Kết quả đến 9 tháng năm 2023, lĩnh vực trồng trọt tiếp tục được tái cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị, chuyển dịch mạnh từ trồng lúa sang cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Diện tích cây ăn trái đạt hơn 70.000ha, 168 cơ sở được cấp 184 mã số vùng trồng.
Lĩnh vực chăn nuôi bước đầu hình thành một số trang trại quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, gắn sản xuất với liên kết tiêu thụ. Toàn tỉnh có 1.006 cơ sở chăn nuôi (tăng 75 cơ sở), trong đó có 9 cơ sở chăn nuôi liên kết với CP, CJ, 105 cơ sở chăn nuôi gia cầm có liên kết với các doanh nghiệp như CP, Emivest, Vietlight, Japfa…
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bên cạnh vật nuôi truyền thống tỉnh Vĩnh Long đang hình thành nghề nuôi lươn không bùn ứng dụng công nghệ cao (CNC). Một số cơ sở tiêu biểu như Công ty cổ phần lươn CNC Vĩnh Long, HTX Sản xuất và Tiêu thụ lươn CNC Sông Măng…
Anh Nguyễn Thanh Tân ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long là một trong những nông dân tiên phong phát triển nghề nuôi lươn an toàn sinh học ứng dụng CNC hơn 10 năm nay. Hiện, trang trại thâm canh lươn CNC của anh rộng khoảng 2ha, gồm 3 khu, trong đó khu lươn bố mẹ 15.000m2, khu dưỡng lươn giống 800m2 và khu lươn thương phẩm 3.000m2. Dự kiến năm nay, sản lượng đạt từ 6 - 8 triệu con lươn giống. Bên cạnh bán giống, Công ty còn liên kết chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho bà con địa phương.
“Được sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, bản thân tiếp tục mở rộng quy mô định vị ngành nuôi lươn như một ngành chăn nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với công nghệ, máy móc hiện đại, quy trình nuôi và điều trị bệnh cho lươn thương phẩm, Công ty tạo ra được nguồn lươn sạch, an toàn, tiêu chuẩn, chất lượng, tạo việc làm cho hơn 30 lao động, thu nhập bình quân/người/tháng từ 7 triệu đến 10 triệu đồng”, ông Nguyễn Thanh Tân - Giám đốc Công ty cổ phần Lươn Công nghệ cao Vĩnh Long chia sẻ.
Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Long đã tích cực kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp CNC, qua đó thu hút được một số doanh nghiệp đến đầu tư, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Theo ông Huỳnh Phú Lộc, Giám đốc Công ty Công ty CP Nông nghiệp 620, tháng 3/2023, doanh nghiệp đã đầu tư dự án sản xuất rau củ quả sạch tại xã Tân Thành, huyện Bình Tân. Công ty sản xuất các loại rau quả như dưa lưới (quy mô 6ha, sản lượng 35 tấn/vụ). Ngoài ra còn có cà chua, dưa leo baby, dưa pepino, dưa hấu không hạt... Công nghệ điều khiển được nhập khẩu từ Israel. Công ty cũng đầu tư dự án 16ha trồng khoai lang VietGAP xuất khẩu thị trường Trung Quốc và dự án phòng lab sản xuất giống khoai lang bằng phương pháp nuôi cấy mô.
“Doanh nghiệp nhận thấy thị trường đang có nhu cầu lớn về sản phẩm rau của quả sạch, hữu cơ nên đã đầu tư các dự án này. Riêng tỉnh Vĩnh Long là địa phương có lợi thế về logistics rất tốt, có tuyến đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cảng Bình Minh, giao thông đường thủy đường bộ khá phát triển, ít bị xâm nhập mặn… Đặc biệt, cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư của tỉnh trong phát triển nông nghiệp CNC”.
Xác định nông nghiệp ứng dụng CNC là hướng đi tất yếu, Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC đạt trên 20% trong tổng sản phẩm nông nghiệp và đến năm 2030 đạt 50%. Theo ông Trường Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long, để thực hiện mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Tỉnh ủy về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 - 2030.
Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Vĩnh Long xác 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, có cơ chế, chính sách phát triển và từng bước xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng CNC.