Chính phủ Hàn Quốc của Tổng thống Moon Jae-in ngày 17/7 chính thức đề xuất đàm phán quân sự với Triều Tiên vào ngày 21/7 tại làng đình chiến Panmunjom.
Nếu được chấp thuận đây sẽ là cuộc đàm phán liên Triều đầu tiên kể từ tháng 12/2015 và thể hiện chủ trương như đã tuyên bố của Tổng thống Moon ngay khi đắc cử hồi tháng 5.
“Tôi muốn gặp (lãnh đạo Triều Tiên) Kim Jong-un khi các điều kiện tiên quyết nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân được đảm bảo”, ông Moon từng nói hồi tháng 5.
Giới chuyên gia đã đưa ra 3 lý do giải thích cho việc chính quyền của Tổng thống Moon sốt sắng đàm phán với Triều Tiên, khác hẳn so với những người tiền nhiệm.
Xung đột quân sự với Triều Tiên sẽ là thảm họa
Những lo ngại về một cuộc xung đột quân sự với Triều Tiên càng gia tăng sau khi Bình Nhưỡng hôm 4/7 tuyên bố phóng thử thành công tên lửa liên lục địa đầu tiên có khả năng bắn tới lục địa Mỹ.
Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy, một cuộc xung đột quân sự với pháo binh Triều Tiên có thể khiến 64.000 thiệt mạng trong ngày đầu tiên. Ngay cả khi Hàn Quốc và đồng minh Mỹ có thể phá hủy vũ khí của Triều Tiên, cũng không kịp ngăn chặn tổn thất lớn về con người và vật chất.
Tồi tệ hơn, Triều Tiên hiện đã sở hữu vũ khí hạt nhân được cho là có thể gắn vào tên lửa. Một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân sẽ kéo theo hậu quả vô cùng thảm khốc.
Lệnh trừng phạt không có nhiều tác dụng
Một trong các biện pháp để đối phó với Triều Tiên là áp lệnh trừng phạt, gây sức ép về kinh tế nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các lệnh trừng phạt này không có nhiều tác dụng. Triều Tiên hứng các lệnh trừng phạt nhiều năm qua, song họ vẫn tiếp tục các chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân và thậm chí đạt được những bước tiến lớn.
Giới chuyên gia cho rằng, Triều Tiên đã “thích nghi” với việc lách các lệnh trừng phạt về kinh tế. “Các lệnh trừng phạt chỉ mang tính chiếu lệ”, Ri Jong Ho, một cựu quan chức Triều Tiên đào tẩu cho biết với Washington Post.
Mỹ muốn Nga và Trung Quốc phối hợp để gây sức ép kinh tế với Triều Tiên. Tuy nhiên, Mỹ khó lòng đạt được mục đích này.
Những lần thất bại của chính sách đối phó Triều Tiên
Tổng thống Moon không phải là nhà lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên muốn đối thoại với Triều Tiên. Hai người tiền nhiệm Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun cũng từng theo đuổi đường lối này.
Chính sách của họ là xoa dịu lập trường với Triều Tiên, khuyến khích các liên hệ về chính trị, các thỏa thuận kinh tế.
Một thập niên sau, nhiều người cho rằng chính sách này đã thất bại. Đó là lý do khiến chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak và Park Geun-hye ngừng hoặc rút lại một phần chính sách trên.
Tuy nhiên, sau một thập niên nữa, chính sách cứng rắn với Triều Tiên cũng thất bại, khiến nhiều người cho rằng đến lúc cần thực thi lại chính sách cũ.
Giới quan sát cho rằng, với chính sách giảm đối đầu, chính phủ của Tổng thống Moon có thể đạt được một số thỏa thuận trước mắt với Triều Tiên. Hai bên có thể giảm căng thẳng ở khu phi quân sự, nối lại đường dây nóng quân sự vốn bị cắt hồi năm ngoái.
Một khảo sát mới đây cho thấy, khoảng 77% người Hàn Quốc ủng hộ nối lại đàm phán liên Triều.