| Hotline: 0983.970.780

Về nơi làng hóa... ốc đảo

Thứ Ba 30/07/2024 , 07:10 (GMT+7)

Nước sông Bùi lên nhanh đã nhấn chìm gần 500 hộ dân tại xã Tân Tiến. Giao thông bị chia cắt, thiếu điện, nguồn nước bị ô nhiễm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.

Nước nổi làng chìm

Lũ kết hợp cùng hoàn lưu bão số 2 gây mưa lớn kéo dài, điều này đã khiến cho nước sông Bùi lên nhanh, nhấn chìm nhiều xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) như các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ. Nhiều địa bàn đã bị cô lập, làng mạc và nhiều công trình di tích chìm trong biển nước.

Nước tràn qua đê, chảy thẳng vào làng. Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp chìm trong biển nước. Nhiều đoạn đường giao thông huyết mạch đã bị chia cắt, thuyền trở thành phương tiện di chuyển chính của người dân tại đây. Khu vực cổng làng nối ra đường lớn bất đắc dĩ trở thành những bến đò khi người dân neo đậu thuyền để tiếp tục đi làm, đi chợ…

Thuyền trở thành phương tiện di chuyển chính của người dân xã Tân Tiến. Ảnh: Minh Toàn.

Thuyền trở thành phương tiện di chuyển chính của người dân xã Tân Tiến. Ảnh: Minh Toàn.

Trên địa bàn xã Tân Tiến có nhiều khu vực đường đi ngập sâu đến 2m, đặc biệt khu vực đồng ruộng đã ngập sâu từ 4-5m. Cá biệt có những nơi, nước lên gần chạm đường dây điện ba pha. Nước lên cao nguy cơ đuối nước, mất an toàn về đường điện luôn tiềm ẩn, đe dọa sự an toàn của bà con khi di chuyển qua những khu vực này.

Người dân ở Tân Tiến hay đùa vui với nhau rằng “ngập có kế hoạch” bởi vậy, từ kinh nghiệm qua các trận lụt trước, phần lớn người dân khi xây dựng nhà cửa đều đã nâng cao phần nền nhà và sân nhà. Tuy nhiên chỉ như vậy là không đủ để ngăn lũ. Nước ngập qua sân, tràn vào nhà. Mọi sinh hoạt đều diễn ra dưới dòng nước lũ. Cá biệt có nhiều hộ gia đình nước ngập đến nửa nhà. Người đi sơ tán nhưng đồ đạc thì đành ngâm nước.

Xã Tân Tiến chìm trong biển nước. Ảnh: Minh Toàn.

Xã Tân Tiến chìm trong biển nước. Ảnh: Minh Toàn.

Động vật có khả năng di chuyển được lên những vùng cao hơn nhưng diện tích sản xuất nông nghiệp như lúa, hoa màu, cây ăn quả hay hoạt động nuôi trồng, chăn nuôi thủy sản thì chịu. Anh Nguyễn Trọng Lợi (41 tuổi, Xã Tân Tiến) cho biết: “Gà thì bây giờ ở tất trên mái nhà ấy, vịt thì lùa vào nhà kho cũ, quây lại không là bơi đi hết…”.

Chất thải từ gà, vịt, rác thải sinh hoạt…nổi lềnh bềnh theo dòng lũ. Xác chết của gà, cá, vịt theo dòng lũ trôi khắp đường làng ngõ xóm. Mỗi buổi sáng, người dân đều phải thu gom rác thải tại khu vực mình sống để tránh ô nhiễm. Tuy nhiên, việc ô nhiễm dòng nước là điều khó tránh khỏi, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho bà con.

Chưa hết ngập những nhiều người dân đã bị ghẻ nước, gây ngứa ngáy, khó chịu. Ảnh: Minh Toàn.

Chưa hết ngập những nhiều người dân đã bị ghẻ nước, gây ngứa ngáy, khó chịu. Ảnh: Minh Toàn.

Khu vực mộ của nhiều gia đình đã ngập trắng, khó có thể xác định được chính xác vị trí. Bà Nguyễn Thị Ngự ( sinh năm 1954, xã Tân Tiến) đùa vui: “Tôi hay bảo người ta là, đừng có chết mùa lũ này, cố mà sống, chết bây giờ không có chỗ chôn đâu…”.

Sống chung với lũ

Cuộc sống của người dân chìm trong biển nước. Mọi hoạt động ăn uống, tắm giặt…đều được thực hiện trong dòng nước lũ. Dường như, dòng nước của sông Bùi đã không còn là điều quá xa lạ với người dân ở Chương Mỹ mà đặc biệt ở xã Tân Tiến và xã Nam Phương Tiến.

Phương tiện, công cụ sản xuất của bà con ngâm trong nước lũ. Ảnh: Minh Toàn.

Phương tiện, công cụ sản xuất của bà con ngâm trong nước lũ. Ảnh: Minh Toàn.

Do thuyền trở thành phương tiện di chuyển chính nên những gia đình không có thuyền thường rơi vào tình trạng bị động khi lũ lên vì không thể di chuyển. Ông Nguyễn Đình Thủ bất đắc dĩ đã trở thành người lái đò xóm Nằng (xã Tân Tiến). Ông Thủ chia sẻ: “Cái thuyền này nhiều người phải gọi nó bằng anh, bằng chú. Nó được hoàn thiện từ năm 1980. Có những mùa lũ tôi chèo cả làng. Năm nay lũ đến sớm, chứ như năm 2018 tôi chèo cả học sinh đi học, chèo 2 lượt mới hết các cháu mà…”.

Lũ lên, cá từ các ao, hồ tràn ra ngoài. Người dân tranh thủ đánh bắt, kích điện nhiều loại cá để làm phong phú thực đơn vốn chỉ có đồ khô, trứng của những gia đình vùng lũ. Tuy nhiên, việc đánh bắt bằng phương pháp kích điện gây chết hàng loạt những loại cá khác. Những loại cá này chết, thối rữa xuất hiện dòi. Gần khu vực sông, nhiều cá chết nằm ở đầu nguồn nước, nước trôi thẳng vào làng.

Nhiều gia đình “tranh thủ” dạy con bơi ngay trong khu vực sân nhà, đường làng. Dẫu biết, dòng nước bị ô nhiễm có thể gây các bệnh ngoài da như ghẻ nước, viêm da… nhưng tâm lý chủ quan vẫn khiến các phụ huynh để cho con, cháu bơi lội hay chơi đùa tại những khu vực bị ngập sâu.

Em Nguyễn Ngọc Ánh (9 tuổi, xã Nam Phương Tiến) đùa nghịch nói: “Em thấy vui vì chưa thấy ngập như thế này bao giờ. Ngập được bơi, được nghịch…thích lắm”.

Người dân tranh thủ đan lưới, bắt cá vì không thể ra đồng như ngày thường. Ảnh: Minh Toàn.

Người dân tranh thủ đan lưới, bắt cá vì không thể ra đồng như ngày thường. Ảnh: Minh Toàn.

Nhiều hộ gia đình có nền nhà cao nên mực nước ở sân có thể chỉ cao khoảng 50cm, tuy nhiên với những hộ dân có nền nhà thấp, nước trong nhà có thể dâng cao từ 50cm-1m. Với những hộ gia đình nước ngập ở mực thấp, vẫn có thể sinh hoạt được thì phải kê đồ đạc trong nhà lên cao để đảm bảo an toàn, tránh hỏng hóc đồ vật. Gọi là sinh hoạt được nhưng thực chất là người dân chỉ có thể ăn, ngủ ở nhà được để trông đồ. Tắm giặt người dân đành phải tắm nhờ nước của những gia đình ở khu vực trên cao, không bị ảnh hưởng nguồn nước. Xe máy cũng phải gửi ở ngoài vì nguy cơ chết máy di chuyển và hỏng hóc khi “ngâm” nước.

Đồ đạc của người dân ước tính sẽ phải ngâm nước trong 15-20 ngày sắp tới. Ảnh: Minh Toàn.

Đồ đạc của người dân ước tính sẽ phải ngâm nước trong 15-20 ngày sắp tới. Ảnh: Minh Toàn.

Là một trong số những hộ gia đình đang sống chung với lũ, chị Nguyễn Thị Loan (35 tuổi, xã Tân Tiến) nghẹn ngào kể: “Cái hôm nước lên, vào buổi đêm, vợ chồng tôi trắng cả đêm canh nước, nước lên đến đâu, kê đồ đến đấy. Có hôm vợ chồng đi làm, con cái đi học nước lên đổ cả cái tivi xuống hỏng luôn. Máy giặt giờ ẩm cũng không dùng được nữa… Bây giờ chồng tôi phải nghỉ ở nhà canh nước, không dám đi làm”. Nói là may mắn vì không phải sơ tán nhưng gia đình nhà chị Loan cũng đã thiệt hại không ít. 

Với những hộ chăn nuôi, họ buộc phải để gà, vịt, chó…sống chung với người trong một căn nhà. Mùi phân, mùi nước lũ hòa cùng nhau tạo ra thứ mùi nồng nồng. Nhiều gia đình phải ăn cơm trong thứ mùi đó, nhưng “cũng đành chịu thôi”. Họ cũng chỉ biết cố gắng vệ sinh nhà cửa để có thể “dễ sống” hơn.

Lợn được quây kín trong khu vực ít bị ảnh hưởng của nước lũ để đảm bảo an toàn. Ảnh: Minh Toàn.

Lợn được quây kín trong khu vực ít bị ảnh hưởng của nước lũ để đảm bảo an toàn. Ảnh: Minh Toàn.

Nước ngập vào nhà thì mất đồ nhưng nước chỉ lên đến sân thì rất có thể người dân sẽ mất mạng. Bởi các loài bò sát, côn trùng… thường tìm những nơi cao ráo để bò vào tránh nước. Nên khu vực nhà không bị ngập là nơi trú ngụ ưa thích của rắn, chuột, ruồi, muỗi… Chị Nguyễn Thị Hương (50 tuổi, xã Tân Tiến) cho biết: “Hôm đấy, tôi lấy cái xô trong gầm cầu thang ra, thấy con hổ mang nó bành bành cái cổ ra. Tôi hoảng quá, chạy đi gọi chồng đập nó chứ tôi cũng không dám đập…”.

Không chỉ những nguy cơ gây nguy hiểm chết người mà việc thiếu nước, thiếu điện…cũng có thể tra tấn từ từ tinh thần người dân vùng lụt. Giếng khoan, giếng khơi là nguồn nước được sử dụng chính của bà con. Nước lũ cũng đã san phẳng hết, hệ thống thủy lợi, máy bơm cũng không thể sử dụng. Với những hộ gia đình có ổ điện ở vị trí thấp, buộc các cán bộ điện lực phải cắt điện để đảm bảo an toàn.

Đảm bảo an toàn

Mưa lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho bà con vùng lụt. Tính đến thời điểm 16h chiều ngày 29/7, mực nước ở các khu vực úng trũng vẫn ở mức cao ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều hộ dân. Số hộ đang bị ngập nước vào, vào sân, vườn, lối đi nhà là 483 hộ, nhân khẩu bị ảnh hưởng 2.264 (trong đó hộ ngập vào nhà: 168, ngập sân vườn, lối đi: 315).

Lũ lụt, gây sập đổ 25m tường bao tại trụ sở UBND xã và 175m tường bao của hộ dân. Qua kiểm tra, diện tích lúa mùa bị ngập úng là 85ha, cây rau màu bị ngập úng là 37ha, cây ăn quả bị ngập úng: 65ha. Diện tích thuỷ sản bị ngập, tràn: 87ha gây thiệt hại nghiêm trọng. Ông Thủ cho biết: “Nhà tôi có 3 ao cá, tràn hết rồi, mất tấn rưỡi cá, cả trăm triệu chứ có ít đâu…”.

UBND xã Tân Tiến đã cấp phát 2 chiếc thuyền sắt cho mỗi thôn để hỗ trợ bà con di chuyển. Ngoài ra để giải quyết trình trạng thiếu nước, 250 bình nước sinh hoạt đã đến tay các hộ dân gặp khó khăn về nguồn nước uống; trang bị 4 téc nước đặt tại 2 thôn Tiến Tiên và Việt An để cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân (từ ngân sách địa phương). Ngoài ra, địa phương cũng đã tiếp nhận và cấp phát từ nguồn cứu trợ của các cơ quan tổ chức, cá nhân: 550 bình nước loại 20 lít.

Người dân xã Nam Phương Tiến tập nập ra vào mùa lũ để tìm nguồn nước sinh hoạt. Ảnh: Minh Toàn.

Người dân xã Nam Phương Tiến tập nập ra vào mùa lũ để tìm nguồn nước sinh hoạt. Ảnh: Minh Toàn.

Trong đó, Hội Nông dân huyện Chương Mỹ là 200 bình, các cá nhân khác trong và ngoài xã là 350 bình. Địa phương đã tiếp nhận 30 suất quà cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ huyện và đã triển khai cấp phát cho các hộ bị ảnh hưởng (mỗi suất 500.000đ). Bên cạnh đó cũng tiếp nhận và cấp phát 80 suất quà (mỗi suất 200.000), 50 thùng mì tôm của sư thầy trụ trì chùa Tân Tiên đối với các hộ bị ngập vào nhà.

Ông Vũ Công Nam (Chủ tịch UBND xã Tân Tiến) cho biết: “Về lâu dài, địa phương cũng đã lên những phương án dự trữ lương thực thực phẩm, thuốc thang… để đảm bảo cung cấp đủ cho bà con trong trường hợp tình trạng ngập úng kéo dài. Bên cạnh đó, bằng hệ thống truyền thanh của địa phương, chúng tôi cũng đã cảnh báo bà con về mức độ nguy hiểm của trận lụt lần này, các nguy cơ về dịch bệnh như đau mắt, ghẻ nước…”.

Phó chủ tịch xã Tân Tiến đến động viên và thăm hỏi bà con vùng lụt. Ảnh: Minh Toàn.

Phó chủ tịch xã Tân Tiến đến động viên và thăm hỏi bà con vùng lụt. Ảnh: Minh Toàn.

Địa phương đã xây dựng các kịch bản có thể xảy ra trong mùa lũ để đảm bảo ứng phó kịp thời với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, địa phương cũng lên kế hoạch để ổn định cuộc sống của bà con sau lũ.

Ông Nam nói: “Chúng tôi đã xây dựng chương trình hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại sau lũ. Đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường”.

Đặc biệt khi diễn biến lũ còn phức tạp, khó lường. Dự báo nhà cửa, hoa màu của bà con có thể ngập sâu trong nước từ 15-20 ngày sắp tới.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.