| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó cháy rừng [Bài 2] Khánh Hòa phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời

Thứ Ba 28/03/2023 , 08:50 (GMT+7)

Hiện tỉnh Khánh Hòa đang bước vào cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy rừng cao, các chủ rừng lấy phương châm "phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời".

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương triển khai các phương án phòng chống cháy rừng cho đội quản lý rừng. Ảnh: Kim Sơ.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương triển khai các phương án phòng chống cháy rừng cho đội quản lý rừng. Ảnh: Kim Sơ.

Phòng chống cháy rừng là nhiệm vụ trong tâm

Những ngày này, chúng tôi có mặt tại cánh rừng thuộc tiểu khu 128 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương, nằm ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa).

Khu rừng này vừa có rừng tự nhiên, vừa có rừng trồng với địa hình phức tạp nằm gần khu dân cư, cũng như nương rẫy của người dân và giáp ranh rừng tự nhiên ở xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa).

Từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, thời tiết bắt đầu nắng nóng, nhiều cánh rừng, nhất là rừng trồng tại đây rụng lá khô, lớp thực bị dày nên nguy cơ cháy rừng cao nếu dùng lửa bất cẩn. Vì vậy, để phòng chống cháy rừng, ngoài việc triển khai phương án phòng chống cháy rừng được duyệt, lực lượng chốt trực tại đây còn tăng cường tuần tra, kiểm soát người dân ra vào rừng hàng ngày.

Ông Ngô Quang Thạch, đội phó quản lý rừng tại tiểu khu 128, cho biết, bước vào mùa khô, toàn bộ lực lượng của đội đóng chốt tại rừng 24/24 giờ, trừ khi ai có việc nhà thật sự mới tranh thủ về đêm. Do rừng của Công ty gần rẫy dân và hơn nữa mùa này người dân hay vào rừng đốt tổ ong lấy mật nên anh em trong đội không thể lơ là.

Theo ông Ngô Quang Thạch, để nắm bắt người dân ra vào rừng, từ sáng sớm lực lượng quản lý bảo vệ rừng đã mang cơm đùm cơm nắm vào rừng. Tất cả người dân vào rừng hàng ngày đều được ghi chép nhật ký đẩy đủ, cùng với đó tuyên truyền người dân vào nương rẫy mùa này nắng nóng không nên dùng củi lửa. Còn khi dùng củi lửa để nấu ăn trong rừng thì sau khi xong phải dập tắt hoàn toàn.

Đối với những người “săn” tổ ong lấy mật, lực lượng quản lý bảo vệ rừng cương quyết trục xuất khỏi rừng ngay lập tức. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay trên khu vực rừng của đội quản lý chưa xảy ra tình trạng cháy rừng.

Ông Triệu Văn Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương cho biết, đơn vị được giao quản lý hơn 47.861 ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn 5 xã Khánh Nam, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung và Khánh Đông (huyện Khánh Vĩnh). Trong đó, 91% diện tích là rừng tự nhiên và hơn 2.880 ha rừng trồng.

Đối với công tác phòng cháy chữa cháy rừng, Công ty từ trước tới nay đều lấy phương châm "phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời". Để làm được điều này, Công ty đã thành lập 4 đội bảo vệ rừng cắm chốt giữ rừng tại chỗ. Tại điểm chốt chính, các đội thành lập các chốt nhỏ để kiểm soát, thông tin qua lại lẫn nhau. “Trong công tác quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, chúng tôi xác định bảo vệ tận gốc đó là tại rừng. Vì vậy hàng ngày, hàng tháng, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty đều có mặt 24/24 giờ tại các chốt, nhất là mùa nắng nóng này rất dễ xảy ra cháy rừng”, ông Triệu Văn Minh.

Ông Triệu Văn Minh chia sẻ thêm, kế thừa kết quả đạt được từ những năm trước, để phòng chống cháy rừng hiệu quả, Công ty hướng dẫn 4 đội xây dựng phương án bảo vệ rừng kết hợp phòng cháy chữa cháy. Trong đó, các đội đều xác định thời gian nào cụ thể triển khai lực lượng cho bảo vệ rừng và thời gian nào vừa bảo vệ rừng, vừa phòng chống cháy rừng. Cũng từ phương án bảo vệ rừng, các đội phải bố trí rải đều lực lượng canh phòng cháy. Sau đó, Công ty tổng hợp cho triển khai phương án của các đội và thường xuyên kiểm tra, kiểm soát trong các vấn đề chốt trực, nguy cơ cháy rừng tại các đội quản lý.

Nhờ vậy, 5 năm gần đây, công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng của Công ty đạt nhiều kết quả khả quan. Nhất là năm 2022 vừa qua, cơ quan cấp trên, Chi cục Kiểm lâm, các xã đánh giá Công ty quản lý bảo vệ rừng tốt nhất từ trước đến nay, khi không xảy ra phá rừng và cháy rừng.

Empty

Chủ động phát quang tạo đường bằng cản lửa trước khi mùa khô tới. Ảnh: Kim Sơ.

Quyết không để xảy ra cháy rừng

Rời cánh rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương, chúng tôi đến những khu rừng nằm về phía Tây Nam huyện Khánh Vĩnh thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa, cho biết đơn vị được giao quản lý hơn 40.983ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, trên 31.800ha rừng tự nhiên và trên 2.000ha rừng trồng. Rừng và đất rừng trồng của Công ty quản lý nằm rải rác trên địa bàn 8 xã Khánh Thượng, Cầu Bà, Giang Ly, Liên Sang Sơn Thái, Khánh Thành, Khánh Phú và Sông Cầu và nằm xen kẽ hoặc gần các khu vực nương rẫy, khu dân cư của người dân địa phương.

Do nhu cầu về đất sản xuất, một bộ phận người dân địa phương chưa có ý thức trong bảo vệ rừng, luôn tìm các chặt phá, lấn chiếm đất rừng trồng, cũng như vào mùa khô hanh luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Empty

Các chủ rừng chuẩn bị dụng cụ phòng chống cháy rừng. Ảnh: Kim Sơ.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa, bước vào mùa khô năm nay, Công ty xác định loại rừng có nguy cơ cháy cao gồm rừng trồng, rừng tự nhiên (lồ ô, rừng hỗn giao lồ ô gỗ, hỗn giao gỗ lồ ô), rừng tự nhiên giáp với hiện trạng là đất trống và giáp với nương rẫy của người dân địa phương.

Để phòng chống cháy rừng, Công ty thành Ban chỉ đạo bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; cùng với thành lập 7 đội phòng cháy, chữa cháy rừng ở các đơn vị cơ sở bao gồm 70 người. “Khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp nguy hiểm “cấp IV”, cực kỳ nguy hiểm “cấp V”, Ban chỉ đạo Công ty sẽ thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, phối kết hợp với lực lượng phòng cháy chữa cháy các xã, thôn để ứng phó kịp thời.

Đối với đội phòng cháy chữa cháy rừng của Văn phòng Công ty thay phiên trực kể cả chủ nhật và ngày nghỉ lễ với 50% quân số. 50% số còn lại được nghỉ ngày chủ nhật nhưng không di chuyển xa nơi thường trú để có thể huy động ngay vào tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra”, lãnh đạo Công ty này chia sẻ và cho biết thêm, hiện nay các đội bảo vệ rừng đã chốt trực 100% kể cả chủ nhật và ngày nghỉ lễ, cũng như có kế hoạch chuẩn bị huy động lực lượng, sẵn sàng tham gia chữa cháy theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Công ty.

Các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy cũng đã được các lực lượng thường xuyên tuần tra, theo dõi và thông tin liên lạc kịp thời về Ban chỉ đạo Công ty. Các dụng cụ chữa cháy đã được Công ty chuẩn bị sẵn sàng để sử dụng khi cần thiết.

Ông Ngô Quang Thạch (áo xanh), đội phó quản lý rừng tại tiểu khu 128, cho biết, bước vào mùa khô, toàn bộ lực lượng của đội đóng chốt tại rừng 24/24. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Ngô Quang Thạch (áo xanh), đội phó quản lý rừng tại tiểu khu 128, cho biết, bước vào mùa khô, toàn bộ lực lượng của đội đóng chốt tại rừng 24/24. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa, cho biết, nhằm chủ động trong công tác phòng cháy rừng cũng như tham mưu chính quyền địa phương các cấp xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, Chi cục đã xác định toàn tỉnh có hơn 62.000/237.000 ha rừng dễ cháy. Trong đó 31.900ha rừng tự nhiên và 30.300 ha rừng trồng, phân bố ở địa bàn 8 huyện thị, xã thành phố của tỉnh, nhất là các diện tích rừng thông ở huyện Khánh Sơn, rừng căm xe ở thị xã Ninh Hòa và diện tích rừng trồng tập trung lớn ở Khánh Vĩnh…

Do đó, ông Thu lưu ý, các chủ rừng cần phải hoàn thiện kỹ phương án phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định, trong đó có nhiều biện pháp kỹ thuật chủ yếu như thi công ranh cản lửa, làm giảm thiểu lượng vật liệu cháy dưới tán rừng; xác định cụ thể các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao để bố trí nhân lực, vật tư, trang bị, phương tiện đảm báo ngăn chặn kịp thời các tình huống cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn…

Ông Đặng Quang Thành, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho biết, hiện đơn vị quản lý hơn 53.476ha rừng và đất rừng. Từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết không có mưa, khô hạn, một số khu vực rừng thực bì đã khô nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Để phòng, chống cháy rừng ngay từ đầu năm đơn vị đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với đó chỉ đạo các trạm phân chia ca trực phòng cháy chữa cháy rừng, chuẩn bị công cụ phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ. Đặc biệt, đơn vị tổ chức cho các hộ dân sống và canh tác trong và ven rừng ký cam kết trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.