Tự kê đơn, tự phối trộn
Xã Yên Phú huyện Yên Mỹ là vùng chuyên canh rau nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên với khoảng hơn 300 ha. Trồng rau trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình ở đây, thậm chí một số đã làm giàu nhờ nó. Dù đã đeo chiếc khẩu trang rất kín loại N95 để phòng Covid-19 nhưng hơi thuốc trên cánh đồng vẫn sộc thẳng vào mũi, đủ làm tôi cảm thấy khó thở và hơi choáng váng. Mùi hăng nồng nặc đó là chỉ dấu thường thấy ở các loại thuốc sâu của Tàu.
Quả đúng như tôi dự đoán, anh Lê Văn Hậu một nông dân 44 tuổi của thôn Lĩnh Thượng xã Yên Phú đang lúi húi bên cái bể nước để phối trộn cả 5 loại thuốc sâu lẫn thuốc bệnh của Việt và của Tàu vào chiếc bình 20 lít loại đeo lưng.
Anh chia sẻ: “Tôi pha loại này 20cc, loại kia 20cc, cộng thêm 1 lọ thuốc sâu Tàu giá 18.000đ/chai vào 1 bình…”. Không kính, không quần áo bảo hộ, chỉ có chiếc khẩu trang mỏng manh ngăn cách anh Hậu với những luồng hơi độc đang phun ra mù mịt từ đầu vòi.
Đang thu hoạch rau cải ở khu vực đồng Vuông của làng Mễ Hạ, xã Yên Phú, khi tôi hỏi chuyện về tình hình sâu bệnh, chị Lê Thị San một nông dân 41 tuổi đã lật những chiếc lá hoe vàng, chỉ cho thấy bên dưới có nhiều vết lấm tấm rồi bảo: “Mùa này bọ nhảy nhiều lắm, tôi phải đánh thuốc vào buổi sáng hoặc buổi tối, lúc lá rau vẫn còn ướt, phun liền tù tì trong 3 ngày thì chúng mới chết. Phun xong rồi thì nghỉ chừng 3-5 ngày, hễ thấy có lại đánh tiếp. Mỗi vụ rau 1 tháng, ngoài thuốc bọ nhảy đánh theo đợt liền tù tì, giá 35.000đ cho 2 bình phun, tôi còn phải đánh thêm 2-3 lần thuốc sâu, giá 55.000đ/bình nữa…”.
Luồn tay qua hàng rào dây kẽm gai của vườn nhãn nhà bên, chị với lấy một cái bao tải cũ, lục tìm trong đó ra những vỏ thuốc mình đã sử dụng, đưa cho tôi xem, giải thích: “Tôi cũng hay dùng các loại thuốc của Tàu, cả chai nhỏ lẫn chai to. Đánh bọ nhảy tôi hay đấu 1/2 gói nốt nhạc (thuốc trừ bệnh sương mai có tên là Melody do Việt Nam phân phối có hình nốt nhạc - PV) với 1 gói thuốc bọ nhảy Tàu giá 11.000đ và 1 nắp của chai thuốc “cua” (thuốc trừ sâu có tên là Alfacua của Việt Nam - PV) nữa cho 1 bình 18 lít thì chúng mới chết được. Ngoài thuốc bọ nhảy Tàu tôi còn dùng thuốc sâu tơ Tàu, giá 18.000đ/lọ (“lọ bác sĩ” do dân nhìn thấy trên vỏ chai có người mặc bộ quần áo màu trắng - PV)”.
Nếu như việc phun thuốc trừ sâu cho hoa ở huyện Văn Giang thường chỉ dành cho cánh đàn ông bởi mỗi buổi cần phải đánh hết cả thùng phuy 100-200 lít thì việc phun thuốc trừ sâu cho rau ở huyện Yên Mỹ lại chủ yếu là đàn bà vì họ có thể đeo bình 18-20 lít len lỏi khắp mọi nơi dù đồng cao hay là đồng thấp.
Cứ thấy nhiều sâu là phun
Trong một buổi sáng mưa phùn mù mịt tôi cùng với các cán bộ của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) xuống vùng chuyên canh rau màu của xã Nguyên Giáp để thị sát tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lậu. Đang vào cuối vụ nên bà con hối hả thu hoạch nốt chỗ bắp cải còn lại với giá bán rất rẻ mạt để chuyển sang vụ dưa hấu. Chỉ vài bước chân là chúng tôi có thể thấy những cái vỏ, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật vứt đầy trên bờ, dưới ruộng của đội 4, thôn An Thổ.
Trên một thửa ruộng như thế chúng tôi đếm sơ qua trong đó có gần 10 lọ thuốc bảo vệ thực vật lậu, chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái một chút, toàn là chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt hay nhà phân phối gì cả. Bà con ở đây quen gọi đó là thuốc trị sâu tơ Tàu. Một nông dân có tên là Đồng Viết Đoàn cho biết đó là ruộng rau nhà bà Th: “Tôi không dùng thuốc Tàu, giờ bà con cũng ít người dùng do chúng chỉ hiệu quả thời gian đầu, về sau sâu kháng lại, không có mấy người mua đại lý cũng không bán nữa. Thuốc Tàu hay thuốc ta cũng phải đảo liên tục để sâu đỡ kháng thuốc”.
Một nông dân khác, xin được giấu tên cho tôi hay: “Cứ thấy nhiều sâu là chúng tôi đánh bừa đi, đại lý bảo dùng gì thì mua nấy. Rau cứ 3-4 ngày bơm 1 lần thuốc. Đợt trước tôi trồng su hào có đánh thuốc Tàu nhưng vụ này trồng bắp cải thì không. Giờ, bà con cũng nhiều người đánh thuốc sinh học nhưng nếu sâu rộ quá thì vẫn phải phun 1 lượt thuốc Tàu dù biết khi dùng mình cũng bị hại”.
Cứ đi hai ba thửa ruộng chúng tôi lại thấy những vỏ lọ sâu tơ Tàu, cả mới lẫn cũ bị vứt lung tung hay nằm trong thùng chứa, chứng tỏ độ phổ biến của nó. Thỉnh thoảng, cũng thấy một vỏ bao thuốc chuột Tàu nằm vương vãi ở đâu đó. Xưa, từng có những loại thuốc chuột Tàu dạng lỏng, chứa trong lọ như cái ống tiêm, độc đến mức chuột ăn vào chết, chó, mèo ăn chuột vào ốm khật khừ, người nếu ăn thịt chó, mèo vào dù đi cấp cứu vẫn nguy hiểm đến tính mạng bởi không có thuốc giải do không rõ hoạt chất cụ thể là gì…
Rời Nguyên Giáp tôi đến xã Gia Xuyên- một vùng chuyên canh rau, màu của huyện Gia Lộc trước đây, nay là TP Hải Dương, mỗi vụ sản xuất từ 150-170 ha. Trên cánh đồng thôn Tằng Hạ, anh nông dân có tên là Vũ Văn Thuấn nhặt đưa tôi một vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật đã bị bóc trắng nhãn mác, nói là của Tàu, có giá bán 180.000đ/lọ, phun được 8 bình.
Nhà anh có mấy sào ruộng, mỗi năm trồng 2 vụ bắp cải và 1 vụ ngô: “Thuốc bảo vệ thực vật sinh học bà con dùng ít vì phun phòng thì tốt nhưng nếu đã có sâu mới phun thì lại hỏng. Nếu thời tiết thuận lợi tôi 1 tuần sẽ phun thuốc 1 lần, do vừa hết thuốc Tàu nên phải dùng thuốc ta”. Cạnh ruộng bắp cải nhà anh Thuấn tôi thấy các bờ vùng, bờ thửa cỏ cháy rạp như có người đổ nước sôi lên. “Họ phun thuốc cỏ cháy đấy, khi cỏ nhiều thì phải phun chứ để nó sẽ ăn hết phân. Ai có thời gian để làm cỏ bằng tay như trước đâu nên phun xong cỏ cháy để thời gian còn đi làm việc khác, chứ làm vài sào ruộng thu nhập chẳng đáng là bao”, anh Thuấn phân trần.
Hầu hết dân làng giờ không còn ai chịu rẫy cỏ bằng tay nữa mà đều dùng thuốc trừ cỏ với hai loại phổ biến là tiền nảy mầm và cỏ cháy. Thuốc trừ cỏ phun trên những luống rau, phun tràn ven đường đi lối lại, phun trải ở các bờ vùng, bờ thửa. Đâu đâu tôi cũng thấy những vạt cỏ héo rũ, khô táp lại như rơm, cảm giác chỉ cần châm một mồi lửa là có thể bùng cháy ngay được.
Không có gì khó khăn khi ở bất cứ bờ vùng, bờ thửa nào tôi cũng có thể dễ dàng tìm thấy một vài lọ thuốc bảo vệ thực vật Tàu vứt lăn lóc, còn trong những cái bể xi măng được xây để chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật thì chúng có khá nhiều. Tôi dùng que lật giở những chiếc vỏ lọ bị đốt cháy nham nhở ra, vẫn thấy đầy những nét chữ Tàu ngang, dọc. Cứ mỗi lần dùng xong, nông dân thường vứt vỏ bao thuốc sâu ra bể chứ rồi lâu lâu lại đốt chứ chẳng có cơ quan nào thu gom.
Một phụ nữ xin được giấu tên, cho hay: “Chỉ có hai vợ chồng tôi làm nông thôi chứ con cái cũng chẳng đứa nào muốn làm nghề giống bố mẹ vừa mệt nhọc lại còn độc hại. Tí nữa mát, chồng tôi sẽ đánh cỏ cháy cho đám đất không để chuẩn bị gieo trồng, xong sẽ tráng bình để đánh thuốc sâu cho ruộng rau cải. Thuốc Việt đánh các hàng nhẹ nhẹ thường không chết được bọ nhảy, được sâu đâu còn thuốc Tàu các hàng nặng nặng, mùi kinh lắm nhưng không thế thì không giữ được cái rau mà ăn, mà bán vì sâu bệnh giờ quá nhiều”.
Dần về chiều, dòng người đổ ra đồng để đánh thuốc mỗi lúc một đông bởi bây giờ các hoạt chất sẽ tránh được ánh nắng ban ngày, hiệu quả hơn. Nhà này đánh, nhà kia đánh khiến cho những thửa ruộng của làng chẳng mấy chốc trở nên mịt mờ. Làn sương độc ấy dần loang ra, che phủ lên hình hài của chính những người nông dân đang lụi cụi với cái bình nặng trĩu trên vai.