| Hotline: 0983.970.780

Về vựa quả 'rồng lửa' người Trung Quốc ưa chuộng: [Bài 1] Nhanh chóng thay đổi tư duy

Thứ Ba 01/10/2019 , 08:48 (GMT+7)

Trước những yêu cầu khắt khe hơn từ thị trường Trung Quốc, người trồng thanh long cũng rất nhạy bén, tư duy thay đổi nhanh để thích ứng với tình hình mới…

Về các vùng chuyên canh thanh long - loại quả xuất khẩu rất lớn sang Trung Quốc mà người dân bên đó đặc biệt yêu thích gọi là quả "rồng lửa", huyện Châu Thành (Long An) và Chợ Gạo (Tiền Giang) thời điểm này chỉ nghe nông dân bàn chuyện Trung Quốc đang siết chặt tiểu ngạch và tăng cường quản lý nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Vì thế, nông dân trồng thanh long ở đây đang tích cực thay đổi phương thức canh tác…

17-00-55_1
Nông dân trồng thanh long sẵn sàng thay đổi tư duy canh tác đáp ứng theo yêu cầu thị trường. Ảnh: Thành Nam.

Thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành (Long An) những năm gần đây được xem như “khu phố nhà giàu”, nhiều nhà cao tầng, biệt thự, đường giao thông mở rộng thênh thang bởi nhờ trồng cây thanh long xuất khẩu. 
 

Nhà nhà vào cuộc

Ông Nguyễn Văn Hôn, nguyên cán bộ thị trấn Tầm Vu khẳng định: “Nếu không có cây thanh long thì vùng nông thôn này khó mà đổi mới. Hầu hết các hộ dân trong ở đây đều sống nhờ vào cây thanh long. Đặc biệt vài năm gần đây cây thanh long đã nhanh chóng phủ xanh toàn diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện”.

Theo ông Hôn, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trồng thanh long, thu nhập của người dân tăng từ 7 đến 10 lần so với trồng lúa và chăn nuôi. Bình quân mỗi ha thanh long ruột trắng cho thu từ 300 đến 400 triệu đồng, thanh long ruột đỏ thu đến cả tỷ đồng/năm.

Đến năm 2020, huyện Châu Thành sẽ hoàn thành đề án có 2.000 ha thanh long sạch, ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đáp ứng cho các thị trường khó tính. Hiện nay, sản phẩm thanh long của Long An chiếm khoảng 70% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, vừa qua nhiều nông dân ở vùng “thủ phủ” trồng thanh long Long An đã chịu tổn thất kinh tế khi nhiều chuyến hàng thanh long không thể xuất khẩu đi Trung Quốc, bởi không đáp ứng được yêu cầu chất lượng từ phía đơn vị nhập khẩu. Đây cũng là bài học quý giá, thức tỉnh tư duy của nhiều bà con nông dân, thay vì chỉ quan tâm đến mẫu mã sản phẩm thì đến nay cần phải đảm bảo chất lượng. Chính vì thế, nông dân đã quyết định thay đổi phương thức canh tác, tích cực tham gia sản xuất thanh long theo quy trình VietGAP.

Mặc dù diện tích chỉ có 4.000m2 thanh long nhưng bà Cao Thị Thu Biên (xã Bình Tâm, Châu Thành) vẫn thấp thỏm lo lắng khi nghe thông tin thị trường dễ tính như Trung Quốc bây giờ còn siết chặt nhập khẩu, không chịu “ăn” hàng kém chất lượng.

Bà Biên chia sẻ: “Vừa qua gia đình tôi đã chuyển sang làm thanh long theo hướng sạch, áp dụng quy trình bài bản. Giờ trồng thanh long không còn cảnh tưới, bón ào ào phân, thuốc hóa học như trước vì Trung Quốc sẽ không mua thanh long trồng như thế nữa mà mình cần phải trồng theo quy trình sạch. Do vậy, gia đình tôi đang mở rộng vườn thanh long thêm 2.000m2 để trồng theo hướng hữu cơ”.

Nhận thấy phương pháp trồng thanh long leo giàn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng trụ, nhiều hộ đã mạnh dạn ứng dụng vào sản xuất. Gia đình ông Trương Minh Trung, ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi 2ha thanh long bằng trụ bê tông sang trồng giàn chữ T.

17-00-55_2
Ảnh: Thành Nam.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Trung hào hứng nói: “Trước đây, gia đình tôi trồng thanh long bằng trụ bêt ông riêng lẻ, mỗi ha đất có thể trồng khoảng 1.000 trụ.

Tuy nhiên, với giàn chữ T, khoảng cách giữa các trụ bê tông được rút ngắn chỉ còn 1,5m, giữa các trụ có thêm một trụ phụ bằng sắt. Một đường dây cáp dài nối các đầu trụ với nhau, giúp cành thanh long leo thành giàn, cứ mỗi giàn cách nhau 3m, mỗi ha đất tôi có thể trồng từ 2.000-2.500 trụ thanh long rất hiệu quả”.

Tương tự, mô hình trồng thanh long kiểu giàn chữ T này cũng đang được hộ ông Phạm Hữu Tiện, ở ấp Bình Long, xã Thanh Bình (Chợ Gạo, Tiền Giang) ứng dụng trên diện tích 1.100 m2.

“Đây là năm đầu tiên gia đình tôi chuyển sang trồng thanh long giàn chữ T, kỹ thuật mới này không chỉ giúp tận dụng được tối đa diện tích đất sản xuất mà việc chăm sóc, vệ sinh vườn, thu hoạch trái cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Chỉ khoảng 2 tháng nữa tôi sẽ thu hoạch lứa thanh long leo giàn này và tin chắc năng suất, chất lượng trái sẽ cao hơn trồng trụ bê tông truyền thống”.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó bộ môn kỹ thuật canh tác Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) cho biết: “Đây là phương pháp canh tác tiên tiến thuộc Dự án New Zealand Aid, do Sofri nghiên cứu và chuyển giao, không chỉ giúp người trồng tiết kiệm diện tích đất, tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất mà còn tăng năng suất, thu lợi nhuận cao hơn”. Tính ưu việt của thanh long leo giàn là dễ dàng cơ giới hóa trong sản xuất, sử dụng máy bón phân hữu cơ, phun thuốc, cắt cỏ... hạn chế nhân công lao động.
 

Theo tính toán của Viện Sofri, nếu người dân mạnh dạn ứng dụng mô hình thanh long leo giàn, khả năng cho năng suất cao hơn từ 2-3 lần so với trồng trụ và chăm sóc theo kiểu truyền thống. Tuy nhiên, người trồng cũng cần nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách, công nghệ, tiêu chuẩn... để sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bài học từ HTX thanh long Tầm Vu

Về các vùng chuyên canh thanh long huyện Châu Thành (Long An) và Chợ Gạo (Tiền Giang) thời điểm này chỉ nghe nông dân bàn chuyện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cùng liên kết làm theo quy trình, ứng dụng công nghệ cao, trong đó thanh long vẫn là cây chủ lực.

Ghé thăm nhà sơ chế của HTX Thanh long Tầm Vu, giám đốc Trương Quang An lúc này đang tất bật chỉ đạo nhân công lo đóng hàng trái chuẩn bị xuất sang Trung Quốc. Tại đây, hệ thống máy rửa trái thanh long mới toanh trị giá hàng trăm triệu đồng cũng vừa được HTX đầu tư lắp đặt đang hoạt động tối đa công suất.

Dẫn chúng tôi đi xem khu nhà sơ chế mới xây dựng rộng khoảng 1.000m2 của HTX, ông An tâm sự: “Chúng tôi đang phải đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nhằm đẩy mạnh thua mua thanh long xuất khẩu.

Hiện thị trường Trung Quốc đang dựng hàng rào kỹ thuật, siết chặt kiểm định chất lượng thanh long Việt Nam và chỉ chấp nhận nhập khẩu theo đường chính ngạch. Do vậy, bây giờ nếu không bắt tay ngay vào làm thanh long sạch thì chỉ có chết!”.

17-00-55_4
17-00-55_5
Các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm với nhà vườn trồng thanh long. Ảnh: Thành Nam.

Theo ông An, mỗi năm HTX thanh long Tầm Vu xuất khoảng 60.000 tấn sang các nước, trong đó 50% xuất đi Trung Quốc (thanh long ruột đỏ), còn thanh long ruột trắng xuất sang Thái Lan, Ấn Độ, các tiểu Vương quốc Ả Rập… Ngoài thu mua thanh long ruột trắng của các thành viên HTX, chúng tôi còn thu mua thêm thanh long ruột đỏ của nông dân địa phương mới đáp ứng đủ đơn hàng của khách.

Trước những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính, HTX Thanh long Tầm Vu đang tập trung việc chuyển giao KHKT cho xã viên sản xuất đúng tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, HTX đã đăng ký thành công nhãn hiệu độc quyền đi các thị trường Mỹ, Nhật, Pháp, Singapore, Trung Quốc. 

Ông Võ Văn Vấn – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành (Long An) chia sẻ, đến nay huyện có gần 1.500 ha trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao và theo chuẩn VietGAP do hơn 2.200 hộ nông dân tham gia thực hiện. Mặc dù trong quá trình thực hiện đề án còn gặp một số khó khăn, như ghi nhật ký đồng ruộng, xây dựng kho chứa phân bón, thuốc BVTV, vệ sinh vườn thanh long… Tuy nhiên, mục tiêu đang đi đúng hướng, nhất là khi thị trường Trung Quốc bắt đầu siết chặt đối với các mặt hàng nhập khẩu.

Theo ông Trần Quốc Toản - Phó Chủ tịch HND tỉnh Long An, bây giờ sản xuất thanh long bán cho Trung Quốc không dễ dàng như trước. Thương lái Trung Quốc mua trái thanh long còn tìm đến tận vườn lấy mẫu trái đi thử, nếu thấy vượt dư lượng hóa chất họ sẽ không mua hàng. Tỉnh cần có chính sách mời gọi doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư nhà máy vào vùng nguyên liệu thanh long, công nghệ thu hoạch, sau thu hoạch, sơ chế, đóng gói, chế biến, bảo quản…, tạo điều kiện để các HTX tiếp cận và mở rộng thị trường các nước tiêu thụ thanh long.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

Vinachem vừa ban hành Quyết định số 18/QĐ-HCVN bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.