| Hotline: 0983.970.780

Thuốc bảo vệ thực vật lậu - Gióng tiếp hồi chuông cảnh báo

Mỗi lần 'đánh' thuốc phải từng thùng phuy

Thứ Ba 08/03/2022 , 09:20 (GMT+7)

Ở thủ phủ hoa, cây cảnh của huyện Văn Giang (Hưng Yên), thuốc sâu lậu được người dân pha ra, đánh không phải là từng bình mà từng thùng phuy 100 - 200 lít.

Ông Bình đưa cho tôi xem lọ thuốc trị nhện 'bóng đèn' của Trung Quốc, nhập lậu (lọ bên trái). Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Bình đưa cho tôi xem lọ thuốc trị nhện "bóng đèn" của Trung Quốc, nhập lậu (lọ bên trái). Ảnh: Dương Đình Tường.

Thuốc mát, đánh tăng tí không tốn thêm là bao

Vợ chồng ông Phan Văn Bình có 4 sào hoa hồng trồng chậu trong đó 2 sào ở khu Khúc Cá - nơi những nhà vườn san sát nhau, giao thương rất sầm uất của xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông bà trồng cả giống hồng ngoại lẫn hồng nội, bán quanh năm ngày tháng chứ chẳng có mùa nào cụ thể. “Hoa hồng rất khó làm, mùa nào cũng có bệnh, sương (sương mai) đánh định kỳ 10 ngày 1 lần, còn bệnh thì mùa hè khác mùa đông. Mùa hè phải đánh trĩ (bọ trĩ), rệp sáp, cộng sương còn mùa đông đánh nhện (nhện đỏ). Bệnh nào cũng khó, đánh mà không chết thì chúng sẽ ăn hết ngay”.

Bài liên quan

Vừa nói ông Bình vừa dẫn tôi vào căn chòi dựng ngay giữa vườn, giở ra những cái túi nylon, thùng nhựa đựng đầy các bao, lọ thuốc bảo vệ thực vật đang dùng dở hay còn mới nguyên rồi giải thích tiếp: “Thuốc tôi dùng nhiều loại, chẳng giấu gì, phải đổi liên tục giữa hàng Việt và hàng Tàu để đỡ bị nhờn. Đây là thuốc trị nhện của Việt, đây là thuốc trị nhện của Trung Quốc. Hàng này xách tay không mác (dân vẫn gọi là thuốc bóng đèn vì có hình cái bóng đèn, lọ tròn - PV) có giá 670.000 đồng/lọ. Còn đây là thuốc trị nhện cũng hàng Tàu của năm ngoái, lọ vuông, giá 800.000 đồng/lọ, hiệu quả hơn nhưng giờ tôi muốn mua mà không có.

Tôi mua thuốc cả ở trong vùng lẫn ở xa, có lần đi xe máy lên tận huyện Mê Linh của TP Hà Nội để mua, tiện có khi mua 10 chai một lần. Mỗi lọ bóng đèn đánh được 15 bình (18 lít/bình), mỗi tháng dùng 2 lọ trong suốt mùa nhện từ tháng 7 năm nay đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Tôi toàn đánh cộng (phối giữa các loại thuốc với nhau cho đỡ tốn công và tăng hiệu quả - PV), hễ nhìn thấy không chết mấy là phải đảo thuốc ngay. Chi phí thuốc cho 4 sào hoa của nhà mỗi năm phải cỡ mấy chục triệu…”.

Ở đây nông dân có được tập huấn gì không? Tôi hỏi. Ông trả lời ngay: “Tôi năm nay 60 tuổi, trước kia trồng lúa, giờ chuyển sang hoa được 10 năm nay cũng chẳng bao giờ đi tập huấn gì cả. Đánh thuốc thì cứ định kỳ mỗi tháng 3 - 4 lần, mỗi lần hết 1 thùng phuy 200 lít, chưa nói đến đánh kép (đánh tổng hợp). Giờ đây chúng tôi toàn dùng thùng hàng trăm lít, phun bằng máy chứ không ai còn đeo bình 18 - 20 lít trên vai mà đi phun nữa.

Cận cảnh lọ thuốc trị nhện 'bóng đèn' của Trung Quốc được nhập lậu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh lọ thuốc trị nhện "bóng đèn" của Trung Quốc được nhập lậu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hai vợ chồng tự làm mọi công đoạn, mỗi năm ăn tiêu rồi thì cũng chỉ để ra được khoảng 50 triệu. Nếu cho thuê đất có khi còn hơn vì 2 sào ruộng ở đây mặt bằng đẹp cho thuê được 80 triệu/năm, còn 2 sào ruộng ở xa cũng cho thuê được 16 triệu/năm nhưng chúng tôi vẫn muốn lao động. Đến khi nào già, yếu quá không làm được thì mới cho thuê đất chứ con chúng cũng chẳng muốn làm nông bởi vất vả quanh năm.

Mỗi lần đánh thuốc xong tôi thấy sợ vì tức ngực, khó thở, phải nghỉ mất một hôm. Cố hết thôi chứ biết là độc vì thuốc toàn loại nặng! Ngay nhà hàng xóm đây, 3 ngày đã phải phun thuốc 1 lần, hễ phun xong thấy nhện còn bò lổm nhổm lại phải đánh tiếp”.

Ông Bình: 'Loại hộp vuông này của Trung Quốc, tôi dùng năm ngoái, tốt hơn nhưng giờ không mua được'. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Ông Bình: "Loại hộp vuông này của Trung Quốc, tôi dùng năm ngoái, tốt hơn nhưng giờ không mua được". Ảnh: Dương Đình Tường. 

Cùng ở khu Khúc Cá, cách đó chỉ đôi chục bước chân là vườn hoa hồng của anh Phan Văn Tuấn, năm nay 52 tuổi. Anh có 5 sào hoa trồng ở 3 nơi, đều là hàng chậu. Hỏi chuyện đánh thuốc cho cây, anh vào lán lấy ra ngay một cặp thuốc toàn chữ Tàu, không có một dòng hướng dẫn bằng tiếng Việt hay đơn vị nhập khẩu, phân phối nào cả rồi bảo: “Đây là hàng công nghệ cao đấy! Hồng là cần dùng nhiều thuốc nhất, mỗi tuần tôi phải xử lý thuốc 1 lần, pha ra thùng phuy 160 lít rồi phun cho nhanh. Cứ bệnh gì thì đánh thuốc đấy, mùa này sắp hết nhện lại quay sang trĩ.

Toàn dùng thuốc Tàu là chính, người ta bảo đánh thuốc Tàu mệt, chắc do loại nào đó thôi chứ tôi đang đánh cũng không thấy mệt mấy. Tôi tiếp cận thuốc Tàu được khoảng 3 năm nay, hồi đầu tiên bóng đèn có giá 1,1 triệu/lọ tôi có dùng nhưng giờ chán rồi, chỉ dùng loại cặp mini của Tàu này thôi, rất chuẩn. Mỗi cặp đánh được 6 bình (tương đương 100 lít), 1 lần đánh được có khi sạch gần 2 tuần.

Thuốc tôi lấy ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội, mỗi lần cả 20 cặp, giá 185.000 đồng/cặp, đó là đã lên giá rồi chứ trước thì rẻ hơn. Khách quen rồi, mình không lên lấy thì họ lại gửi theo những người trên đó về đây lấy cây hay gửi theo đường bưu điện”.

Anh Tuấn chỉ hộp thuốc cặp trị nhện của Trung Quốc, nhập lậu (hộp màu vàng, bên ngoài cùng, phía phải). Ảnh: Dương Đình Tường. 

Anh Tuấn chỉ hộp thuốc cặp trị nhện của Trung Quốc, nhập lậu (hộp màu vàng, bên ngoài cùng, phía phải). Ảnh: Dương Đình Tường. 

Tại sao anh phải đi xa để lấy thuốc như thế? Tôi hỏi. Anh Tuấn đáp: “Ở đây không có hàng này, nếu có thì lại nóng nên đánh hơi quá tí là táp lá, xoăn lá, hỏng cây, mất không hơn 1 tháng. Thường tôi đánh nhện cộng với sương (thuốc trị nhện và sương mai - PV). Đại lý hướng dẫn chỉ pha 15 cc/bình nhưng tôi toàn cho 17cc.

Mình đánh tăng tí không tốn thêm bao nhiêu, đỡ mất công, còn đánh nhẹ nhện không chết hẳn lại phải hay đánh. Tự nhân giống, tự làm cỏ, tự phun thuốc, tự làm hết, trước với 5 sào này tôi lãi được cỡ 400 triệu/năm nhưng 2 năm nay, hoa hồng tiêu thụ chậm nên chỉ được 100 triệu thôi”.

Dùng phần mềm dịch trên điện thoại, tôi soi vào mấy chữ tiếng Trung Quốc trên chai thuốc lậu của anh Tuấn thì ra là hoạt chất Bifenazate chuyên để trừ nhện, có hàm lượng 43% trong khi loại của Việt Nam chỉ khoảng 24%. Nhưng thuốc cặp Tàu không bao giờ được dùng đơn lẻ mà phải phối kép với lọ thuốc Tàu còn lại là hoạt chất Abamectin.

Cận cảnh cặp thuốc trị nhện Tàu, nhập lậu mà anh Tuấn đang sử dụng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh cặp thuốc trị nhện Tàu, nhập lậu mà anh Tuấn đang sử dụng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cho tiền mỗi buổi tập huấn 50.000 đồng nông dân cũng không đi

Tôi sang nhà vườn lớn hơn của anh Lê Văn Triều cũng ở khu Khúc Cá. Anh cho biết mình có thâm niên 7 năm trong nghề với 2,5 mẫu hoa hồng trồng ở 2 địa điểm. Mỗi sào hoa trước đây cho thu nhập 50 - 70 triệu/năm nhưng giờ đây chỉ còn được 30 - 40 triệu trong khi giá thuê đất mỗi năm lại tăng 1 lần.

Trực tiếp anh Triều phun thuốc còn vợ thì chuyên tâm bán hàng. Khác với 2 hộ quy mô nhỏ kia, anh không để thuốc và bình phun ở lán mà mỗi lần cần dùng mới kéo đến, vườn nhỏ đánh mất hơn 1 tiếng, vườn lớn đánh mất 4 tiếng. Vì không có bao bì thuốc để ở đây nên tôi phải đưa ảnh cặp thuốc nhện Tàu của anh Tuấn cho xem, anh Triều xác nhận đúng là loại mình đang dùng.

“Mùa này phải trị nhện và sương. Tôi đánh cả hàng trong nước và hàng cặp của Trung Quốc, loại mua 200.000 đồng/cặp, mỗi lần phun 3 cặp, mỗi tháng phun 3 lần. Thấy người ta đánh có hiệu quả thì mình đánh theo thôi. Lần thì tôi mua gần ở chợ hoa của huyện Mê Linh, TP Hà Nội, cũng chẳng nhớ tên đại lý, lần thì nhờ người quen mua rồi ship grab về. Mua cỡ 5 triệu cũng được bớt cỡ vài chục ngàn...”.

Công thức đánh nhện của anh Tuấn là 2 lọ của Trung Quốc, 1 lọ của Việt pha vào nhau. Ảnh: Dương Đình Tường.

Công thức đánh nhện của anh Tuấn là 2 lọ của Trung Quốc, 1 lọ của Việt pha vào nhau. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi đi 4 vườn ở xã Xuân Quan thì 3 nhà nói có sử dụng thuốc Tàu như vậy. Mang thực trạng ngổn ngang đó, tôi gặp anh Chu Xuân Huy - Phó Trạm trưởng Phụ trách Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Văn Giang. Anh phân tích:

“Chúng tôi chỉ là cơ quan điều tra tình hình sâu bệnh rồi tham mưu cho UBND huyện để ra thông báo phòng trừ, báo cáo cho Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, còn quản lý thuốc bảo vệ thực vật thì chỉ liên quan mà thôi, đúng hơn đó thuộc về trách nhiệm của quản lý thị trường. Trên địa bàn huyện Văn Giang hiện có 68 cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, trước chúng tôi có thể đi kiểm tra, thanh tra, nay không có quyền như thế, muốn thanh tra phải thành lập đoàn liên ngành gồm cả quản lý thị trường, công an.

Cách đây 4 - 5 năm chúng tôi có thấy bán thuốc sâu Tàu (lậu), có xử phạt hành chính. Năm ngoái không đi kiểm tra được do dịch Covid-19 còn năm nay thì chưa. Tôi không thể ước được chính xác lượng thuốc bảo vệ thực vật đang sử dụng trên địa bàn huyện vì có nhiều nguồn nhập về. Chỉ biết với diện tích hoa, cây cảnh rất lớn trong đó hoa hồng là dùng nhiều thuốc nhất, có cả thuốc lậu của Trung Quốc.

Tưới nước cho hoa hồng ở Xuân Quan-thứ hoa sử dụng nhiều thuốc sâu, thuốc bệnh nhất hiện nay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tưới nước cho hoa hồng ở Xuân Quan-thứ hoa sử dụng nhiều thuốc sâu, thuốc bệnh nhất hiện nay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tại sao nông dân dùng thuốc Tàu nhiều? Theo tôi thứ nhất là người ta truyền tai nhau dùng, như nông dân ở đây hay đi sang huyện Mê Linh, TP Hà Nội, thấy mách gì thì về sử dụng. Thứ hai là dùng thuốc Tàu thấy hiệu quả trực tiếp (nhanh). Với riêng đối tượng nhện tại các vườn trồng hoa hồng, theo tôi ước có khoảng 50% là đang dùng thuốc Tàu bởi bản chất của nhện là kháng thuốc rất nhanh.

Quản lý chuyện người dân dùng thuốc Tàu còn khó hơn nhiều quản lý việc các đại lý lén lút bán thuốc Tàu. Mỗi năm chúng tôi đều mở 3 - 4 lớp tập huấn từ kinh phí của Chi cục Bảo vệ Thực vật, mỗi lớp chỉ 50 - 70 người. Tổ chức lớp tập huấn trên địa bàn vùng trồng lúa còn dễ chứ vùng đã chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh nhiều như huyện Văn Giang, ngày công lao động toàn 500.000 đồng, trong khi đi tập huấn được 50.000 đồng/buổi thì người ta không đi đâu.

Năm ngoái chúng tôi phải phối hợp với Hội Nông dân, mỗi thôn cử ra 5 - 7 người đi tập huấn, trong đó những số thực sự làm ruộng chắc chỉ cỡ 50%, còn lại cứ điều được ai thì đi thôi. Người già làm nông có tâm lý phòng còn hơn chữa bệnh nên cứ phun thuốc cho cây định kỳ chứ người trẻ cũng tiến bộ lắm, họ còn biết tra ra những hoạt chất mình đang sử dụng". 

Tôi rời Văn Giang, qua chiếc cổng chào với hàng cờ rực rỡ, dưới có dòng chữ “Đảng bộ và nhân dân huyện Văn Giang quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, hiện đại” để sang huyện bạn chuyên trồng rau, Yên Mỹ.

"Muốn giảm thiểu được thuốc bảo vệ thực vật lậu tràn về đây, theo tôi phải quản lý chặt ngay từ các cửa khẩu, biên giới và xử phạt thật nặng các đại lý bán thuốc lậu…”, anh Chu Xuân Huy - Phó Trạm trưởng Phụ trách Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Văn Giang. 

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm