Không những thế, thực tiễn đã cho thấy những lợi ích lớn của việc SX theo GAP khi giúp nông dân trồng vải giảm được chi phí SX, tăng giá trị và lợi nhuận.
Dấu ấn Viện Nghiên cứu Rau quả
Ở 2 huyện trồng vải thiều trọng điểm là Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương), chưa khi nào nông dân trồng vải lại háo hức đón nhận việc áp dụng quy trình SX theo các tiêu chuẩn GAP như hiện nay. Đến vụ vải năm nay, huyện Lục Ngạn đã có 11.000ha (trong tổng số 15 nghìn ha vải toàn huyện) được nông dân áp dụng theo quy trình GAP (gồm cả VietGAP và GlobalGAP), huyện Thanh Hà cũng đã có trên 330ha được cấp chứng nhận VietGAP cùng hơn 8.000ha (trong tổng số hơn 10.000ha) SX theo hướng VietGAP.
Niềm vui được mùa, được giá tại vùng vải thiều GlobalGAP huyện Thanh Hà (Hải Dương) |
Trong chặng đường dài đưa GAP đến với nông dân trồng vải, cùng với hàng loạt các chương trình, dự án lớn của ngành nông nghiệp, Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) có thể nói là đơn vị tiên phong, có vai trò hạt nhân tạo sự lan tỏa cho tiến bộ kỹ thuật này. Ngay từ trước năm 2010, FAVRI đã là đơn vị đi đầu, đặt những nền móng cơ bản cho việc triển khai GAP ở các vùng vải thiều trọng điểm bằng việc triển khai chương trình “trẻ hóa” vườn vải bằng ghép cải tạo cho vùng vải chính vụ; phổ biến kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, kỹ thuật xử lí tăng cường ra hoa đậu quả...
Đặc biệt, FAVRI cũng đã thành công trong nghiên cứu, áp dụng quy trình phòng chống sâu đục quả trên cây vải. Đến nay, sâu đục quả vốn là “kẻ thù số một” của người trồng vải đã cơ bản được phòng trừ triệt để. Đây là điều kiện tiên quyết để quả vải Việt Nam những năm gần đây liên tục được XK sang các thị trường lớn, có giá trị cao.
Trước yêu cầu tạo bước đột phá mới cho quả vải trong bối cảnh trái cây này ngày càng phải mở rộng thị trường XK, đặc biệt là các thị trường khắt khe như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản... và cả thị trường trọng điểm Trung Quốc, từ năm 2016 đến 2018, FAVRI đã được Bộ NN-PTNT đồng ý tiếp tục giao triển khai dự án xây dựng mô hình thâm canh vải áp dụng đồng bộ gói kỹ thuật theo GlobalGAP tại 3 vùng vải lớn là Thanh Hà (Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang) và Đông Triều (Quảng Ninh).
FAVRI cũng nỗ lực tạo các mối liên kết cho nông dân thông qua việc xúc tiến thành lập các HTX, tổ hợp tác trong SX để liên kết với các DN thu mua, chế biến và XK nhằm nâng cao tối đa giá trị cho quả vải... Ý nghĩa lớn nhất là từ các mô hình điểm, sau 3 năm triển khai dự án này, hiện việc áp dụng GlobalGAP đã tạo được thành một phong trào rộng khắp, được nông dân tại các vùng lân cận tìm tòi mở rộng diện tích. |
Qua 3 năm triển khai, đến vụ vải năm 2018, FAVRI đã xây dựng thành công các mô hình SX vải thiều theo quy trình GlobalGAP tại 3 huyện với tổng diện tích 300ha. Đồng thời, tiến hành tập huấn, đào tạo một cách bài bản quy trình GlobalGAP cho hơn 600 nông dân, đặc biệt là tiếp tục đào tạo sâu về quy trình kỹ thuật quản lí tổng hợp đối với sâu đục cuống quả vải.
Năng suất tăng, giá bán cao
Thời điểm này, trà vải thiều chính vụ đã bắt đầu thu hoạch rộ. Tuy nhiên, giá vải được các DN, thương lái thu mua tại 2 vựa vải thiều Thanh Hà và Lục Ngạn hết sức đa dạng. Có loại vải xấu, quả nhỏ, vỏ bị đốm bệnh thán thư thâm đen chỉ khoảng 6 - 7 nghìn đồng/kg, thậm chí nếu có tỉ lệ sâu đục cuống quả thì chỉ có 4 - 5 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, loại vải được thâm canh, màu sáng đỏ tươi, không có sâu đục cuống và nấm bệnh lại được các thương lái thu mua với giá cao từ 10.000 - 15.000 đồng/kg (tại Thanh Hà), thậm chí tại Lục Ngạn được các DN Trung Quốc tranh mua với giá trên 20.000 đồng/kg. Trong đó, các diện tích vải được SX theo VietGAP, GlobalGAP luôn được săn đón với giá cao nhất.
Vụ thu hoạch năm nay, hơn 100 hộ dân trong mô hình áp dụng SX vải theo GlobalGAP do FAVRI triển khai với diện tích 40ha tại vùng vải thiều xã Thanh Xá (Thanh Hà, Hải Dương) vui như hội vì vừa được mùa, vừa được giá. Những vườn vải áp dụng GlobalGAP tại thôn 1, xã Thanh Xá trĩu cành, quả nào quả nấy đỏ au, căng mọng, đều chằn chặn. Cây vải được cắt tỉa tạo tán tròn trịa như bát úp, vườn nào cũng được vệ sinh ngăn nắp như khu du lịch sinh thái.
Những kỹ thuật thâm canh rất cao đã được áp dụng tại vùng vải GlobalGAP huyện Lục Ngạn |
Bà Quách Thị Dinh, một hộ dân có vườn vải hơn 100 cây trong thôn hồ hởi cho biết: Trước đây, những kỹ thuật như tỉa cành, tạo tán còn rất xa lạ với người dân. Tuy nhiên sau hơn 2 năm được tham gia các lớp tập huấn về GlobalGAP, có cán bộ kỹ thuật của FAVRI về trực tiếp cầm tay chỉ việc, nông dân tham gia đã nắm rất vững các quy trình, nhất là phòng trừ sâu hại, bón phân, vệ sinh đồng ruộng, ghi chép nhật ký SX...
Theo bà Dinh, chất lượng, mẫu mã quả vải áp dụng GlobalGAP khác hẳn so với những vườn không áp dụng nên rất dễ bán. Vải được cắt tỉa, tạo tán bài bản nên không có quả kẹ, cây thoáng, không bị sâu bệnh, quả đều, sáng đẹp. “Nhà tôi có hơn 20 gốc vải được áp dụng kỹ thuật, cho sản lượng hơn 1 tấn, thương lái mua tại vườn với giá tới 35 nghìn đồng/kg. Năm nay, vải được mùa chưa từng thấy, nhờ mẫu mã đẹp nên luôn bán cao hơn các vườn không áp dụng GlobalGAP từ 3 - 4 giá”, bà Dinh phấn khởi.
Không chỉ có giá bán cao vượt trội, ông Phạm Quốc Trọng, Chủ tịch UBND xã Thanh Xá đánh giá, vụ vải năm 2018, năng suất bình quân của vải thiều áp dụng GlobalGAP của xã ước đạt 18 tấn/ha, cao hơn so với bình quân chung toàn xã khoảng 25 - 30%. "Nhờ có áp dụng GlobalGAP, hiện nay UBND xã căn cứ theo quy trình và lịch phun trừ phải đúng thời điểm sâu mới nở, nông dân cũng đã rất ý thức nên đồng loạt phun một loại thuốc, phun cùng thời điểm nên chỉ cần một lần phun cũng đã loại bỏ hoàn toàn được sâu đục quả”, ông Trọng cho biết.
Không chỉ tại các mô hình ở Thanh Hà (Hải Dương), sau gần 3 năm triển khai dự án, nhờ những hiệu quả nhìn thấy rõ, các mô hình điểm áp dụng GlobalGAP do FAVRI triển khai tại Lục Ngạn (Bắc Giang), Đông Triều (Quảng Ninh) cũng đang tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Ở mô hình GlobalGAP tại vùng vải thiều xã Quý Sơn (huyện Lục Ngạn), vải thiều SX theo GlobalGAP đang được các thương lái Trung Quốc tranh mua với giá trên 20.000 đ/kg, cao hơn so với mặt bằng chung từ 4-5 nghìn đồng/kg... |