| Hotline: 0983.970.780

Ùn ùn sang Campuchia xem... rồng nổi

Thứ Ba 26/08/2008 , 06:00 (GMT+7)

Một tin đồn hết sức ly kỳ lan truyền mấy ngày qua trên đất Campuchia: đó là hiện tượng “rồng nổi” hay rồng giáng thế.

Rồng nổi thực ra chỉ là... mô đất hình rồng được đắp nổi

Một tin đồn hết sức ly kỳ lan truyền mấy ngày qua trên đất Campuchia, thu hút sự chú ý của không chỉ đông đảo người dân nước bạn mà còn lan rộng đến Việt Nam. Đó là lời đồn thổi có hiện tượng “rồng nổi” hay rồng giáng thế. 

Rồng nổi?

Tại nhà ông Chau Nhum (56 tuổi) ở phum Cà Na, xã Thâm Đưng, huyện Ki Ri Vông, tỉnh Tà Keo (Campuchia) có một vệt đất sống lươn chạy dài 6,5m. Sống lươn chia ngấn, bề mặt lăm nhăm nên người dân liên tưởng đến vẩy con...rồng. Theo bà Nô Mét (vợ ông Chau Nhum), khoảng 12 giờ đêm 12/8, bà nằm mộng thấy một con rồng chui vào nhà mình. Bà liền nhảy ra “song đấu” và nắm được phần đuôi chú rồng. Sợ rồng chạy  nên bà la lớn nhằm kêu chồng tiếp bắt. Tiếng thét kinh hồn trong giấc mộng của bà Nô Mét đã làm cho cả nhà đang say giấc bỗng bật dậy. Ông Chau Nhum kể tiếp: Khi nghe vợ tôi la lớn, tôi giật mình thức giấc thì thấy căn nhà rung chuyển, sàn đảo mấy bận. Bật đèn sáng tôi thấy từ trước cửa nhà chạy thẳng vào buồng đất dưới nền nhà nhô cao gợn sống. Không biết chuyện gì xảy ra, nhưng cả gia đình tôi hốt hoảng. Ngay trong đêm gia đình tôi phải di chuyển đến ngủ nhờ nhà hàng xóm.

Sáng ra 13/8, khi ông Chau Nhum đến chỗ đất nổi thì thấy đất cuộn cao thành khoang giống như vẩy con rồng. Ông Nhum cho biết, vợ ông nằm mộng nói nếu gia đình không đặt bàn khấn nguyện, chỉ trong vòng bảy ngày “ông rồng” sẽ “bắt” ông đi (chết). Ngay lập tức gia chủ đã nhanh chóng tháo dỡ vách cửa buồng, rồi giăng dây rào chắn chung quanh khu đất nổi để tránh người xem động phạm đến “ông rồng”. Nhiều bàn thờ tại đầu rồng và trước cửa căn nhà lá ọp ẹp nằm cạnh chân núi Thâm Đưng của ông Chau Nhum đã được dựng lên.

Trong nhà ông Chau Nhum đã mở ra dịch vụ “cúng nước” lấy về uống trị bệnh

Lũ lượt đi xem rồng...đất

Tin đồn rồng nổi ngay lập tức được phát đi trong khu vực Thâm Đưng vào sáng hôm sau. Những mẩu chuyện kỳ bí, lạ lẫm liên quan đến “rồng nổi” được người dân địa phương thêu dệt triệt để. Không những thế, thông tin về hiện tượng kỳ bí này còn “vượt biên” sang Việt Nam. Vì hiếu kỳ, hàng ngàn người dân vùng biên giới Tịnh Biên (An Giang) và nhiều nơi khác đã ùn ùn sang đất bạn xem rồng.

Có mặt tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên 23/8, chúng tôi thấy từng đoàn người Việt đến xin chốt biên phòng cho sang Campuchia. Mặc dù cơ quan chức năng gần như khép chặt cánh cửa biên giới, nhưng vẫn có một lượng người Việt đã lọt sang Thâm Đưng xem rồng. Đã 14 giờ chiều, nơi biên giới vẫn còn rất đông người Việt đổ dồn đến cửa khẩu.

Nhiều người dân xã Thâm Đưng (Campuchia) cho hay, chỉ tính riêng điểm rồng nổi ở nhà ông Chau Nhum đã có hàng ngàn người từ khắp nơi trong và ngoài nước đến xem mỗi ngày. Đến đây, ngoài việc xem những dãy đất nhô cao nhiều người mê tín còn thắp hương khấn vái. Người ta còn hỷ cúng tiền Việt và tiền Riel (Campuchia) lẫn lộn. Ngoài ra, người có máy ảnh, điện thoại di động còn chụp lại hình rồng nổi để mang về cho người thân xem. Nhiều người dù bận bịu công việc đồng áng, nhưng trước tin đồn “chưa từng có” này cũng lặn lội đi cho "mục sở thị"

Ông Tôn Thành Bé ở xã An Nông, huyện Tịnh Biên cho biết: Nghe người ta đồn quá hấp dẫn nên dù bận trăm công ngàn việc ngoài đồng, tôi cũng tranh thủ dẫn vợ và đứa cháu nội đi sang xem thử. Đã 53 tuổi đầu tôi chưa từng thấy có con rồng thật trên đời, vậy mà người ta dám đồn là rồng nổi. Đến nơi, thật ra nó chỉ là nền đất nhô cao thành khoanh, ngấn. Chuyện này con người hoàn toàn có thể dựng lên được. Tôi thì không dám bàn luận gì về hiện tượng này, vì mình chưa rõ là do người làm hay có sự biến động nào đó từ thiên nhiên. Nhưng tôi thấy nó hết sức bình thường.

Dịch vụ bán nhang, hình và nước uống nhanh chóng được đáp ứng, với hàng ngàn khác đến mỗi ngày

Dịch vụ ăn theo...rồng

Là nơi đầu tiên phát hiện con rồng nổi nên nhà ông Chau Nhum bốn ngày nay ngày nào cũng đông nghẹt khách viếng. Khoảng sân trước nhà ông dịch vụ hàng quán nhang đèn, thuốc trị bệnh gia truyền...mọc như nấm sau mưa. Hễ ai chưa có bức ảnh “rồng nổi” trong tay thì có dịch vụ bán hình do dân địa phương chụp và in ra. Mỗi tấm ảnh (cỡ 9 x 6cm) có giá từ 2.000 – 2.500 Riel/ tấm (tương đương 8.000 – 10.000 đồng tiền Việt). Giá nhang cũng được nâng lên gấp đôi so lúc bình thường. Mỗi chai nước suối LaVie loại nhỏ bán đến cả chục ngàn Riel (tương đương 40-50 ngàn tiền Việt). Ngoài ra còn có hẳn thùng đựng tiền “hỷ cúng", mỗi người bỏ vào thấp nhất cũng 1.000 Riel (tương đương 4.000 đồng tiền Việt). Cả tin hơn, có người còn bỏ vào thùng hàng chục ngàn Riel.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn xã Thâm Đưng có đến ba điểm người dân đồn là “rồng nổi”, nằm ở ba phum khác nhau là Cà Na, Ta Tưng và Tuôl Omrua. Mỗi nơi nổi lệch nhau một ngày. Hiện tượng này xảy ra đầu tiên trong nhà ông Chau Nhum, sau đó lan rộng đến nhà bà Sinh Sâm cách đó vài trăm mét và đến một điểm nằm thọt sâu trong phum Tuôl Omrua. Chung quanh ba phum có tin đồn “rồng nổi” là những ngôi chùa lớn nằm cạnh chân núi Thâm Đưng. Chính yếu tố sơn tự huyền linh này đã được người ta tung tin “rồng nổi”. Để tránh “tiền mất tật mang” và không làm rối rắm an ninh biên giới, bà con người Việt không cần phải đi xem.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Mưa lớn, nhiều nơi ở Quảng Ngãi bị ngập sâu, chia cắt

Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước các con sông ở tỉnh Quảng Ngãi dâng cao, gây ngập lụt một số khu dân cư và chia cắt giao thông.