| Hotline: 0983.970.780

Vài điều ít biết về Hội Trí Tri Bắc Kì

Thứ Năm 01/02/2024 , 11:38 (GMT+7)

Hội Trí Tri Hà Nội khác hẳn với ở Nam Định là 'đã lập ra một cái lệ chung là không bao giờ mời ai diễn thuyết, nhưng hễ ai đã tình nguyện xin nói ở hội quán thì hội vẫn sẵn lòng tổ chức giùm'. Hội lại còn bắt buộc diễn giả phải đưa trình bài diễn thuyết để duyệt trước xem có nói đến tôn giáo và chính trị cùng những điều cấm kị gì khác.

Hàng đầu, từ trái sang phải: Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng các thành viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946. Ảnh tư liệu.

Hàng đầu, từ trái sang phải: Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng các thành viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946. Ảnh tư liệu.

Hội Trí Tri (tên đầy đủ là Hội Trí Tri Bắc Kỳ) với tên gọi ban đầu là Hội Tương tế Bắc Kỳ, một tổ chức xã hội giáo dục ở Bắc Kỳ và là một phần của phong trào “chủ nghĩa hiện đại Pháp” được thành lập tại Hà Nội năm 1892 nhằm mục đích nâng cao dân trí. Hội hoạt động đến năm 1946 thì giải tán vì hoàn cảnh chiến tranh. Tồn tại trong suốt 54 năm, vào giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX, đất nước đang thuộc chế độ thực dân nửa phong kiến, Hội Trí Tri là một tổ chức hoạt động mang tính chất “Hội” khá tiêu biểu thu hút được phần lớn những trí thức lớn đương thời, với số thành viên hàng ngàn người, trong đó nhiều trí thức của Hội đã thành danh nhân được đặt tên phố, tên đường như Nguyễn Văn Tố, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Ngọc, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Công Tiễu, Trần Văn Giáp, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Xuân Nguyên; một số người là những học giả lớn mà ngày nay những công trình của họ vẫn còn sự ảnh hưởng như Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Ngô Vi Liễn, Nguyễn Tường Phượng…

Những mẩu chuyện về các nhân vật “yếu nhân” của Hội Trí Tri dưới đây ít nhiều cho chúng ta có cái nhìn rõ nét hơn về các Hội viên và hoạt động của Hội Trí Tri cũng như những cách làm việc, ứng xử rất khoa học, thẳng thắn và minh bạch của Hội này.

Cụ Nguyễn Văn Tố chưa từng diễn thuyết bao giờ!

Một trong những hoạt động nổi bật của Hội Trí Tri là tổ chức diễn thuyết. Theo các Tờ trình tại Đại hội đồng của Hội thì năm 1924, Hội tổ chức 1 tháng 2 kì diễn thuyết. Năm 1928 tổ chức được 5 cuộc diễn thuyết. “Diễn thuyết” ít hơn mọi năm, vì không mời được diễn giả, lại cũng vì những người đến nghe không đều đặn, khi đông quá nên diễn giả cũng có ý nản không muốn giúp”. Năm 1929 chỉ tổ chức 1 cuộc diễn thuyết và đến năm 1930 không tổ chức được cuộc diễn thuyết nào.

“Người mình hình như có tính lười. Một người nhận ra nói chuyện, tức là người ta đã có công nghiền ngẫm, tìm tòi hàng tháng trong bao nhiêu sách vở để hiểu thấu vấn đề. Mình chỉ mất độ một giờ đồng hồ ra ngồi nghe, biết được tất cả câu chuyện, học rất nhanh chóng, thế mà người mình cũng ngại. Người mình chưa chuộng cái lối học ấy thì thể văn diễn thuyết chưa tiến được...".

(Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố)

Cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố được coi là nhân vật tiêu biểu, có tiếng tăm nhất của Hội Trí Tri. Cụ không chỉ là Đại biểu Quốc hội khóa I như nhiều người biết đến mà còn là học giả hàng đầu trong số những trí thức Việt Nam ở thời điểm đó, không chỉ các học giả trong nước mà học giả nước ngoài cũng phải thừa nhận. Nhưng có một điều ít người biết đến là một học giả lớn của Hội thường hay tổ chức diễn thuyết, vị Hội trưởng Hội Trí Tri giai đoạn từ 1933 đến 1946 này lại chưa diễn thuyết bao giờ. Điều này do chính cụ Ứng Hòe tiết lộ trong cuốn sách của nhà phê bình văn học Lê Thanh năm 1943 có tựa đề “Cuộc phỏng vấn các nhà văn” do NXB Đời Mới phát hành.

Cụ Ứng Hòe kể: “Cứ thực ra tôi chưa diễn thuyết bao giờ. Chỉ có thỉnh thoảng trường Bác Cổ cử ra nói chuyện cho người Tây nghe về việc khảo cổ thì tôi ra nói, thế thôi. Còn ở các hội học, mỗi khi có cuộc diễn thuyết, tôi nói một vài câu, là phận sự phải làm chứ chưa gọi là diễn thuyết được”.

Theo cụ Ứng Hòe, “Sở dĩ tôi không diễn thuyết là vì thiết tưởng ra nói cho hàng trăm người nghe, câu chuyện đã phải hay, lời nói lại phải có duyên. Chọn câu chuyện thì may tôi làm được, còn nói tôi sợ không hay. Văn diễn thuyết lại cốt giản dị, những câu mình viết ra giấy là cốt để nhớ mà nói, chứ có phải để cho người đọc đâu mà cầu kì...".

Nhà phê bình Thiếu Sơn, từ thính giả đến diễn giả diễn thuyết của Hội Trí Tri

Thiếu Sơn (1908 - 1978) là một nhà báo, nhà phê bình có tiếng tăm. Ông là tác giả những cuốn sách như "Phê bình và cảo luận", "Đời sống tinh thần", "Câu chuyện văn học" cùng nhiều bài báo có giá trị khác.

Trong sách “Phê bình và cảo luận” in năm 1933, Thiếu Sơn kể lại chuyện đi nghe diễn thuyết tại Hội Trí Tri: “Tôi còn nhớ cách đây trên mười năm, hồi tôi còn tòng học tại Hà Nội, không tối thứ năm nào là tôi không tới nhà Hội Trí Tri nghe diễn thuyết. Trong những buổi đi nghe diễn thuyết đó, thất vọng cũng nhiều mà hứng thú cũng lắm. Thất vọng vì câu chuyện vô vị, mà hứng thú bởi câu chuyện có duyên. Nhưng rốt cuộc rồi sự nghe diễn thuyết đã thành một cái mê của tôi, cũng như trước hồi đó tôi vẫn mê cải lương với chớp bóng vậy”.

Có lẽ vậy mà cái duyên diễn thuyết đến với Thiếu Sơn khi ông được Hội Trí Tri mời thuyết ở Nam Định và Hà Nội vào năm 1937. Cuộc diễn thuyết này được Thiếu Sơn kể lại trên tuần báo Mai (do Đào Trinh Nhất làm chủ nhiệm) trong phóng sự nhiều kì có tiêu đề "Hai mươi ngày về chơi đất Bắc". Trong bài “Cuộc diễn thuyết ở Thành Nam”, Thiếu Sơn kể, khi nhà văn Nguyễn Công Hoan vào Sài Gòn chơi, gặp ông và mời về Hội Trí Tri Nam Định diễn thuyết. Dù từ chối nhưng Hội trưởng Trí Tri Nam Định là Đốc học Phạm Xuân Độ lại gửi thư mời nên hẹn ngày thứ bảy 11/9/1937 nói chuyện về “Văn học Pháp trong văn chương ta”.

Việc đón tiếp Thiếu Sơn tại Nam Định của Hội Trí Tri rất nhiệt tình. “Ở Hà Nội tôi đã viết thư trước cho hay rằng nội ngày 11/9 tôi sẽ xuống, không nhất định vào giờ nào, vậy xin đừng ông nào đón rước làm gì, tôi đã biết địa chỉ sẽ kiếm được tới nhà các ông. Ai ngờ khi ở xe xuống thì đã thấy ông Ngô Ngọc Kha, tác giả sách “Tình mộng” đứng chờ. Ông này tôi đã quen biết nên nhận ra liền. Kế ông giới thiệu người đứng cạnh ông: Ông giáo sư Phạm Xuân Độ - Trưởng hội Trí Tri Nam Định. Tôi thấy các ông đứng đó chờ tôi giữa cơn mưa gió, tôi lấy làm cảm khích vô cùng. Tôi hỏi các ông sao biết tôi tới chuyến nầy mà đón thì các ông nói rằng chỉ phỏng đoán mà ra và nếu lỡ chuyến này không có thì chờ chuyến sau hại gì.

Khai trương Hội Trí Tri (Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin) ở Hà Nội ngày 1/4/1892. Ảnh: baotanglichsu.vn.

Khai trương Hội Trí Tri (Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin) ở Hà Nội ngày 1/4/1892. Ảnh: baotanglichsu.vn.

Hội Trí Tri là một tổ chức tự phát, tự nguyện và ngày càng được mở rộng về quy mô hoạt động, tăng số lượng thành viên. Hội đã quy tụ được nhiều trí thức đương thời của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Những hoạt động của Hội ít nhiều góp phần vào việc truyền bá, giáo dục văn hóa Việt Nam. Cũng qua các hoạt động của Hội, chúng ta biết được thêm những nguyên tắc và ứng xử của Hội Trí Tri với những thành viên đa phần là những người không chỉ giỏi về chữ Pháp mà còn sành về chữ Nho.

8 giờ 30 buổi diễn thuyết ở Nam Định bắt đầu. Tối hôm đó thính giả đến nghe rất đông. Có tới trên 200 người. Lắm người không có ghế ngồi phải đứng. có người đứng trong phòng không được phải đứng tận hiên”.

Thiếu Sơn bảo: “Lãng mạn không phải là “văng mạng” nhưng nó cũng gần gần như thế…” làm cho người nghe bật cười. Hoặc có lúc khi “nói tới cái óc cao đẳng và sơ đẳng" thì thính giả liền nghĩ ngay tới ông Nghè Tường, rồi có một ông buột miệng nói với ông ngồi bên: “xỏ, xỏ, xỏ tệ”. Thiếu Sơn đáp lại: Nhưng không xỏ đâu nhé, rồi cắt nghĩa thêm về những câu đã nói vô tư, rồi thính giả lại có dịp cười thêm nữa.

Tối 16/9/1937 tại Hà Nội, Thiếu Sơn nói về “Đời và việc của nhà văn”. Có khoảng 400 người dự, “ngồi có, đứng có và đứng ở giữa cửa sổ ngó vào cũng có. Những người sau này không chỉ là những người không vào được trong phòng mà còn vô số người có thể vào được mà không vào, rắp tâm nếu diễn giả ru ngủ thì các ông chuồn về”. Thiếu Sơn được Hội trưởng Nguyễn Văn Tố ưu ái không phải duyệt bài trước khi diễn thuyết. Đó cũng là một sự lạ đối với “nguyên tắc” làm việc rất nghiêm túc của Hội cũng như cụ Nguyễn Văn Tố.

Như vậy, từ một thính giả thường trực nghe các buổi diễn thuyết, chỉ sau 15 năm, Thiếu Sơn đã thành một diễn giả diễn thuyết tại Hội Trí Tri và được đón tiếp rất nồng hậu và nhiệt tình của các hội viên.

Những “lùm xùm” về tài chính và… thư viện

Mặc dù tổ chức và hoạt động khá chặt chẽ theo Điều lệ nhưng Hội Trí Tri vẫn xảy ra một số vụ “lùm xùm” về tài chính, tiêu biểu nhất là vụ nợ tiền có tính chây ỳ của ông Bùi Đình Tá – một trong những thành viên sáng lập Hội. Theo biên bản Đại hội đồng thường niên của Hội năm 1939, từ 1924 ông Bùi Đình Tá nợ Hội số tiền 536,5 đồng, đến năm 1926 còn 521,5 đồng và từ đó không chịu trả, làm cho biên bản các kì đại hội đồng nào cũng nhắc đến.

Năm 1930, Biên bản viết: “Nói đến số tiền các năm trước còn lại của Hội là 10.398,6 đồng thực ra hiện chỉ có 8.377,26 đồng thôi vì ông Bùi Đình Tá còn nợ 521,5 đồng và ông Nguyễn Thành 1.500 đồng đã lâu ngày mà vốn lãi chưa giả. Theo biên bản của Hội đồng kiểm quỹ năm nào cũng thấy nhắc đến mà vô hiệu. Lần này chúng tôi lại phải nói và cứ công tâm xin thưa với Đại hội đồng rằng: Ai cũng vậy, đã vào hội là phải hết nghĩa vụ với hội, nếu không giúp được việc gì cho Hội thì cứ đóng tiền cho đúng lệ, thẳng hoặc có giúp được một đôi việc thì cũng mong tránh tiếng “lợi bất cập hại”. Chúng tôi thiển nghĩ rằng: Việc nợ này chậm trễ như thế cũng có lẽ là bởi việc công chăng? Vì cứ thường tình mà nói, nếu thuộc về tư gia thì chắc không ai lại để lần lữa đến nay. Chúng tôi cũng biết rằng các ngài ở ban trị sự đã hết sức đòi hỏi nhưng không ai giả mà những bức văn tự viết với hội thực đúng luật lắm, vả lại có nhiều người chịu liên đới trách nhiệm.

Vì hội ta đương lúc cần tiền để làm lại hội quán, quyên chỗ này chỗ khác cũng chưa đủ, nên chúng tôi lấy lẽ công bằng xin với Đại hội đồng giao việc đòi hai món nợ này cho ban trị sự mới là ta sắp bầu ra đây, phải viết giấy đòi hỏi một cách quả quyết mà nhắc cả những ông liên can kí kết vào văn tự phải trang trải việc này cho xong, trong một thời hạn mà Hội đồng sẽ định, nếu không thì Hội bất đắc dĩ phải chiểu theo văn tự mà xử trí thì tất nhiên công hiệu”.

Đến năm 1935, Biên bản nói việc đòi nợ ông Bùi Đình Tá cũng khá “hữu nghị”, thiện chí, chưa có sự căng thẳng: “Chúng tôi vẫn nhớ kì Đại hội đồng năm ngoái các ngài nhất quyết nhờ pháp đình đòi lại món tiền ấy; nhưng chúng tôi thiết nghĩ rằng ông Bùi Đình Tá cũng là một người có chân trong ban sáng lập ra Hội, nếu đem việc nợ này ra tòa, tất nhiên người ngoài chỉ nghị, thì chẳng hay gì cho Hội cả. Vả lại, chưa đòi được đồng nào, Hội hẵng phải xuất ra một món kinh phí khá to, bởi vậy chúng tôi muốn bàn lại với các ngài cho xác cứ, rồi hẵng thi hành cái ý định của Đại hội đồng năm ngoái”.

Năm 1939, Biên bản Đại hội đồng ghi lại chuyện ông Nguyễn Tường Phượng đến thăm nhà và để lại bức thư “đòi nợ” ông Bùi Đình Tá. Bức thư có lời lẽ nhẹ nhàng, thanh nhã dù nói đến việc nợ nần. “Monsier Bùi Đình Tá, sáng lập Hội viên Hội Trí Tri, 30 Rue Maré chal Pétain, Hanoi. Thưa Cụ, tiếp với câu chuyện tôi được hầu Cụ tháng trước, Cụ có hẹn sẽ cho chúng tôi rõ tôn ý về món tiền Cụ đã giữ để sinh tức cho Hội Trí Tri, là 521,5 đồng. Việc này kì Đại hội đồng vừa rồi có đem ra bàn, lý ưng ra thì nhiều vị có mặt hôm ấy muốn dùng cách cương quyết để đối phó, nhưng Hội đồng trị sự mới được tái cử, vì lấy lẽ tôn trọng một vị sáng lập có công với Hội nên sau khi thắng phiếu đã lưu việc này lại và ủy chúng tôi giao thiệp. Cái ý kiến của Hội đồng trị sự Hội Trí Tri rất là nhã nhặn mà việc chúng tôi đến hầu Cụ hôm nọ cũng là chỉ mong Cụ, trước vì danh dự Hội, sau vì phẩm giá thanh cao của Cụ nghĩ lại cho khỏi thiệt. Mong rằng cụ thể tất cho cách hành động của Hội đồng trị sự và chúng tôi, thu xếp cho Hội hoặc ít nhiều thì chúng tôi lấy làm cám ơn cụ lắm lắm. Sau đây xin gửi nhời kính chúc Cụ cùng quý quyến được vạn sự an khang. Kính bút. Nguyễn Tường Phượng – Hội viên Hội Trí Tri, gửi ngày 20/8/1935”.

Biên bản Đại hội đồng năm 1939 do cụ Nguyễn Văn Tố làm chủ tọa đã nhận định về khoản nợ của ông Bùi Đình Tá: “Chỉ còn cách là một rằng lấy tình thì miễn cho ông số nợ ấy mà vào sổ kế toán mục Profits et Pertes (Lợi nhuận và thua lỗ), hai là lấy lí thì kiện đòi các ông cùng kí văn tự" (Vũ Ngọc Hoành, Lê Văn Phúc, Đào Văn Sử và Đỗ Thận), và giải pháp cuối cùng là: “Việc ông Bùi Đình Tá nhận tiền sinh tức cho hội, lí ưng ra hội phải lấy lại từ lâu rồi. Nay sự thế đã dĩ nhiên, tình lý hai bên đều đã bàn đến cả, xin Đại hội đồng quyết ngay đi để kết liễu một việc xảy ra rất đáng tiếc và mong rằng hàng năm ở trong sổ chi thu không còn thấy nói đến mục này nữa, vì cứ năm năm phải nhắc đi nhắc lại chỉ làm mất thanh danh một vị sáng lập sau là giảm mất cái giá trị thanh cao của hội”.

Trường hợp nợ tiền của ông Bùi Đình Tá được cho là chây ỳ và dai dẳng nhất trong hoạt động tài chính của Hội Trí Tri được thể hiện trên các Biên bản Đại hội đồng hàng năm của Hội. Dẫu vậy, xem cách đòi, cách ứng xử của các Hội viên, rõ ràng đó là cách xử lý của những người “Tiên trí kì tri” (Trí tri) theo đúng với tên gọi và tính chất của Hội. Đó là lối cư xử của những trí thức.

Không chỉ về tài chính mà về Thư viện của Hội cũng có nhiều “lùm xùm” trong công tác mượn - trả sách đến nỗi phải ghi vào Biên bản họp Đại hội đồng hàng năm. Tiêu biểu nhất là năm 1925, khi Hội đồng khám các sách vở thì “So với trong sổ, sách đủ cả, duy thấy có hai bộ sách chưa vào được sổ là: 1. Bộ tứ thư mà ông Trần Văn Thông mượn từ năm 1911, mãi đến năm 1924 mới đưa giả, mà quyển sách đưa giả lại không phải là quyển sách mượn độ ấy vì trong sổ biên mượn là “Les quatre livres” mà sách đưa giả thì nhan đề là “Doctrine de Confucius par Pauthier”, quyển tứ thư của cố Couvreur giá 4,8 đồng hay 5 đồng một quyển mà quyển đưa giả  lại khác. Bởi thế ông thủ thư chưa vào sổ để hội đồng xem xét có nhận hay nên lại viết giấy đòi ông Trần Văn Thông phải giả đúng như quyển ông ấy đã mượn. 2. Bộ tự vị Hatzfeld và Darmesteter (một bộ hai quyển) mà ông Nguyễn Văn Tố mượn từ năm 1920. Hai ba lần đòi hỏi ông Tố không chịu đưa lại giả. Theo điều lệ thứ 7 về thư viện thì các sách tự vị không được cho mượn mà ông Tố mượn và để lâu ngày như thế thì rất trái lệ hội”.

Việc “đánh tráo” sách để trả thư viện của ông Trần Văn Thông thì sự “gian dối” là rõ ràng, nhưng việc không chịu trả sách của cụ Nguyễn Văn Tố suốt 5 năm cho thấy những học giả có lối làm việc nghiêm túc, cẩn trọng như cụ Tố thì yêu sách, quý sách nhường nào. Việc thành viên Hội mượn sách không trả cũng được nhắc lại trong Biên bản năm 1936, “Trong tám ông hội viên mượn sách của Hội đã lâu, mới có một ông Phạm Đình Long trả sách của hội, còn bảy ông khác vẫn chưa trả”. Thư viện của Hội Trí Tri có làm biển đề bảy chữ: “Việt Nam Quốc học đồ thư quán”. Năm 1933, các số sách thu được là 3.465 quyển, trong số ấy sách ta được 1.500 quyển, sách Tàu và Nhật ngót 2.000 quyển. Riêng cụ Sở Cuồng Lê Dư đã cho Hội được hơn 2.000 quyển. Ở đây cho thấy cách làm việc rất khoa học, nghiêm túc của Hội, cũng “không có vùng cấm” khi soát xét thư viện và điểm danh nêu tên tất cả những thành viên Hội mắc lỗi, không thực hiện theo đúng Điều lệ của Hội.a Hội Trí Tri với những thành viên đa phần là những người không chỉ giỏi về chữ Pháp mà còn sành về chữ Nho.

“Trí tri” là chữ được lấy từ sách Đại học: 先致其知 (Tiên trí kì tri), nghĩa là suy xét đến cùng những điều mình biết. Theo Ngô Vi Liễn - Hội trưởng Hội Trí tri giai đoạn 1928 - 1933 thì: “Nguyên tôn chỉ của Hội lập ra là một hội học để hỗ giáo, nghĩa là để dạy học lẫn nhau, để nghiên cứu về đường học vấn để cho biết đến chốn chân lí, tức là nghĩa Trí tri đó”.

Cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố - Hội trưởng Hội Trí tri giai đoạn 1934 - 1946 cũng giải thích: “Chữ “Trí tri” xuất xứ ở sách Đại học, ý nói học cho đến nơi đến chốn, mỗi ngày mỗi rộng rãi ra. Hội chúng tôi lập ra đã ngoại 50 năm nay, tôn chỉ là khuyến học, mục đích là giúp đỡ cho việc học được đến nguồn gốc”.

Chương trình hoạt động của Hội Trí Tri gồm các nội dung chính như: Mở trường học và lớp dạy tiếng Pháp và chữ quốc ngữ cho cho trẻ em và người lớn bản xứ nhằm nâng cao dân trí; Tổ chức diễn thuyết và dịch ra chữ quốc ngữ các tư liệu về khoa học; Phổ biến kiến thức khoa học thông qua việc dịch các tư liệu sơ đẳng về khoa học; Xuất bản Tập san Trí Tri… Những sáng lập viên của Hội Trí Tri có nhiều nhưng theo ông Nguyễn Quý Toản - Hội trưởng năm 1922 thì chỉ có “ông Bùi Đình Tá, ông Bùi Xuân Phái, và ông Đặng Văn Mĩ có công lao nhất với hội”.

Xem thêm
Quang Linh Vlogs hội ngộ hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Chàng Youtuber nổi tiếng Quang Linh Vlogs đang ở Việt Nam để có chuyến đi chơi xuyên Việt cùng bố con Matiloi - người bạn đến từ châu Phi.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.