Tỉnh Bình Thuận bước vào mùa khô, thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài, các khu vực rừng khộp, rừng trồng đã khô nỏ nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Nguy cơ cháy rừng ở mức cao
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đã bước vào mùa khô, thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài, trong đó tại một số khu vực đã nhiều ngày không mưa. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, vật liệu cháy (thảm thực bì, lá khô…) ở các khu vực rừng khộp, rừng trồng đã khô nỏ có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.
Theo ông Hồ Thiện Đang, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh đa phần thuộc loại rừng khộp là loại rừng rụng lá vào mùa khô nằm phân bố ở vùng đồng bằng núi đất đến vị trí giáp ranh với vùng rừng núi cao, độ dốc lớn, địa thế hiểm trở và bị chia cắt mạnh nên gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ cũng như trong việc di chuyển lực lượng để tiếp cận đám cháy, tổ chức chữa cháy rừng.
Còn đối với diện tích rừng trồng và rừng trồng chưa thành rừng chủ yếu là keo, phi lao, bạch đàn nằm phân bố trên các lâm phần có khí hậu khô, nóng. Cùng với đó, phần lớn những diện tích rừng trồng nằm tiếp giáp với các khu vực dân cư và đất canh tác nông nghiệp, nên những diện tích rừng này dễ bị xâm hại và có nguy cơ cháy rừng cao.
“Hiện vùng trọng điểm cháy rừng cấp II, III của tỉnh khoảng 241.423ha, chiếm 77,7% diện tích có rừng. Đây là khu vực có nguy cơ cháy cao, thuộc các loại rừng khộp, rừng trồng khu vực ven biển gần khu dân cư và các điểm du lịch, một số ít loại rừng nữa rụng lá, tập trung tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết”, ông Đang chia sẻ.
Ghi nhận tại Ban quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong (Bắc Bình) đang quản lý hơn 15.313ha, trong đó hơn 9.459ha rừng tự nhiên và 4.256 ha rừng trồng. Để phòng, chống cháy rừng hiện đơn vị này đã và đang triển khai các giải pháp như cày băng trắng cản lửa, xây dựng kế hoạch và thực hiện diễn tập xử lý một số tình huống cháy rừng.
Cùng với đó đã triển khai thực hiện 4 phương châm tại chỗ gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ. Đồng thời, triển khai cho các trạm, chốt bảo vệ rừng thường xuyên tăng cường kiểm tra các khu vực giáp ranh đất nông nghiệp thực hiện biện pháp đốt theo băng để tránh tình trạng dọn đốt rẫy cháy lây lan vào rừng. Cũng như thực hiện đốt theo băng các khu vực rừng trồng có thực bì nhiều có nguy cơ xảy ra cháy trong mùa khô.
Ông Lê Châu Thành, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong cho biết, ngoài thực hiện các giải pháp trên, đơn vị còn thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh quy định về bảo vệ và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy rừng.
Đặc biệt, đơn vị triển khai ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại các hộ gia đình đang sản xuất, sống trong rừng và gần rừng. Thường xuyên tăng cường kiểm tra các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao trong mùa khô, ngăn chặn không cho người dân vào rừng để săn bắt ong, đánh bẩy. Bố trí các thành viên trực tại các vọng gác và trực tại trạm, chốt phòng cháy chữa cháy rừng…
Tương tự, tại Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú (Hàm Thuận Bắc) đang quản lý trên 6.000ha rừng và đất rừng, trong đó có khoảng 4.000ha rừng trồng trên địa giới hành chính 10 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc những ngày này cũng “căng mình” phòng chống cháy rừng.
Ông Nguyễn Đức Tín, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú chia sẻ, từ đầu mùa khô năm 2023 đến nay, đơn vị phát sinh 4 điểm cháy. Tuy nhiên, các điểm cháy này đều được phát hiện sớm và dập tắt ngay từ đầu nên không thiệt hại đến rừng.
Rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống cháy rừng, năm 2023 Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú tăng cường hơn nữa trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân sống ven rừng ký cam kết công tác chống phá rừng, phòng chống cháy rừng. Ngoài chỉ tiêu cấp trên giao cày băng cản lửa chống cháy rừng, đơn vị còn tự tổ chức cày bổ sung thêm những khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy. Cũng như ngoài những công cụ được trang thiết bị phòng chống cháy rừng đã được duyệt trong phương án, đơn vị còn tự chế máy xịt nước, nhằm làm giảm ngọn lửa để lực lượng chữa cháy dễ tiếp cận đám cháy và dập tắt hoàn toàn.
Phải chủ động phòng, chống cháy rừng
Trước tình hình cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp III, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận nhấn mạnh, đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống cháy rừng.
Cụ thể, Ban chỉ huy Bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng các cấp từ huyện đến cơ sở và các đơn vị chủ rừng khẩn trương chỉ đạo và triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” đã xây dựng và được các cơ quan chức năng thẩm định, góp ý cho ban hành.
Đối với Hạt Kiểm lâm cấp huyện, tham mưu cho Ban chỉ huy Bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng huyện chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, UBND xã có rừng khẩn trương triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của cấp mình ban hành.
Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng và việc ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng tại các trạm, chốt bảo vệ rừng. Chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn tham mưu cho Chủ tịch UBND xã tuyên truyền trên loa phóng thanh về nội dung nghiêm cấm việc đốt dọn nương rẫy tại các khu vực giáp rừng.
“Hạt Kiểm lâm chỉ đạo lực lượng phối hợp với chủ rừng, các xã có rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các khu vực dễ xảy ra cháy rừng để có biện pháp chủ động kiểm soát tình hình cháy rừng. Khi phát hiện có xảy ra cháy rừng thì tổ chức huy động lực lượng chữa cháy kịp thời, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn, cháy lan trên diện rộng gây thiệt hại tài nguyên rừng”, ông Lê Thanh Sơn lưu ý.
Ông Sơn cho biết thêm, đối với đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng trực sẵn sàng thực hiện theo lệnh điều động của Chi cục trưởng Chi cục Kiêm lâm để hỗ trợ chữa cháy rừng ở các địa phương và chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Các Ban quản lý rừng phòng hộ; Khu bảo tồn thiên nhiên; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp; Trường bắn quốc gia Khu vực 3 (TB3); Trại giam Thủ Đức (Z30D) và các chủ rừng khác tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ, bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng biện pháp dùng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng; cũng như thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo nhanh tình hình cháy rừng hàng ngày theo quy định.
Ông Hồ Thiện Đang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cho rằng, để công tác phòng cháy chữa cháy rừng đạt hiểu quả cao trong thời gian tới, Trung ương cần quan tâm đầu tư kinh phi mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng, cũng như có chính sách, chế độ hỗ trợ thêm kinh phí cho lực lượng bảo vệ rừng vì hiện nay lương của lực lượng này rất thấp, tình trạng xin nghĩ việc nhiều.
Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, trong năm 2022, toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào gây thiệt hại tài nguyên rừng, tuy nhiên, đã xảy ra 5 trường hợp cháy thực bì dưới tán rừng (lá, cỏ khô...), với diện tích 4,51 ha, giảm 21 trường hợp (tức giảm 62,21 ha) so với cùng kỳ. Tất cả các trường hợp cháy trên đều được chủ rừng phối hợp cùng với Hạt Kiểm lâm và chính quyền địa phương phát hiện kịp thời, huy động 602 lượt người chữa cháy, nên không gây thiệt hại tài nguyên rừng.