Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Trần Thanh Nam tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản ngày 8/5, Văn phòng SPS Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5/2022 là: Phối hợp các đơn vị tổ chức tập huấn, xây dựng chương trình truyền thông về các cam kết SPS trong hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Lệnh 248 và 249.
Đồng thời, Văn phòng chọn 7 tỉnh để triển khai tập huấn. Đây đều là những khu vực trọng điểm về nông nghiệp, gồm: Bắc Giang, Sơn La, Gia Lai, Bình Phước, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau.
Trong số các địa phương này, Bắc Giang chuẩn bị vào vụ thu hoạch vải thiều (từ cuối tháng 5); Sơn La thu hoạch mận, xoài. Các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng đang và sắp vào vụ thu hoạch mít, xoài, sầu riêng.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, do thời gian thu hoạch mỗi loại nông sản diễn ra ngắn (khoảng hai tháng), địa phương cần chủ động lên kế hoạch xúc tiến, tiêu thụ ngay từ đầu vụ.
"Thị trường chính của nông sản Việt vẫn là Trung Quốc. Chúng ta cần tìm cách thích ứng với những quy định mới của Bạn, trong đó có Lệnh 248, Lệnh 249. Đây cũng một cách để nông sản nước ta tiếp cận với những thị trường như Mỹ, châu Âu", ông Nam chia sẻ.
Song song với phối hợp địa phương, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục làm việc với Văn phòng Chính phủ về tiến độ trình Thủ tướng Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định SPS của WTO và cam kết SPS trong các FTAs”.
Cùng với đó, Văn phòng triển khai tiếp Thông báo số 864/TB-BNN-VP về Lệnh 248. Trên cơ sở này, SPS Việt Nam sẽ phối hợp các Cục, Vụ chuyên môn của Bộ NN-PTNT, giúp doanh nghiệp thông quan tại các cửa khẩu.
Trước đó, vào ngày 19/4, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, ông Lê Thanh Hòa ký Công văn số 101/SPS-BNNPTNT gửi UBND các tỉnh, thành phố, Sở NN-PTNT, Sở Công thương, cùng các hiệp hội, ngành hàng.
Trong công văn, Văn phòng SPS chỉ rõ 5 đầu mối đăng ký 18 nhóm mặt hàng thực phẩm xuất khẩu, được Trung Quốc quy định, là: Cục Bảo vệ thực vật; Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản; Cục Thú y (Bộ NN-PTNT); Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương).
Tính đến ngày 8/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 2.069 mã sản phẩm của 1.993 doanh nghiệp. Trong đó có 1.127 doanh nghiệp do 5 cơ quan thẩm quyền của Việt Nam giới thiệu, 866 doanh nghiệp tự đăng ký.
Đặc biệt, Văn phòng SPS Việt Nam đã hỗ trợ 29 doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị giúp đỡ liên quan đến đăng ký xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; phân loại, tổng hợp thông tin của 60 doanh nghiệp tự đăng ký mã sản phẩm trực tuyến và gửi Hải quan Trung Quốc.
Nhằm đảm bảo thông tin thông suốt và tăng cường tính kết nối với địa phương, doanh nghiệp, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Văn phòng Bộ NN-PTNT mở luồng văn bản văn phòng điện tử liên thông cho SPS Việt Nam.