| Hotline: 0983.970.780

Vấn nạn tận diệt thủy sản: [Bài 3] Phát huy sức mạnh tổ cộng đồng

Thứ Sáu 22/03/2024 , 10:02 (GMT+7)

Bình Phước có rất nhiều sông, suối, đầm, hồ... với nguồn thủy sản phong phú. Bằng nhiều giải pháp, ý thức người dân được nâng lên và 'nói không' với phương thức đánh bắt tận diệt.

Bình Phước không giáp biển nhưng có rất nhiều sông, hồ... với nguồn thủy sản phong phú. Ảnh: Trần Trung.

Bình Phước không giáp biển nhưng có rất nhiều sông, hồ... với nguồn thủy sản phong phú. Ảnh: Trần Trung.

Canh tác bền vững

Bình Phước có 75 con sông lớn, nhỏ có chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 3 con sông lớn là Sài Gòn, Đồng Nai và sông Bé cùng hệ thống kênh mương, lòng suối. Ngoài ra, tỉnh còn có 3 hồ thủy điện là Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng cùng 60 hồ chứa của các công trình thủy điện, thủy lợi. Nhờ lợi thế này, Bình Phước có nguồn lợi thuỷ sản ngoài tự nhiên tương đối dồi dào.

Trước đây, cứ đến mùa khô, khi các đầm, sông, hồ nước cạn dần cũng là lúc đánh bắt cá bằng xung điện diễn ra khá phổ biến. Theo người dân, chỉ cần bỏ ra từ 2,5-5 triệu đồng, tùy công suất là có ngay 1 bộ kích.

Loại kích này dùng bình ắc quy từ 12-24V và chế thêm bộ kích điện để tăng dòng điện có công suất đến 400W. Khi trúng luồng điện, các loài sinh vật sống trong nước như lươn, ếch và cá có trọng lượng vài kg cũng phải nổi lên. Nhiều người còn sắm bộ kích trị giá 10 triệu đồng, loại có phạm vi sát thương từ 6-8m2. Việc sử dụng kích điện không chỉ tận diệt thủy sản còn để lại nhiều mối nguy, nếu sảy chân, trượt tay, người đi kích dễ dàng bị giật tại chỗ, có thể dẫn tới tử vong.

Để hạn chế tình trạng này, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước đã tích cực phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn đi thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, phổ biến Luật Thủy sản và các văn bản quy định cấm sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại để khai thác thủy sản. Thêm vào đó, khuyến khích ngư dân nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Nhờ vậy, ý thức người dân dần chuyển biến tích cực, từng bước “nói không” với các phương thức đánh bắt tận diệt.

Anh Nguyễn Văn Lời chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Văn Lời chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Ảnh: Trần Trung.

Gia đình anh Nguyễn Văn Lời tại xóm Việt kiều thuộc xã Đức Hạnh (huyện Bù Gia Mập) chủ yếu mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên hồ Thác Mơ. Trước đây, khi thấy kích điện dễ ăn, một đêm thậm chí có thể thu nhập cả triệu đồng nên anh cũng trang bị cho mình một bộ. Tuy nhiên, anh cũng đã suy nghĩ lại khi chứng kiến cảnh tàn sát thủy sản vô tội vạ, chưa kể do hám lợi, nhiều người đầu tư công suất lớn rồi không kiểm soát được dòng điện, tai nạn dẫn đến mất mạng.

Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, anh đã từ bỏ kích điện, chuyển sang nuôi lồng bè, chủ yếu nuôi cá lăng vàng, lăng nha, cá lóc... Nhờ vậy, gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định hơn trước.

Tương tự, tại lòng hồ thủy điện Cần Đơn từng là điểm nóng khai thác tận diệt, nhờ tuyên truyền vận động, đến nay, hình ảnh đánh bắt tận diệt không còn xuất hiện, thay vào đó là những làng nuôi cá lồng bè. Hiện các làng cá quy tụ hơn 100 hộ. Bên cạnh các loại cá truyền thống như diêu hồng, thời gian gần đây, nhiều bà con đã mạnh dạn chuyển sang nuôi cá lăng, từ đó đem lại thu nhập khá.

Người dân nuôi cá lồng bè trên hồ Cần Đơn. Ảnh: Trần Trung.

Người dân nuôi cá lồng bè trên hồ Cần Đơn. Ảnh: Trần Trung.

Là một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi từ đánh bắt trên lòng hồ Cần Đơn sang nuôi trồng, ông Lê Văn Lũy cho biết, để giảm chi phí sản xuất, vào ban đêm, bà con thường dùng đèn năng lượng treo trên vó giữa lòng hồ để thu hút nhiều côn trùng đậu xung quanh và dẫn dụ các loại cá nhỏ như cá sơn, lòng tong, tép... mắc bẫy.  Đây là nguồn thức ăn ưa thích của cá lăng, từ đó, giúp cá nhanh lớn, chắc thịt, bán được giá cao.

“Nhờ liên kết với các nhà hàng trong vùng, cá sản xuất tới đâu đều được nhà hàng đến tận nơi thu mua, thậm chí cọc tiền trước để đặt hàng, kinh tế đổi thay thấy rõ”, ông Lũy nói.

Không chỉ anh Nguyễn Văn Lời hay ông Lê Văn Lũy, nhiều ngư dân tại Bình Phước đã có cuộc sống ổn định hơn nhờ chuyển đổi phương thức nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.

Phát huy sức mạnh tổ cộng đồng

Xác định cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản, ngay từ rất sớm, Bình Phước đã chủ động xây dựng các tổ nghề cá cộng đồng. Chính nhờ các tổ chức cộng đồng này mà các đối tượng khai thác theo kiểu tận diệt e dè hơn, nạn khai thác tận diệt từng bước bị đẩy lùi, nguồn lợi thủy sản từng bước được tái tạo.

Tổ nghề cá Bình Phước thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Trần Trung.

Tổ nghề cá Bình Phước thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Trần Trung.

Được thành lập từ những năm 2002, tổ nghề cá Long Hưng, huyện Phú Riềng là một trong những tổ nghề cá tiêu biểu của tỉnh Bình Phước. Tổ trưởng Nguyễn Văn Quân cho biết, trên tinh thần tập hợp những thành viên cùng chí hướng, chung quyền lợi để cùng khai thác, quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ Long Hưng, sau khi quy tụ, hiện tổ có 22 thành viên, tất cả các thành viên đều đoàn kết, trách nhiệm.

Tổ cũng chủ động liên hệ với nhà chùa hướng dẫn thả cá phóng sinh sao cho phù hợp, không gây hại cho nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong hồ. Đồng thời, hằng năm đóng quỹ mua cá giống thả bổ sung để duy trì nguồn lợi thủy sản. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống thành viên, bảo vệ an ninh khu vực lòng hồ.

Tổ nghề cá Long Hưng phổ biến Luật Thủy sản cho các thành viên. Ảnh: Trần Trung.

Tổ nghề cá Long Hưng phổ biến Luật Thủy sản cho các thành viên. Ảnh: Trần Trung.

“Chính vì đoàn kết, đồng thuận và hoạt động tuân thủ quy định nên nguồn lợi thủy sản ở hồ chứa Long Hưng luôn phát triển ổn định. Trong năm 2023, tổ khai thác được hơn 4 tấn cá các loại, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của các thành viên”, anh Quân phấn khởi cho biết.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, tỉnh hiện có 16 tổ nghề cá cộng đồng quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản với khoảng 1.000 lao động hoạt động về nuôi và khai thác thủy sản trên các hồ chứa. 

Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước hỗ trợ cá giống cho người dân địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước hỗ trợ cá giống cho người dân địa phương. Ảnh: Trần Trung.

“Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đang tập trung chương trình, dự án nhằm hỗ trợ các làng bè, tăng cường hỗ trợ phát triển nguồn lợi thủy sản, mô hình tổ nghề nuôi cá lồng bè theo hướng liên kết sản xuất từ khâu cung ứng con giống, nuôi thương phẩm đến thu mua, tiêu thụ sản phẩm, góp phần ổn định, cải thiện thu nhập cho ngư dân”, ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, chia sẻ.

Theo Chương trình phát triển thủy sản tầm nhìn đến năm 2030 do UBND tỉnh Bình Phước vừa phê duyệt, để hỗ trợ các tổ nghề cá hoạt động hiệu lực, hiệu quả, UBND tỉnh giao ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý nghề cá cho ban chủ nhiệm và các thành viên trong tổ nghề cá. Đồng thời, tham mưu hỗ trợ một phần kinh phí để tổ nghề cá mua các ngư cự hợp pháp, phát triển thủy sản, tăng thu nhập cho người dân…

Xem thêm
Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.