| Hotline: 0983.970.780

Văn Miếu, 1924: Hai con rồng đá biểu hiện cho mĩ thuật đời Thành Thái

Thứ Ba 14/12/2021 , 07:50 (GMT+7)

Đây là ghi chép tỉ mỉ của người du khách đi từ xa đến Văn Miếu, từ ngoài vào trong, từ điểm đầu tiên là lối vào Văn Miếu đến điểm cuối là Khải Miếu.

Loạt bài viết “Trong Văn Miếu Hà Nội có những gì” đăng 12 số trên “Thực nghiệp dân báo” (số đầu tiên ngày 16/8/1924, số cuối cùng ngày 12/9/1924) không ghi tên tác giả bài viết như một tài liệu hồ sơ di tích. Đây là một tư liệu có giá trị để tìm hiểu thêm về Văn Miếu những năm đầu thế kỉ 20.

Văn Miếu đầu thế kỉ XX, nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Tư liệu của EFEO.

Văn Miếu đầu thế kỉ XX, nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Tư liệu của EFEO.

Ngay từ sa-pô, bài viết “Trong Văn Miếu Hà Nội có những gì” đã đặt câu hỏi: “Trong Văn Miếu Hà Nội có những gì? Đó là câu hỏi chung của hầu hết mười mấy vạn dân Hà thành, và có lẽ của cả một số dân lớn ở đất nước này, hàng ngày hoặc đi qua trông thấy, hoặc nghe nói đến một tòa cung điện nguy nga, cổ kính, hùng tráng đứng trấn một góc tây nam ở chỗ Thăng Long cố đô này”, rồi lại có ngay câu trả lời: “Bản báo sẽ lần lượt đem cái nội dung cái ngoại quan Văn Miếu tả lên báo chương, xem trong Văn Miếu có những gì, ngoài Văn Miếu ra sao, để đáp lại câu hỏi chung trên đầu bài đó”.

Loạt bài viết này là một ghi chép tỉ mỉ của người du khách đi từ xa đến Văn Miếu, từ ngoài vào trong, từ điểm đầu tiên là lối vào Văn Miếu đến điểm cuối cùng hành trình là Khải Miếu.

Hình ảnh tổng quan từ ngoài nhìn vào Văn Miếu được tác giả bài viết vẽ ra như một bức tranh buồn khi Văn Miếu Hà Nội đang ở lúc “chợ chiều”: “Ta đi vòng cả mà xem một lượt, thì thấy Văn Miếu phía bắc giáp con đường Hậu giám, phía tây giáp đường xe điện, phía đông giáp phố Cao Đắc Minh (tức phố Văn Miếu ngày nay), phía nam giáp một cái bãi cỏ khá rộng.

Bên con đường Hậu giám có cái hàng nước nhỏ, cái nhà phát vé xe điện, và cái bãi cỏ trên bãi cỏ nào vải lụa, nào áo quần của những nhà thợ nhuộm, thợ giặt đem đến đấy phơi, trắng đen vàng đỏ, sực sỡ đủ mùi. Đứng đấy mà trông vào Văn Miếu thì nào bàng, nào muỗm, nào chuối vài ba khóm, nào đền bốn năm ngôi. Ngói đen rêu xám, đứng chen trong bóng lá xanh rì, thật là một nơi nửa sầm tịch, nửa phồn hoa, cổ sắc thương lương, ánh lại với thời trang rực rỡ.

Đến như bên phố Cao Đắc Minh, cũng có tên là phố Tả giám, thì tuy gọi là phố song chẳng khác gì nhà quê, cũng rào cũng giậu, cũng nhà cửa lơ thơ, phần nhiều làm nghề thợ nhuộm cả. Các nhà trong phố, ra đến cửa là trông thấy Khuê Văn các, Đại thánh môn, thấp thoáng ở dưới có vùng cổ thụ. Bức tường cổ sừng sực chắn ngay trước mặt, hình như bao bọc bao nhiêu những cái hay cái đẹp, cái kì lạ ở trong”.

4 cột trụ biểu – nhìn từ phía trong. Ảnh: Tư liệu của EFEO.

4 cột trụ biểu – nhìn từ phía trong. Ảnh: Tư liệu của EFEO.

Hình ảnh Văn Miếu từ bên ngoài nhìn vào giản dị là 4 cột đồng trụ và 2 tấm bia hạ mã, chen lẫn tiếng tàu điện: “Ta thấy trên bãi có có bốn cột đồng trụ. Hai bên đồng trụ là hai cái bia đình hạ mã, phía trong đồng trụ thì trông lên ba chữ “Văn Miếu môn” sừng sực trên đầu. Lại sang đến phía tây, thì một vùng cỏ ngập đất hoang, trông vào chỉ thấy bóng cây xanh tốt ngất trời, bốn bề lặng lẽ thanh u, trừ tiếng gió trên cây, thỉnh thoảng lại nghe có tiếng xe điện rầm rầm, ấy là hành khách từ Hà Nội đi Hà Đông, hay là từ Hà Đông về Hà Nội vậy”.

Nói về bia hạ mã, nhận xét của tác giả cũng vẫn còn có tính thời sự đến ngày nay: Theo đó, “ngày xưa, lúc nước ta còn theo lối khoa cử cũ, thì chắc chốn này đã là chỗ bao nhiêu người dừng xe xuống ngựa, cụp ô ngả nón, để tỏ lòng kính mến trước cửa đền một bực đại thánh nhân. Tới nay lễ xưa dần mất, lối cũ đã thay, cái đạo ông Khổng, ông Mạnh đã hầu như nhãng mắt vãng lai, thì hàng ngày hành khách vãng lai cứ việc ngang nhiên trong đám bụi hồng, không mấy ai là kẻ còn giữ thói xưa lễ cũ”. Và, theo nhận xét của tác giả, giá trị của bia hạ mã đó “chẳng qua cũng là một cái trong muôn nghìn cái hữu danh vô thực ở xã hội ta mà thôi”.

Lối của vào Văn Miếu, ngoài những chi tiết “đo đạc” di tích như chiều cao, chiều rộng, mô tả màu sơn thì vào thời gian năm 1924, tác giả cho biết, “Chung quanh tường gác cửa giữa, hình như không có ai gìn giữ, cho nên thấy đầy dẫy những vết gạch viết xằng, vừa quốc ngữ vừa chữ Tây, nhảm nhí đểu giả đến cực điểm”.

Tổng thể Văn Miếu đầu thế kỉ XX, nhìn từ trên cao. Ảnh: Tư liệu của EFEO.

Tổng thể Văn Miếu đầu thế kỉ XX, nhìn từ trên cao. Ảnh: Tư liệu của EFEO.

Như vậy, thêm lần nữa khẳng định việc “viết xằng viết bậy” vào di tích Văn Miếu cũng đã từng diễn ra. Chi tiết này cũng tương tự như chi tiết tả các nét chữ viết xằng bậy trên hang đá ở Vịnh Hạ Long mà Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến viết trong bài kí “Chơi Vịnh Hạ Long” đăng trên Nam Phong, số 168 năm 1924. Mới hay, thói xấu viết vẽ bậy lên di tích đã từng có và hiện nay vẫn còn.

Đặc biệt, qua sự mô tả và đánh giá về đôi rồng đá hiện còn ở cổng Văn Miếu của tác giả, chúng ta biết rõ hơn về niên đại của đôi rồng này. Bài báo viết: “Dưới chân thềm cửa giữa, về phía ngoài có đặt hai phiến đá, trên khắc tản vân, về phía trong có đặt hai con rồng đá… Cửa giữa này làm lại từ đời Thành Thái, vậy nên kiểu cách cũng có vẻ mới cả. Hai con rồng đá này, nét khắc tinh xảo lắm, song chỉ là một cái biểu hiện cho mĩ thuật nước nhà về đời Thành Thái mà thôi”.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Hojlund giúp Man.Utd ngược dòng thành công

Man.United giành chiến thắng quan trọng tại lượt trận tiếp theo Europa League 2024/2025 dù bị dẫn trước.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.