| Hotline: 0983.970.780

Ưu tiên phát triển cây gai xanh tại Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình

Thứ Bảy 17/06/2023 , 16:40 (GMT+7)

Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie dự kiến nâng diện tích trồng cây gai lên 4.000ha trong năm 2023, tăng gấp rưỡi so với cuối năm ngoái.

Quang cảnh hội nghị đánh giá kết quả triển khai cây gai xanh trên địa bàn Sơn La.

Quang cảnh hội nghị đánh giá kết quả triển khai cây gai xanh trên địa bàn Sơn La.

Cây trồng đa mục đích

Ngày 15/6, Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả triển khai mô hình cây gai xanh trên địa bàn tỉnh.

Chủ trì hội nghị, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đánh giá, qua thời gian trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh từ năm 2017, cây gai xanh chứng tỏ sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh miền núi phía Bắc.

Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây gai xanh tương đối đơn giản, dễ thực hiện, mức đầu tư ban đầu phù hợp với khả năng kinh tế của đa số nông hộ vùng đồng bào thiểu số và cho lợi nhuận kinh tế cao.

"Cây gai xanh còn có đặc tính không làm đất bạc màu. Lá cây có thể được sử dụng làm phân bón, giúp đất tơi xốp hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao", ông Công cho biết.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, tổng diện tích trồng cây gai xanh tại địa phương tính đến tháng 6/2023 là khoảng 785ha, tập trung ở các huyện Vân Hồ 250ha; Sông Mã 147ha và Phù Yên 257ha. Ngoài ra, còn rải rác tại các huyện Mộc Châu, Mường La, Thuận Châu, Sốp Cộp.

Tổng sản lượng thu hoạch giai đoạn 2020 - 2022 đạt 907 tấn, với năng suất tăng đều qua các năm. Năm 2020 là 171 tấn; năm 2021 là 236 tấn và năm 2022 đạt 500 tấn.

Hiện sản phẩm vỏ gai khô được 3 công ty, HTX đối tác của Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie tham gia đầu tư, quản lý phát triển vùng nguyên liệu gai xanh gồm: Công ty TNHH Đầu tư và sản xuất Vinafi (huyện Vân Hồ); HTX Gai xanh AP1 (huyện Mộc Châu, Vân Hồ) và Công ty TNHH HTM Dragon. Giá thu mua trung bình là từ 35.000 - 40.000 đồng/kg vỏ khô.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công phát biểu tại hội nghị.

Là cây trồng có thời gian khai thác dài, từ 8 - 10 năm; thu hoạch 4 - 6 lứa/năm, với năng suất 2 - 3 tấn vỏ gai khô/ha. Nếu duy trì được giá thu mua vỏ khô từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, người dân sẽ có thu nhập bình quân từ 70 - 100 triệu đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, mỗi hecta gai xanh cho thu nhập từ 40 - 70 triệu đồng/ha/năm.

Dưới sự đầu tư, hướng dẫn của Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie, bà con nông dân Sơn La đã biết cách cắt nhỏ phần lá, thân gai tại ruộng sau khi thu hoạch. Những phụ phẩm này sẽ phân hủy, tạo thành các chất mùn cung cấp lại chất hữu cơ cho chính diện tích gieo trồng.

Đặc biệt, khi cây gai xanh đã phủ tán, hầu như cỏ sẽ không mọc, giúp người nông dân tiết kiệm được chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trừ cỏ trong sản xuất.

"Rất ít loài sâu hại phát triển trong diện tích trồng cây gai. Trung bình mỗi năm chỉ có 1 - 2 lứa bị hại nhẹ, các loài sâu gây hại như sâu cuốn lá, sâu ăn lá là những loài thuộc bộ cánh vẩy nên dễ bị tiêu diệt bởi các loại thuốc BVTV sinh học. Nhìn chung, sản xuất gai xanh không cần dùng nhiều đến thuốc BVTV", đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La chia sẻ.

Nhiều tiềm năng, dư địa

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận sôi nổi, nhằm làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong chỉ đạo và tổ chức sản xuất cây gai xanh. Đồng thời, nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch cây gai xanh đã được chia sẻ. 

Các HTX, hộ trồng gai xanh đề nghị chính quyền và doanh nghiệp tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật sản xuất canh tác cây gai xanh, đầu tư giống, phân bón, máy móc sơ chế; đảm bảo việc thu mua cho các hộ dân trồng gai xanh. 

Về phía Sở NN-PTNT tỉnh, đơn vị này đề nghị Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie cùng các đối tác xây dựng cơ chế tiêu thụ ổn định về giá, tiêu chuẩn sản phẩm cụ thể rõ ràng; có giải pháp ổn định về vốn để đảm bảo kinh phí trả cho nông dân sau khi bán sản phẩm vỏ gai xanh.

Sở NN-PTNT cũng lưu ý rằng một số huyện tại Sơn La có điều kiện khí hậu khô nóng, hay xảy ra hạn hán. Năng suất cây gai tại khu vực này khá thấp, chỉ đạt1 - 1,2 tấn/ha. 

Các đại biểu tham quan các sản phẩm chế biến từ cây gai xanh.

Các đại biểu tham quan các sản phẩm chế biến từ cây gai xanh.

Lắng nghe những ý kiến tại hội nghị, lãnh đạo Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie cho biết, giống gai xanh AP1 của công ty được chọn tạo theo hướng hàm lượng xơ sợi trong vỏ khô. Qua quá trình triển khai tại một số địa phương như Sơn La, Thanh Hóa, Lạng Sơn, giống AP1 cho năng suất, chất lượng tốt, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

"Nếu chăm sóc tốt, 1ha cây gai xanh AP1 cho sản lượng trung bình 0,6 - 0,8 tấn vỏ gai khô/ha/vụ. Nếu một năm thu hoạch 4 - 5 vụ, người dân có thể thu lời 60 - 80 triệu đồng", đại diện An Phước nhấn mạnh.

Việc mở rộng diện tích trồng cây gai tại Sơn La nằm trong định hướng phát triển vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy sợi dệt của công ty tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Tổng diện tích cây gai xanh cuối năm 2022 do Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie phối hợp xây dựng là khoảng 2.500ha. Con số này dự kiến tăng lên 4.000ha vào cuối 2023. 

Trước tâm tư của một số người dân, Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie cho biết, phải đến năm thứ 3 năng suất cây gai mới đi vào ổn định. Trong năm nay, dự kiến sản lượng vỏ gai có thể đạt trên 3000 tấn, đáp ứng được 50% công suất làm việc của nhà máy tại Cẩm Thủy. 

Công ty cũng thừa nhận một số khó khăn trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 bởi tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie đã nhận thức rõ và tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn tới.

Ưu tiên cho Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình

Một trong những định hướng chính trong chiến lược phát triển cây gai xanh thời gian tới của Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie là ưu tiên việc mở rộng diện tích tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình. Đây là khu vực đang đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng và có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây gai.

Các giải pháp thời gian tới sẽ tập trung vào quản lý kỹ thuật để nâng cao năng suất cây gai, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất với loại cây trồng mới này.

"Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu đạt 4.000ha. Song song với đó, sẽ kiểm soát chặt chẽ mọi khâu trong quy trình từ lựa chọn vùng trồng, đất trồng, cho đến hướng dẫn người dân chăm sóc, thu hoạch", đại diện công ty bày tỏ. 

Cây gai xanh hiện được trồng tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.

Cây gai xanh hiện được trồng tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.

Tại hội nghị, Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie đề nghị UBND và Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La tiếp tục xem xét, đánh giá chuyển đổi những diện tích trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế thấp sang cây gai xanh. 

Ngoài ra, Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie đề xuất các cơ quan quản lý nghiên cứu đưa cây gai xanh AP1 vào cơ cấu giống cây trồng chủ lực của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là phụ nữ.

Cảm ơn sự đồng hành của Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie trong 6 năm qua, Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Công đề nghị doanh nghiệp tiếp tục xây dựng cơ chế tiêu thụ ổn định về giá, đồng thời nghiên cứu xây nhà máy chế biến gai xanh tại Sơn La. 

Ông Công chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp chặt chữ với UBND các huyện, thị trấn trong việc theo dõi, đánh giá hiệu quả kinh tế, vùng trồng đảm bảo sự phù hợp của cây gai xanh với địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật người nông dân, giúp sản phẩm đầu ra ổn định về chất lượng.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.