| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó dịch tả lợn Châu Phi: Chăn nuôi an toàn sinh học là yêu cầu hàng đầu

Thứ Sáu 12/07/2019 , 08:49 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Giải pháp an toàn sinh học, nếu được triển khai một cách triệt để, thì hoàn toàn có thể khống chế được dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) nói riêng, cũng như các loại dịch bệnh khác. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để từng bước ứng phó lâu dài với DTLCP.

Tại hội nghị Triển khai các giải pháp tổng hợp phòng chống DTLCP cùng các tỉnh thành trên cả nước ngày 11/7, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Quan điểm trong phòng chống DTLCP, vẫn phải là từng bước sống chung lâu dài với dịch. Theo đó, phải triển khai tổng hợp đồng bộ nhiều nhóm giải pháp.

16-53-19_3574fbff33f17614e2e
Toàn cảnh hội nghị.

Một là thực tiễn thời gian qua đã khẳng định, giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), nếu được triển khai một cách triệt để, thì hoàn toàn có thể khống chế được đối với DTLCP nói riêng, cũng như các loại dịch bệnh khác trên vật nuôi.

Vì vậy thời gian tới, phải đẩy mạnh việc áp dụng quy trình tổng thể để đảm bảo chăn nuôi ATSH, đối với cả hai nhóm là trang trại lớn (chiếm 55% tổng đàn hiện nay) và nhóm chăn nuôi nông hộ nhỏ. Đối với nhóm hộ chăn nuôi nông hộ nhỏ, việc mở rộng áp dụng các biện pháp chăn nuôi ATSH cần phải kiên trì, có dẫn chứng cụ thể trên thực tế thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức tuyên truyền phổ biến để thuyết phục và từng bước lan tỏa.

Hai là về nghiên cứu SX vacxin và chế phẩm sinh học, mà dù thời gian qua đã bước đầu có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT phối hợp với các đơn vị vị, DN tập trung đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu vacxin phòng bệnh DTLCP cũng như các chế phẩm sinh học.

Trong đó, đẩy nhanh tiến độ cả về quy trình, tần suất, số lượng mẫu, hình thành các quy trình kiểm nghiệm, khảo nghiệm; hoàn thiện thủ tục công nhận kết quả, công nhận quy trình, cấp giấy phép... cho phù hợp với tình hình mới của DTLCP.

Về tái đàn, quan điểm là nơi nào đã thực sự an toàn về DTLCP mới khuyến khích người dân tái đàn. Bởi với đặc thù chăn nuôi mật độ dày, nhỏ lẻ, điều kiện áp dụng chăn nuôi ATSH còn rất hạn chế, nguy cơ tái phát dịch vẫn còn rất cao và nguy hiểm.

Vì vậy, không thể để người dân đã một lần bị thiệt hại vì dịch, nay tái đàn lại bị “thiệt hại kép” một lần nữa. Theo đó, các địa phương cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, khuyến nghị cho người dân chỉ những vùng chăn nuôi có đủ điều kiện làm chủ được về quy trình chăn nuôi ATSH, có không gian cách ly... mới có thể tái đàn, gắn với việc đảm bảo tiêu thụ, không để người dân tái đàn tự phát khi chưa đảm bảo các yêu cầu.

16-53-19_cuong
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ đạo thời gian tới, đẩy mạnh các nhóm sản phẩm chăn nuôi khác như đại gia súc, gia cầm, thủy sản và các thực phẩm khác nhằm đảm bảo không để xảy ra việc khan hiếm thực phẩm trong thời gian tới, nhất là các tháng cuối năm.

Việc đẩy mạnh chăn nuôi các sản phẩm chăn nuôi khác, vẫn phải đảm bảo trên hết điều kiện về ATSH, phải đồng bộ nhiều giải pháp như căn cứ vào nhu cầu thị trường, cân đối cung cầu, không ồ ạt tăng đàn bằng mọi cách, tránh tình trạng dư thừa, tránh tình trạng trong khi DTLCP trên lợn chưa khống chế được lại bùng phát các dịch bệnh khác như CGC, LMLM...

Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần đặc biệt quan tâm, hỗ trợ các hộ chăn nuôi đã bị thiệt hại do DTLCP thời gian qua, hướng dẫn để họ chuyển đổi sang các đối tượng vật nuôi khác một cách an toàn, chắc ăn... Bộ NN-PTNT cũng sẽ sớm làm việc với Ngân hàng Nhà nước để kịp thời có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ, tạo điều kiện về vốn vay đề người dân tái đàn, chuyển đổi chăn nuôi.

Dịch có chiều hướng đi xuống

Là tỉnh đầu tiên trên cả nước phát sinh DTLCP từ ngày 1/2/2019, đến nay, Hưng Yên đã có trên 1/3 tổng đàn lợn bị tiêu hủy, với tổng kinh phí cần phải hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy lên tới hơn 600 tỉ đồng.

16-53-19_ong_nguyen_minh_qung

Tuy nhiên, hiện nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh chỉ có khoảng 180 tỉ đồng, vì vậy đang rất cần nguồn kinh phí hỗ trợ từ TƯ để đẩy nhanh việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh cũng đã có 30 xã hết dịch. Đặc biệt từ tháng 6/2019 đến nay, dịch đã có dấu hiệu chậm lại, nhất là 10 ngày gần đây toàn tỉnh không phát sinh lợn chết phải tiêu hủy. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng, cho thấy dịch đã có chiều hướng đi xuống.

Bên cạnh đó, hiện giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc cũng đang có chiều hướng cải thiện tốt khi đang nhích dần lên. Nhằm tăng cường nhu cầu tiêu thụ thịt lợn, Hưng Yên cũng đã có phong trào tuyên truyền, vận động người dân không quay lưng, tăng cường tiêu thụ thịt lợn, trong đó tỉnh đề nghị cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu hưởng ứng. Đây là cách làm mà theo chúng tôi các địa phương khác nên vào cuộc tương tự.

Hiện Hưng Yên cũng đang đẩy mạnh nhân rộng, phổ biến các mô hình, chuỗi chăn nuôi lợn ATSH, hướng tới xây dựng các vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh. Để đẩy nhanh được việc áp dụng chăn nuôi ATSH, Hưng Yên kiến nghị cần phải có cơ chế pháp lí cần thiết để xử lí, từng bước hạn chế các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo các điều kiện về ATSH, an toàn dịch bênh.

(Ông Nguyễn Minh Quang, PCT UBND tỉnh Hưng Yên)

Khó khống chế dịch, nếu không quản được khâu giết mổ

Khâu quản lí giết mổ đang là vấn đề hết sức nhức nhối. Nếu không quản lí được khâu giết mổ, không đưa giết mổ vào quy củ, tập trung, đảm bảo về điều kiện vệ sinh thú y thì DTLCP sẽ rất khó lòng được kiểm soát.

16-53-19_ong_dng_duy_hu

Việc tổ chức chăn nuôi hiện nay ở nước ta đã ổn tương đối ổn và có nhiều cải thiện về trình độ KH-CN và ATSH, nhưng khâu giết mổ thì còn rất dở. Với đặc thù thích dùng thịt nóng, điều kiện các lò mổ không đảm bảo nên ở nhiều lò mổ lợn, đã vào chứng kiến trực tiếp thì thậm chí không còn muốn ăn thịt lợn nữa.

Thời gian tới, cần phải có các giải pháp để từng bước thay đổi về thói quen tiêu dùng, chuyển dần từ thói quen dùng thịt nóng sang thịt mát, đây sẽ là điều kiện để đẩy mạnh đầu tư vào các cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn, có công nghệ thịt mát hiện đại, đảm bảo vệ sinh thú y...

Về công tác phòng chống DTLCP, cần phải tổ chức các đội tiêu hủy lợn mang tính bài bản, chuyên nghiệp. Xe chở lợn tiêu hủy phải là xe riêng biệt, chỉ dùng chở lợn tiêu hủy thôi, chứ không thể nào nay tiêu hủy lợn, mai lại đi chở cám hay làm việc khác, kể cả đội tiêu hủy lợn cũng phải chuyên nghiệp, đúng kỹ thuật..., nếu không thì nguy cơ gieo rắc lây lan dịch càng lớn.

(Ông Đặng Duy Hậu, PCT thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh)

Nghiên cứu không hỗ trợ tiêu hủy cho hộ cố tình không thực hiện chăn nuôi ATSH

Chăn nuôi ATSH đang là yêu cầu tiên quyết nhằm khống chế DTLCP. Vì vậy, ngành chăn nuôi thời gian tới cần phải có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa về các quy trình chăn nuôi ATSH, nhất là gắn với chăn nuôi ATSH gắn với theo hướng hữu cơ.

16-53-19_ong_nguyen_phung_hon

Với chính sách hỗ trợ tiêu hủy, TƯ cần nghiên cứu để điều chỉnh chính sách, theo đó, thậm chí nếu cần thiết thì tới cuối năm 2019 này, phải kiên quyết không thực hiện hỗ trợ tiêu hủy đối với các hộ, cơ sở chăn nuôi không áp dụng các điều kiện về chăn nuôi đảm bảo ATSH, an toàn dịch bệnh.

Cũng về vấn đề tiêu hủy lợn, khi DTLCP mới nổ ra ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, Nam Định đã áp dụng thực hiện tiêu hủy hết cả đàn khi phát hiện lợn trong đàn bị DTLCP.

Tuy nhiên về sau, khi dịch tấn công vào các gia trại, trang trại có quy mô vừa, từ 100 - 200 con trở lên, thì không thể nào tiêu hủy hết cả đàn nếu chỉ phát hiện một dãy chuồng có lợn bị DTLCP.

Vì vậy hiện nay, Nam Định chỉ áp dụng tiêu hủy đối với dãy chuồng có lợn bị DTLCP.  Các dãy chồng trong trang trại mà chưa có lợn dương tính với DTLCP thì chúng tôi vẫn cho phép giữ lại.

Thực tế, đã có nhiều trang trại dù có những dãy chuồng có lợn bị DTLCP phải tiêu hủy, nhưng các dãy chuồng khác đến nay đã 2 - 3 tháng lợn vẫn khỏe mạnh bình thường. Đây cũng là điều mà các cơ quan khoa học phải nghiên cứu thêm về cơ chế lây truyền...

(Ông Nguyễn Phùng Hoan, PCT UBND tỉnh Nam Định)

Ảnh: Nam Nguyễn

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất