| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về bãi rác có lính canh và vũ hội đêm nhà giàu Venezuela

Thứ Sáu 09/11/2018 , 14:41 (GMT+7)

Cổng bãi rác có một trạm canh với lính bồng súng tiểu liên đứng gác, bên trong chòi vọng ra tiếng người đang đấm đá huỳnh huỵch. Xin xỏ một thôi một hồi với quản lý chúng tôi mới được vào trong bãi rác để chớp nhoáng tác nghiệp...

 


Mặc cho những lời can gián thiết tha của tài xế và anh cán bộ quỹ Fondas tôi vẫn nằng nặc đòi dẫn đi thăm bãi rác của thủ đô Caracas, chấp nhận mọi hiểm nguy có thể rình rập. Ngay cả người bản địa cũng ít dám xuất hiện ở những khu vực như thế này vì sợ nạn cướp có vũ trang nên cả hai dẫn tôi đi mà mắt dáo dác đề phòng tứ phía. Cổng bãi rác có một trạm canh với lính bồng súng tiểu liên đứng gác, bên trong chòi vọng ra tiếng người đang đấm đá huỳnh huỵch. Xin xỏ một thôi một hồi với quản lý chúng tôi mới được vào trong bãi rác để chớp nhoáng tác nghiệp.
 

Bãi rác tại thủ đô Caracas luôn có rất nhiều chim kền kền và cảnh nhặt rác cũng không có gì đặc biệt so với Việt Nam


Trên đầu, lũ kền kền lượn lờ như những đám mây đen, dưới đất, các xe rác nghiêng thùng đổ ào ào trong tiếng còi gắt gỏng của mấy nhân viên giám sát, có một đám chừng mươi người đang tranh thủ bới rác. Rất tiếc là cách họ bới rác giống hệt kiểu… Việt Nam, nghĩa là cũng nhặt nhạnh tất cả những gì đồng nát, giấy vụn còn tận dụng, còn bán được chứ không hề thấy bới thực phẩm để ăn. 

Người bạn đi cùng tỏ ra hiểu biết bảo, đây là trạm cuối cùng trên hành trình đi của rác nên cảnh bới rác tìm thức ăn, nếu có chỉ diễn ra ở những nơi đặt thùng rác ở trên đường phố. Ở đó có thể thấy những anh chàng, cô nàng mặc áo Adidas, đi giày Nike tranh thủ tìm kiếm chút thực phẩm thừa. Số đó nói chung cũng chỉ chiếm 0,01% dân số, rất hãn hữu mà thôi… 

Hồi mới sang, lái xe người bản địa bảo: “Sao các đồng chí Việt Nam lại ăn thứ này à? (đùi, cổ cánh gà), chúng tôi toàn ăn lườn gà mà thôi”. Giờ đây kinh tế khó khăn, thực phẩm khan hiếm nên họ đã quen ăn những thứ từng vứt đi đó.

Cảnh thường thấy nhất ở Venezuela là những dòng người lũ lượt đứng xếp hàng. Xếp hàng để lấy tiền trợ cấp. Xếp hàng để mua hàng nhà nước bán ra với giá rẻ chỉ bằng ½, thậm chí bằng 1/3 giá thị trường tự do. Xếp hàng để rút tiền trong thẻ. Người ta có thể xếp hàng dài cả cây số từ chiều hôm trước đến tận trưa hôm sau một cách rất trật tự dù cho có kẻ chẳng may say nắng hay tụt huyết áp ngã gục, rời khỏi đội ngũ.

Mọi thanh toán ở đây, từ mua cái bánh mì đến mớ rau đều dùng thẻ với mục đích minh bạch hóa, chống tham nhũng nên tiền mặt trở nên cực kỳ khan hiếm. Mỗi lần xếp hàng dài cả cây số để rút tiền từ trong thẻ ra cũng chỉ được số Bô tương đương khoảng một vài USD thậm chí còn ít hơn nhưng lại có giá trị gấp mấy lần tiền thẻ, rất được ưa chuộng trên thị trường chợ đen. Mỗi bữa ăn đơn giản trong nhà hàng cũng phải dùng tới 3-5 cái thẻ mới đủ tiền trả bởi chúng được quy định hạn mức rút trong ngày.

Ngoài thẻ ATM ở Venezuela mới đây còn phát hành thẻ yêu nước. Những người sở hữu thẻ yêu nước như ông Federico-tài xế của Fondas (Quỹ hợp tác nông nghiệp xã hội chủ nghĩa) được hứa hẹn mỗi lần có quốc lễ hay dịp gì trọng đại sẽ có một khoản tiền được rót vào hoặc khi đổ xăng trình thẻ ra sẽ được mua với giá ưu tiên, bằng không sẽ tính theo giá quốc tế 1 USD/lít.
 

Cái xe Trung Quốc nát của quỹ Fondas với 1 bên đèn hỏng, điều hòa hỏng, cửa long xòng xọc


Tuy nhiên thẻ này lúc chúng tôi sang (trung tuần tháng 10/2018) vẫn chưa áp dụng bởi mạng lưới kết nối chưa được thiết lập nên mỗi lần đổ xăng ông Federico cũng chẳng phải đệ trình gì mà toàn dùng tiền lẻ. Tỷ giá nhà nước quy định 2 Bô cũ mua được 1 lít xăng A92 mà 1 USD theo giá nhà nước đổi được khoảng 7 triệu Bô cũ nên tương đương với mua được hơn 3 triệu lít xăng. Trong ví của Federico không có đồng tiền nào bé hơn 100 Bô cũ nên ông toàn rút tờ này ra để đổ xăng. Ngoài cây xăng ra không một nơi nào chấp nhận lấy đồng tiền gần như đã vô giá trị này cả.

Ở Venezuela, ô tô cứ chạy được là còn lưu thông, dù rằng chúng đã lên thượng thọ 30-40 tuổi đi chăng nữa vẫn sánh vai cùng những chiếc xe mới cóng, máy “3-4 chấm” (trị giá bạc tỉ nếu quy ra tiền Việt) bon bon trên đường. Xe đang chạy bỗng nhiên rụng…cánh cửa tài xế dừng lại, nhặt lên, buộc vào rồi điềm nhiên đi tiếp. Chẳng biết do lệnh cấm vận của Mỹ hay các gói viện trợ theo kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu” của Trung Quốc hay không mà khắp hang cùng ngõ hẻm ở Venezuela gần đây rất nhiều xe Tàu.

 


Trên chiếc xe Tàu của Federico một đèn hỏng, một đèn lờ mờ như đom đóm chúng tôi đến chơi nhà David mà cứ sợ rúm người trước mỗi khúc cua tay áo bất ngờ ngược dốc núi. Cũng cùng làm trong quỹ Fondas, cô nhân viên Eymi phải sống trong khu nhà ổ chuột thì David-Giám đốc sản xuất của dự án-một chức nhỏ tương đương cỡ trưởng phòng nhà nếu không ổ chuột chắc cũng rất nhỏ bé và khiêm nhường. Không ngờ là tất cả chúng tôi đã lầm to.

Nhà của anh nằm trong một khu nghỉ dưỡng biệt lập ở thị trấn Săng Tô Ni Ô thuộc bang Mi Ran Đa, ngay từ cổng vào của khu đã có bảo vệ riêng canh gác. Xe vừa đỗ lại, David đã niềm nở ra đón chúng tôi vào căn nhà biệt thự được xây rất khéo ven triền đồi, đậm nét kiến trúc địa trung hải. Nó có rất nhiều phòng từ phòng ngủ, phòng khách, phòng tập gym đến phòng bi da, quầy bar…đèn nến sáng choang, đồ đạc bạc, kẽm lấp loáng, tinh tế như một showroom trưng bày nội thất Âu Mỹ. Trên màn hình lớn là 15 cái camera cận cảnh quay đủ các góc độ để chủ nhà ngồi trong biết tất cả các thứ xảy ra xung quanh. David là 1 trong 6 thành viên sang Việt Nam thăm quan sản xuất lúa hồi tháng 9 vừa qua, sau đó 2 người đã bỏ vị trí công tác vì lương quá thấp…

Rượu rum thơm lừng, dưa ngọt, bánh bùi ở phòng khách chỉ là màn chào hỏi ban đầu của đôi vợ chồng mến khách này.
 

Vợ chồng chủ nhà David rất mến khách


Tay trong tay, họ tươi cười dẫn chúng tôi xuống phòng bar, nơi đó đã có 4 nhạc công và 2 vũ công chờ sẵn. Nhạc bừng lên, từng điệu vũ Mỹ La Tinh bắt đầu lả lướt. Thịt bò nướng cả tảng vài kg một đã dậy mùi còn chất cồn mạnh đốt nóng ran cả huyết quản, những tiếng “xà lu” cạn chén liên tục vang lên vui vẻ. Những nhà giàu thường thuê các nhóm nhạc địa phương về biểu diễn cho họ ăn uống và khiêu vũ. Giá mỗi buổi như thế vào khoảng 100 USD.
 

Khu vực quầy bar trong nhà David


Vũ công là Andrians Velasquez 17 tuổi và người nhảy cặp Darly Perez-một cô bé mới chỉ 13 tuổi nhưng đã mang bóng dáng của miss universe (hoa hậu hoàn vũ) tương lai với thân hình cao ráo, nước da màu cánh kiến và nụ cười như một nụ hoa hàm tiếu. Dù chỉ là cỡ ban nhạc cấp địa phương kiểu như ban đám cưới ở ta nhưng họ đàn, hát và nhảy rất chuyên nghiệp, nhiều ban "danh giá" của ta có khi còn chạy theo mướt mát mồ hôi.

Dường như mọi thứ đã ngấm sẵn vào máu rồi nên kể cả khi chàng trai kia không có nổi một đôi giày espadrilles truyền thống (vì đã bị hỏng), phải nhảy bằng chân đất nhưng vẫn hết sức nóng bỏng trong các vũ điệu Mỹ La Tinh, lúc bắt chước những bước chân dẻo dai của ngựa soải vó trên thảo nguyên, khi lại bắt chước những bước chân dũng mãnh của hổ báo...
 

David thuê cả các vũ công múa dân gian của Venezuela đến phục vụ bữa tiệc tại nhà


David chỉ vào bức ảnh trên tường một cách đầy tự hào, trên đó anh đang đứng cùng cố Tổng thống Hugo Chavez nhân một sự kiện của quân đội. Vợ chồng David quen nhau khi là sinh viên trường quân sự và kết hôn khi cả hai đều đã là quân nhân. 

Sau khi cống hiến cho tổ quốc một thời gian khá dài David mới chuyển sang làm Giám đốc sản xuất của quỹ Fondas được hơn 1 năm nay. Nhìn vào cơ ngơi đồ sộ của anh tôi chắc mẩm nếu không phải là nhờ đôi bên gia đình nội ngoại hỗ trợ thì cũng là do cả hai vợ chồng phải vật lộn với trường đời rất nhiều.

Ban nhạc biểu diễn rất chuyên nghiệp tại nhà David

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đi thăm tiếp các khu vực rộng lớn trong nhà, David bảo người xích chó lại. Trên một sườn đồi đẹp như cổ tích được bố trí 2 cái bể nuôi cá, 1 khu chuồng gà cả trăm con nuôi lấy trứng, 1 khu chuồng chim cút cũng cả trăm con để tự cung tự cấp thực phẩm-những thứ trước kia ít người dân Venezuela nào chú ý đến bởi họ được Chính phủ cho hết. Ngoài chăn nuôi ở nhà, David còn có thêm một trang trại 4 ha ở gần đó nữa khiến cho cái đói ở rất xa gia đình anh. Mọi thứ tuy không còn ở thời kỳ thịnh vượng nhất nhưng vẫn vững chắc như một pháo đài.

Những nhà máy cái riêng phòng ăn lớn đến mức 10.000 suất, có thể sản xuất được đủ thứ từ công cụ bình thường đến vũ khí tối tân, bỏ không. Những xi lô khổng lồ của các nhà máy chế biến lương thực bóng loáng, phản xạ lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời nhưng bên trong rỗng không một hạt thóc. Những nhà máy chăn nuôi công nghệ tự động từ đầu đến cuối nhưng lại không có thức ăn, không có gà.

 

10 ngày ở Venezuela:

[Bài 1] >> Nghèo đến mức khách sạn không giấy vệ sinh, không nước... nhưng rất hào phóng

[Bài 2] >> Hòa nước muối ăn cơm giúp bạn Venezuela làm lúa nước

[Bài 3] >> 400 tấn lúa giống quý hơn vàng trong bối cảnh khó khăn bủa vây bốn bề Venezuela

[Bài 4] >> Cận cảnh từ nhà vách đất ở thôn quê đến khu ổ chuột trên phố Venezuela

Xem thêm
Đại tướng Nguyễn Quyết qua đời ở tuổi 102

Đại tướng Nguyễn Quyết từ trần vào hồi 21 giờ 09 phút ngày 23/12 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau một thời gian lâm bệnh.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Học sinh Khánh Hòa được nghỉ Tết Nguyên đán 10 ngày

Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã thông tin cụ thể về lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của học sinh trên địa bàn tỉnh.