Ông Lê Văn Lâm, GĐ Trung tâm KNKN Trà Vinh
Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Công tác khuyến nông đối với vùng đồng bào dân tộc luôn được quan tâm hàng đầu. Ông Lê Văn Lâm, GĐ Trung tâm KNKN Trà Vinh đã có cuộc trả lời phỏng vấn chung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết những thành công nổi bật của công tác khuyến nông tỉnh nhà trong năm 2010 vừa qua?
Trong năm qua công tác KNKN có những thành công nổi bật và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch như: Công tác chuyển giao KHKT cho nông dân, tập huấn, hội thảo đầu bờ, đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer. Phải thừa nhận rằng những người được tấp huấn đã ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả. Chương trình tư vấn hộ, đây là phương pháp mới. Chúng tôi đã cử 72 kỹ sư và kỹ thuật viên biệt phái xuống tận cơ sở ấp, xã hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Bên cạnh đó, là các mô hình trình diễn lúa “3 giảm 3 tăng”, lúa đạt năng suất từ 6-6,5 tấn/ha. Hiện nay, mô hình này đang được nhân rộng trong tỉnh trên 80%. Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo như vỗ béo bò, nuôi thủy sản đều đạt hiệu quả cao...
- Nuôi trồng thủy sản được xem là thế mạnh của tỉnh Trà Vinh và được phát triển toàn diện trên cả 3 vùng sinh thái mặn – ngọt – lợ. Ông đánh giá như thế nào về mô hình này trong thời gian tới?
Hiện nay, ngành nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Trà Vinh, phát triển thủy sản ngày càng mở rộng và nông dân có trình độ thâm canh cao. Để phát huy những kết quả đó, trong thời gian tới tiếp tục đẩy nhanh theo hướng “hiệu quả, bền vững, an toàn”, đa dạng hóa các loại hình và đối tượng nuôi. Năm 2011, vùng sinh thái mặn, lợ sẽ xây dựng mô hình nuôi tôm sú theo hướng GAP, tiến tới đăng ký thương hiệu tôm ATVS thú y thủy sản. Ngoài con tôm sú, tùy ưu thế từng vùng sẽ phát triển các mô hình khác như: nghêu, sò, cua biển. Ở vùng sinh thái nước ngọt nuôi tôm càng xanh, cá da trơn… Thành tựu nổi bật nhất trên lĩnh vực phát triển nghề nuôi thủy sản là biết ứng dụng KHKT vào sản xuất, thực hiện tốt việc liên kết “4 nhà” từ đầu tư, tổ chức sản xuất, sử dụng các chế phẩm sinh học để sản xuất bền vững, tạo ra hàng hóa lớn xuất khẩu có hiệu quả kinh tế cao.
- Xin ông cho biết một số chương trình khuyến nông trọng điểm trong năm 2011 của Trà Vinh?
Chúng tôi tiếp tục tập trung cho công tác chuyển giao KHKT và tư vấn nông hộ. Tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo đầu bờ đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc Khmer sinh sống. Bên cạnh đó, đổi mới nội dung và phương pháp tập huấn. Kết hợp với đài Truyền hình thực hiện các bản tin thời sự, phóng sự, chuyên mục, tọa đàm, các cuộc phát sóng trực tiếp trên truyền hình về công tác khuyến nông – khuyến ngư. Thực hiện phát hành tờ tin, in ấn các ấn phẩm KNKN để cung cấp thông tin kịp thời cho nông dân. Phát triển sản xuất giống lúa chất lượng và xây dựng mô hình sản xuất lúa “1 phải 5 giảm”; sản xuất nhân giống các cây đậu phộng; chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học và phát triển VietGAP. Đối với chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo như: 3 giảm 3 tăng trong sản xuất lúa, vỗ béo bò, nuôi thủy sản, tập huấn, hội thảo, tổng kết và nhân rộng mô hình. Chương trình Khí sinh học Việt Nam – Hà Lan sẽ đầu tư xây dựng 400 công trình cho người chăn nuôi trong tỉnh.
- Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, công tác khuyến nông ở vùng đồng bào dân tộc được triển khai như thế nào cho thật hiệu quả?
Dân số tỉnh Trà Vinh có trên 1 triệu người, trong đó dân tộc Khmer chiếm khoảng 30%. Công tác khuyến nông đối với vùng có dân tộc Khmer rất được quan tâm. Về chuyển giao khoa học kỹ thuật chúng tôi ưu tiên tập huấn cho vùng có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Trung tâm có 3 cán bộ dân tộc, có khả năng truyền đạt và hướng dẫn bằng tiếng Khmer. Về thông tin tuyên truyền, chúng tôi kết hợp với Đài phát thanh truyền hình thực hiện bằng tiếng Khmer như: tin thời sự, chuyên mục, phóng sự và tọa đàm trực tiếp trong sản xuất nông, ngư nghiệp. Phát hành tài liệu bướm bằng tiếng Khmer.