài nước, từ việc cung cấp các hệ thống tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine. Tôi có thể xác nhận loại vũ khí được chờ đợi từ lâu này đã tới Ukraine và sẽ giúp củng cố khả năng chiến đấu của chúng tôi", TASS dẫn thông báo trên trang Facebook của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 30/4. Thông tin này sau đó được Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận.
Thương vụ cung cấp tên lửa chống tăng Javelin này là lần đầu Mỹ bán vũ khí sát thương cho Ukraine kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Washington trước đó tránh cung cấp vũ khí sát thương hiện đại cho Kiev, do lo ngại làm leo thang xung đột tại miền Đông Ukraine và gây căng thẳng với Moscow.
Tuyên bố của ông Poroshenko cho thấy quân đội Ukraine đặt rất nhiều kỳ vọng vào số tên lửa Javelin, vũ khí được coi là một trong những "sát thủ diệt tăng" nguy hiểm nhất thế giới, đủ sức đánh bại nhiều loại xe tăng do Nga và các cường quốc khác sản xuất.
FGM-148 Javelin là tên lửa chống tăng vác vai tự dẫn được Mỹ biên chế từ năm 1996, được trang bị đầu nổ lõm xuyên giáp (HEAT) kép có khả năng xuyên thủng phần nóc, sườn và đuôi các mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực ngày nay.
Nhiều người trông đợi loại tên lửa này có thể giúp Ukraine xoay chuyển cục chiến chiến trường ở miền đông, nơi quân đội chính phủ đang giao tranh với các lực lượng ly khai thân Nga.
Khu vực giao tranh (màu vàng đậm) giữa quân chính phủ và phe ly khai ở miền đông Ukraine. Đồ họa: Vox. |
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Mark Sleboda cho rằng những người đặt nhiều kỳ vọng vào tên lửa Javelin có thể sẽ sớm vỡ mộng, bởi vũ khí này không giúp thay đổi được cục diện chiến trường Đông Ukraine.
"Ukraine đặt mua 37 bệ phóng và 210 quả đạn với tổng trị giá 47 triệu USD. Tuy nhiên, xe tăng không được sử dụng ở chiến trường Đông Ukraine suốt ba năm nay. Thiệt hại của hai bên chủ yếu tới từ lính bắn tỉa và các đợt pháo kích. Tên lửa Javelin sẽ không thay đổi được tình hình", ông Sleboda cho biết.
Việc Mỹ đồng ý bán tên lửa Javelin cho Ukraine còn gây nguy cơ leo thang căng thẳng với Nga. "Nếu Mỹ tiếp tục chuyển giao vũ khí hiện đại cho chính phủ Ukraine, Nga có thể đáp trả bằng cách tăng cường khả năng tác chiến cho lực lượng dân quân miền đông nước này", ông Sleboda cảnh báo.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA), tổ chức điều phối hoạt động bán vũ khí của Mỹ cho nước ngoài, cũng có chung nhận định. DSCA khẳng định tên lửa Javelin sẽ không giúp quân đội Ukraine thu được lợi thế đáng kể trước các lực lượng dân quân ly khai.
Phong trào đấu tranh đòi ly khai ở Đông Ukraine bùng lên từ năm 2014, với các cuộc biểu tình leo thang thành bạo lực vũ trang ở tỉnh Donetsk và Luhansk chống lại chính phủ của Tổng thống Poroshenko. Ukraine cáo buộc Nga hỗ trợ vũ khí, hậu cần cho các phong trào ly khai này. Chiến sự ở Đông Ukraine đến nay vẫn diễn ra dai dẳng mà chưa bên nào giành được lợi thế rõ ràng.