| Hotline: 0983.970.780

Vải chín sớm mất mùa, giá cao ngất ngưởng gần 70 ngàn đồng/kg

Thứ Hai 27/05/2024 , 09:32 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng vải thiều tại xã Bát Trang, huyện An Lão ước chỉ bằng một nửa so với năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Cảnh (thôn Trực Trang, xã Bát Trang) cho biết năng suất vụ vải năm nay thấp, ước giảm 1/2 so với mọi năm. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Văn Cảnh (thôn Trực Trang, xã Bát Trang) cho biết năng suất vụ vải năm nay thấp, ước giảm 1/2 so với mọi năm. Ảnh: Đinh Mười.

Những ngày cuối tháng 5, các hộ dân trồng vải sớm ở xã Bát Trang (huyện An Lão, TP Hải Phòng) bắt đầu thu hoạch vải. Đầu vụ, lượng vải chín còn ít nên hầu như người dân thu hoạch đến đâu thương lái thu mua hết đến đó với giá cao, từ 65.000 đồng/kg trở lên.

Gia đình chị Đoàn Thị Vân trú tại thôn Quán Trang (xã Bát Trang) chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hơn 100 cây vải đã hàng chục năm nay. Hằng năm, nếu được mùa, quả sai, sản lượng vải đạt khoảng 5 tấn, sau khi trừ chi phí gia đình chị Vân có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Năm 2024, do ảnh hưởng thời tiết bất thuận, thời điểm cây vải phân hóa mầm hoa do nắng ấm nên tỷ lệ ra hoa, đậu quá thấp, sản lượng ước giảm khoảng một nửa so với những năm trước đây.

“Năm nay tỷ lệ vải ra hoa, đậu quả thấp lắm, hơn 100 cây vải nhưng gia đình tôi thu hoạch hết chắc chỉ được khoảng 3 tấn thôi. May mà giá cao, thương lái mua luôn tại chỗ nên cũng có lãi để đầu tư cho vụ tới”, chị Vân cho hay.

Tại thôn Trực Trang (xã Quán Trang), gia đình ông Nguyễn Văn Cảnh là một trong những hộ trồng vải có thâm niên từ năm 1997 với diện tích hơn 5.000m2. Do tìm được giống vải trứng trắng có quả to, đẹp, vỏ mỏng, cùi dày, mọng nước… nên từ khi vải bắt đầu chín, thương lái đã đến tận vườn của gia đình ông Cảnh để đặt vấn đề thu mua với giá cao ngất ngưởng.

Giá vải đầu mùa rất cao nhưng lại mất mùa, sản lượng thấp, người dân nhặt nhạnh từng chút để bán cho thương lái. Ảnh: Đinh Mười.

Giá vải đầu mùa rất cao nhưng lại mất mùa, sản lượng thấp, người dân nhặt nhạnh từng chút để bán cho thương lái. Ảnh: Đinh Mười.

Dù vậy, cũng như gia đình chị Vân, điều đáng buồn với gia đình ông Cảnh là vải năm nay mất mùa, quả ít. Nếu như năm 2023 gia đình ông thu được hơn 7 tấn vải thì năm nay sản lượng ước đạt chỉ được khoảng 4 tấn.

“Giống vải trứng trắng được thương lái săn đón với giá cao hơn giống vải khác, như hiện tại chúng tôi đang bán 80.000đ/kg. Giá cao vậy nhưng thương lái họ đến tận vườn thu mua luôn, cứ thu hoạch đến đâu họ mua hết đến đó, nhiều nhà tiếc vì không còn vải để bán”, ông Cảnh chia sẻ.

Cũng tương tự như hộ gia đình ông Cảnh, bà Vân, các hộ dân đang có vải chín sớm ở xã Bát Trang đang rầm rộ vào vụ thu hoạch với tâm trạng “vừa vui, vừa tiếc”, vui vì bán được giá cao, tiếc vì sản lượng vải đạt thấp. Không ít người buồn vì chưa thoát khỏi quy luật cố hữu của thị trường là "được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Ông Phan Viết Huy – Phó Chủ tịch UBND xã Bát Trang cho biết, người dân địa phương có truyền thống trồng vải đã mấy chục năm nay. Trước đây, người dân chủ yếu trồng vải chính vụ thì nay khoảng 1/2 diện tích (khoảng 40ha) vải của xã đã được chuyển sang trồng các giống vải chín sớm.

Những năm gần đây, khi thị trường nhiều biến động, năng suất và giá trị kinh tế từ cây vải không còn tốt như trước nên một số hộ dân đã dần chuyển đổi sang trồng thanh long và những cây khác cho thu nhập cao và ổn định hơn. Tuy vậy, vải vẫn là một trong những cây trồng chủ lực và là nguồn thu chính cho hàng trăm hộ dân xã Bát Trang với tổng diện tích hơn 80ha.

“Trà vải sớm được thu hoạch từ 1/4 đến hết tháng 4 (âm lịch), vải chính vụ thu từ 1/5 đến 15/5 (âm lịch). Dù vải sớm phụ thuộc nhiều vào thời tiết nhưng lại được giá và thực tế đã mở ra hướng phát triển có hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân ở đây”, ông Huy chia sẻ thêm.

Trồng vải vẫn là kế sinh nhai của hàng trăm hộ dân ở xã Bát Trang. Ảnh: Đinh Mười.

Trồng vải vẫn là kế sinh nhai của hàng trăm hộ dân ở xã Bát Trang. Ảnh: Đinh Mười.

Xã Bát Trang là một trong những địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất ở Hải Phòng. Vải thiều ở đây được công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2016, là một trong 34 sản phẩm đầu tiên được công nhận nhãn hiệu tập thể của thành phố Cảng.

Do địa phương này nằm sát với vựa vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) nên việc cạnh tranh về mẫu mã và giá bán càng gay gắt. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích vải thiều ở Bát Trang hiện vẫn sản xuất theo phương pháp thông thường; chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, kéo dài thời gian thu hoạch, bảo quản; chưa xây dựng được các vùng sản xuất tập trung theo các quy trình, tiêu chuẩn khắt khe nên chất lượng sản phẩm còn thấp, khó khăn trong tiêu thụ.

Từ năm 2022, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở NN-PTNT TP Hải Phòng) đã triển khai thực hiện dự án hoàn thiện công nghệ xử lý sau thu hoạch cho vải thiều Bát Trang để giúp người dân cải thiện chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản cho quả vải thiều, tăng giá trị kinh tế. Sau khi dự án hoàn thành, nghiệm thu và chuyển giao cho người dân, những điểm yếu, hạn chế, rủi ro trong công tác bảo quản sau thu hoạch vải đã phần nào được khắc phục.

Xem thêm
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao tặng con giống cho người dân Hải Phòng

HẢI PHÒNG Chiều 27/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã thăm, chia sẻ, động viên và tặng quà người dân bị thiệt hại do bão số 3 tại huyện Kiến Thụy và quận Dương Kinh, Hải Phòng.

Ninh Thuận khẩn trương dập dịch tả lợn Châu Phi

Ninh Thuận đã triển khai nhiều giải pháp để nhanh chóng dập dịch tả lợn Châu Phi đã xâm nhiễm và có khả năng lây lan rộng trong thời gian tới rất cao.

Tập huấn vận hành drone phun thuốc BVTV: Bước tiến mới trong khảo nghiệm nông nghiệp

So với phương pháp phun thủ công, phun thuốc bằng drone giúp giảm tới hơn 90% lượng nước, tăng tốc độ phun 30 lần, trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực phòng trừ tương đương.

Bình luận mới nhất