Nâng chất lượng vùng nguyên liệu điều xuất khẩu
Hội đồng Khoa học công nghệ (KH-CN) tư vấn, đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ KH-CN cấp Quốc gia vừa tiến hành đánh giá dự án “Ứng dụng đồng bộ các giải pháp canh tác tiên tiến xây dựng vùng nguyên liệu điều theo chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu”.
Dự án thuộc chương trình KH-CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ NN-PTNT làm chủ quản. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều (Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) thực hiện.
Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước triển khai thực hiện dự án tại xã Đắk Nhau và Bom Bo (Bù Đăng, Bình Phước) từ 2019 - 2021 với sự tham gia của nông dân, HTX, doanh nghiệp thu mua và chế biến điều. Vườn điều sử dụng trong dự án là vườn điều giống ghép PN1, AB 05-08 và vườn điều thực sinh trong thời kỳ kinh doanh.
TS Trần Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều (chủ nhiệm dự án) cho biết: Mục tiêu của dự án là xây dựng được mô hình ứng dụng đồng bộ các giải pháp canh tác tiên tiến trong sản xuất điều thâm canh, liên kết theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân tham gia thực hiện dự án.
Trên cơ sở đó, dự án tập trung xây dựng 1 mô hình ứng dụng đồng bộ các giải pháp canh tác tiên tiến trong sản xuất điều thâm canh, quy mô 20ha tại Bình Phước (giảm chi phí sản xuất ít nhất 15%, năng suất điều tăng ít nhất 15%, chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, giá trị kinh tế tăng ít nhất 30% so với các giải pháp canh tác truyền thống).
Xây dựng 1 mô hình liên kết sản xuất điều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, theo chuỗi giá trị có sự tham gia giữa doanh nghiệp và người dân trồng điều, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, cơ chế đồng thuận và cơ sở pháp lý vững chắc, quy mô 30 ha tại Bình Phước.
Hoàn thiện quy trình tiên tiến (tổ chức sản xuất và khoa học kỹ thuật) để phát triển các vùng sản xuất bền vững điều nguyên liệu theo chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, được Bộ NN-PTNT hoặc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước công nhận.
Tổ chức 3 lớp tập huấn quy mô 50 người/khoá về ứng dụng giải pháp đồng bộ tiên tiến (tổ chức sản xuất và khoa học kỹ thuật) phát triển các vùng sản xuất bền vững,vùng điều nguyên liệu theo chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu được UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận.
Hiệu quả trên nhiều phương diện
Sau gần 3 năm triển khai, vừa qua, Hội đồng KH-CN tư vấn, đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ KH-CN cấp Quốc gia (Hội đồng đánh giá) đã tiến hành đánh giá những kết quả, hiệu quả, tác động của dự án khi triển khai trên thực tế.
PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Chủ tịch Hội đồng đã đánh giá cao các hoạt động của dự án, từ điều tra đến xây dựng mô hình nghiên cứu, hoàn thiện quy trình, đào tạo, hội thảo... Dự án đã hoàn thành đúng và đầy đủ nội dung, khối lượng, tiến độ và kinh phí đã phê duyệt.
Theo đó, dự án đã đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu và thực trạng về sản xuất điều tại vùng dự án. Từ đó, xác định được những thuận lợi, khó khăn, mong đợi của người dân trồng điều và chính quyền địa phương.
Về hiệu quả kinh tế, mô hình ứng dụng đồng bộ các giải pháp canh tác tiên tiến tổng hợp trong sản xuất điều thâm canh (tỉa cành tạo tán, bón phân cân đối, kiểm soát sâu bệnh hại điều) giúp giảm chi phí sản xuất 15,4% so với sản xuất đại trà, góp phần tăng năng suất hạt điều lên 17,3%. Hiệu quả kinh tế của mô hình đạt 31,9 triệu đồng/ha/năm (sản xuất đại là 20,3 triệu đồng/ha/năm), tăng thêm 13,8 triệu đồng/ha/năm (tương ứng 72,3%).
Mô hình liên kết sản xuất điều nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, theo chuỗi giá trị có sự tham gia liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trồng điều, đã xây dựng được cơ chế đồng thuận, cơ sở pháp lý vững chắc, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia, nhờ đó thu nhập tăng thêm 14,6 triệu đồng/ha (tương ứng 46,5%).
Quy trình canh tác điều tiên tiến trong phát triển các vùng sản xuất điều bền vững theo chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu của dự án đã được Sở KH-CN tỉnh Bình Phước tiếp nhận và đưa vào ứng dụng cho sản xuất điều trên địa bàn tỉnh.
Về hiệu quả xã hội, dự án đã góp phần giải quyết các vấn đề đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cho hạt điều nguyên liệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm của người dân được thị trường đón nhận, khả năng mở rộng thị trường lớn.
Thông qua các lớp tập huấn, năng lực, kiến thức và kỹ năng của người sản xuất điều được nâng cao, đáp ứng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Mô hình liên kết đã giúp nông dân có thêm kiến thức kết nối với các doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra.
Về hiệu quả môi trường, dự án giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, giảm ô nhiễm nguồn nước…
Đối với xây dựng nông thôn mới, dự án đã tác động đến phát triển sản xuất, việc làm, thu nhập, đời sống người dân. Kết quả của dự án góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho các hộ nông dân tham gia, hỗ trợ tăng cường nhận thức, kinh nghiệm trong sản xuất điều có áp dụng đồng bộ kỹ thuật thâm canh và theo hướng hữu cơ an toàn.
Qua đó, tăng giá trị sản phẩm, quản lý hiệu quả chi phí đầu vào và cải thiện các mối liên kết thị trường. Các hộ dân thực hiện dự án có điều kiện học hỏi, tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, áp dụng vào thực tế sản xuất.
Các doanh nghiệp tham gia dự án cải thiện được chất lượng sản phẩm điều, góp phần tăng lợi nhuận, tạo liên kết lâu dài với nông dân ở địa phương.
Bên cạnh đó, dự án giúp nông dân vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số được đào tạo tập huấn, tham gia thực hiện. Đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới ở các địa phương tham gia thực hiện dự án nói riêng và các vùng có điều kiện tương tự nói chung. Những tác động tích cực sẽ góp phần ổn định xã hội, xoá đói giảm nghèo bền vững tại địa phương…