| Hotline: 0983.970.780

Venezuela, nỗi lo về an ninh trật tự xã hội

Thứ Hai 12/11/2018 , 13:53 (GMT+7)

10 ngày ở Venezuela hễ đi trên đường là thấy các trạm kiểm soát quân sự với lính trang bị áo giáp, súng ống lúc lỉu, hễ vào nhà hàng là thấy hai tấm biển to đùng cấm hút thuốc và cấm súng song hành...

Câu chuyện của anh lái xe San Chét

San Chét-tên thân mật là San Chồ-một trong hai lái xe của đoàn, hôm đó đang dự liên hoan quốc khánh 2/9/2018 với chuyên gia Việt Nam bỗng nhận được cuộc điện thoại của vợ báo tin dữ, đứa con trai mới 15 tuổi của họ đã chết thảm trong một vụ nổ súng.

Người lái xe San Chét có đứa con trai 15 tuổi bị chết trong một vụ nổ súng

Anh kể: “Buổi sáng hôm đó nó vẫn ở nhà trông con cho chị, gần trưa tôi đưa cho nó 20 Bô mới (đơn vị tiền tệ của Venezuela, tương đương 1/6 USD) để đi ăn. Nó đang từ nhà xuống núi tìm bạn để chơi thì có nhóm mặc quần áo giống cảnh phục dẫn giải một thằng tình nghi là tội phạm lên, bắt luôn cả đám 8 đứa hay chơi với nhau. Nghe kể, trước đó có con của một người trong nhóm bị giết chết, anh này tình nghi một đứa trong nhóm chơi của con tôi đã sát hại nó nhưng cũng chẳng biết rõ là ai.

Vậy là họ lùa cả 8 đứa này vào đoạn cuối của con đường lên núi rồi dùng hàng rào sắt quây kín lại. Các hộ gia đình ở gần đó được thông báo phải nằm xuống, dùng nệm che kín các cánh cửa để tránh sức ảnh hưởng của vụ nổ sắp xảy ra rồi quẳng một quả lựu đạn vào nhóm tình nghi toàn thiếu niên trong đó có cả con của tôi. Một thằng trong số chúng đã lao vào chắn trước quả lựu đạn. Xác của nó nổ tung còn cả nhóm vẫn sống sót. Nhưng sau đó chúng bị chĩa súng vào, bắn chết hết. Có người dân đã quay được clip về cảnh đó, đưa một đoạn lên trên mạng xã hội nhưng bị đe dọa không được phát tán, sợ quá nên thôi. Biết được clip đó nên tôi mới đi kiện nhưng không được mà cơ quan chức năng chỉ ra thông báo rằng đã tiêu diệt gọn được nhóm cướp của, bắt cóc, giết người tuổi 15”.

Thất vọng vì mọi việc cứ chìm trong im lặng, anh chấp nhận kể mọi chuyện với tôi, một nhà báo Việt Nam đã vượt nửa vòng trái đất để đến đây. Sau vụ việc của con San Chét còn có một số vụ khác cũng tương tự, bị giết cả chùm như vậy khi liên quan đến các vụ án tình nghi.  Nạn trộm cướp lan tràn khiến cho lực lượng công an ở Venezuela phải sử dụng bạo lực kiểu “bàn tay sắt” để đối phó.

San Chét không phải là dân gốc ở Thủ đô Caracas mà 8 tuổi mới di cư đến để sống trong một khu ổ chuột trên núi. Dù đã quá quen với cảnh hiểm nguy nơi đây nhưng mỗi lần đi đâu tới 8-9 tối với đoàn chuyên gia Việt Nam là anh đều không dám về mà nằng nặc xin ở lại bởi vì sợ cướp.

Khu nhà ở xã hội tại Thủ đô Caracas

Chi phí cho 1 đám tang hết số tiền tương đương khoảng 70-80 USD-rất lớn so với điều kiện kinh tế của người lao động Venezuela nên không phải gia đình nào cũng đáp ứng nổi nên một số đã chọn chết ở bệnh viện để được chôn miễn phí trong những hố tập thể khoảng 20 người. Đó là chết thông thường, còn chết trong diện tình nghi là tội phạm như con của San Chét thì tốn kém hơn nhiều.

Khi anh đi xin xác con về để an táng, người ta thông báo phải mất một khoản tiền lớn cộng với chi phí chôn cất nữa là khoảng 160 USD. Trong khi đó, lương của San Chét được 20 USD/tháng còn vợ trông một bà già 80 tuổi tàn tật được 2-3 USD/tháng nhưng gần đây do con của cụ mới mất việc nên cũng không có tiền để trả thành ra trông từ thiện. Vì hoàn cảnh khó khăn của San Chét nên đoàn chuyên gia Việt Nam phải vận động mỗi người đóng góp một ít để anh chuộc xác con về…
 

Nơm nớp mỗi khi ra đường:

Súng ống ngập tràn cộng với kinh tế suy thoái khiến nạn trộm cướp nổi lên như rươi. Maya-cô phục vụ ở sứ quán Việt Nam tại Venezuela thỉnh thoảng đến chỗ làm lại khóc thút thít vì bị trấn điện thoại trên đường đi xe bus hay metro.

Công Anh-phiên dịch của đoàn chuyên gia Việt Nam trong một dịp lên thủ đô Caracas đã nhìn thấy một cảnh tượng rùng rợn: một phần thân người gồm hai cánh tay và cái đầu được treo lên cột điện để thị uy, đe dọa băng đảng khác. Đó là ở thành phố còn ở vùng nông thôn như Calabozo của bang Guarico cướp bóc hầu như ngày nào cũng vài vụ, có vụ xảy ra ngay trước cổng nhà chuyên gia Việt Nam, một tên cướp dí súng ngay vào đầu một phụ nữ để cướp tiền khiến mọi người vội vàng đóng chặt cửa.

Chính Công Anh cách đây mấy tháng khi đang ngồi trong xe taxi uống bia cùng tài xế để chờ mấy chị em đi siêu thị trở về bỗng thấy anh kia mắt trợn trừng nấc nghẹn mấy giây, thả chai bia xuống sau đó đá luôn chiếc điện thoại vào gầm xe, cậu cũng vội vàng làm theo. Bốn thanh niên đầu đội mũ che kín nửa mặt, áo quấn quanh thắt lưng, hai cảnh giới đầu đuôi, hai ập đến hai bên cửa xe hỏi han, quan sát một hồi không thấy gì đáng giá mới chịu bỏ đi. Các băng nhóm bản địa cứ thấy ai đầu đen, da vàng, mũi tẹt đều đinh ninh là người Trung Quốc. Dân Trung Quốc ở Venezuela rất đông, tuy không có thống kê cụ thể nhưng  ước lượng cũng cỡ cả trăm ngàn. Tuy không có mấy thiện cảm với người Trung Quốc nhưng với dân Venezuela mỗi người Trung Quốc lại là một cây ATM biết đi, là mục tiêu để các băng cướp dí súng vào đầu đòi tiền mặt. 

Mỹ tiếng là một quốc gia có hàng trăm triệu khẩu súng nhưng trong 15 ngày ở Mỹ tôi chưa từng thấy hình dạng hoàn toàn của một khẩu súng lộ ra bao giờ. Thế mà nay 10 ngày ở Venezuela hễ đi trên đường là thấy các trạm kiểm soát quân sự với lính trang bị áo giáp, súng ống lúc lỉu, hễ vào nhà hàng là thấy hai tấm biển to đùng cấm hút thuốc và cấm súng song hành. Mất an toàn đến mức người dân rất hạn chế ra đường một mình, nếu phải đi thì không dám đeo nhẫn vàng, đồng hồ, cầm điện thoại hay máy ảnh.

Ở nước này, có rất nhiều các khu ổ chuột nhưng cũng rất nhiều các khu biệt thự với đám máy bay tư nhân sớm sớm, chiều chiều cất cánh bay vè vè như chuồn chuồn báo trời mưa. Nhà giàu ở Venezuela là một thế giới khép kín với hàng rào dây điện cao áp, dây kẽm gai chi chít bao quanh, với các chốt gác có vệ sĩ và nếu có ra ngoài thường dắt súng theo người để phòng thân. Những cuộc hội nghị đầu bờ đơn giản như hôm chúng tôi đi thăm lúa ở Guarico chỉ có sự tham dự của quan chức cấp bang thôi nhưng đại tá Valero-Tư lệnh quân sự bang đã phải đi tháp tùng, đã phải lệnh cho lập chốt gác với lính bồng súng lăm lăm trên tay.

Tác giả chụp ảnh cùng vị đại tá quân sự bang Guarico lúc đi thăm mô hình trồng lúa

Cháu đội trưởng đội sản xuất của Cty thủy lợi Guarico bị bắn chết ngay trong trang trại của nhà khi bọn thảo khấu tranh thủ người lớn đi vắng ập tới bỗng gặp trẻ con, sợ bị nhận dạng báo cảnh sát nên thủ tiêu luôn. Bởi thế mà nhiều chủ trang trại đã tự trang bị súng ống, chỉ cần ai đó bước qua hàng rào là có thể bắn luôn để phòng thân. Tình trạng mất an ninh còn ảnh hưởng đến điểm nuôi tôm Procagua, Paraguaipoa thuộc bang Zulia của dự án thủy sản do chuyên gia Việt Nam chỉ đạo, làm gián đoạn và ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Ngay cả 2 cái máy cày Kubota của dự án lúa ở bang Guarico để trong kho rồi mà còn bị móc mất ắc quy nên phải dùng chung với chiếc còn lại nên đã nổ máy là nổ đến cùng, không được tắt.  

Trộm cướp nhiều nên có những khu phố, giới nhà giàu rủ nhau góp tiền để đóng bảo kê cho xã hội đen đề phòng bị…cướp. Còn giới bình dân muốn buôn bán gì đều ít khi dám chường mặt ra ngoài mà chỉ đứng trong song sắt kiên cố trong nhà, thò tay qua một khe hở để lấy tiền của khách và giao hàng, kể cả là một miếng thịt bò.

Mỗi lần bầu cử là xã hội gần như vô chính phủ, rất loạn khiến cho quân đội phải rất vất vả để vãn hồi trật tự. Trạm kiểm soát của quân đội mọc lên ở khắp các tuyến đường từ thành phố đến nông thôn, mật độ còn dày đặc hơn nhiều so với các trạm BOT thu phí ở ta. Nhiệm vụ của các trạm này ngoài kiểm soát súng ống, ma túy còn kiểm tra nguồn gốc của đủ thứ hàng hóa, giấy tờ. Trong suốt cuộc hành trình của chúng tôi, ngoài việc kiểm tra giấy tờ, những hành lý nào bị nghi ngờ đều bị lục tung lên để kiểm tra dưới sự giám sát của lính mặc áo giáp, súng ống kè kè kề bên.

Nhà của người giàu thường có tường rào rất cao, chăng bằng dây điện cao thế hoặc dây kẽm gai
Có lần đoàn chuyên gia của Việt Nam chuyển một cái máy tuốt lúa từ điểm sản xuất của Cty thủy lợi Guarico đến Viện nghiên cứu Nông nghiệp Guarico cách đó chỉ vài chục km, dù đã có giấy phép vận chuyển do Cty thủy lợi cấp nhưng do cẩn thận, sợ mất nên cái động cơ đã được gỡ ra, chuyển đi sau. Không ai ngờ tất cả tên, model, sê ri của máy đều nằm trên cái động cơ để lại đó. Đến trạm kiểm soát ở đầu thị trấn Calabozo ngay lập tức đoàn bị ách lại, phải quay ngược về lắp động cơ cho khớp với giấy đi đường mới đi qua nổi.

 

Xem thêm
Đại tướng Nguyễn Quyết qua đời ở tuổi 102

Đại tướng Nguyễn Quyết từ trần vào hồi 21 giờ 09 phút ngày 23/12 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau một thời gian lâm bệnh.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

6 người thương vong do tự chế pháo

Ngày 24/12, Công an tỉnh Tây Ninh đã thông tin chính thức về vụ nổ khiến 6 người thương vong xảy ra tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên.