Sự độc đáo của nhạc cụ truyền thống trong nền âm nhạc Việt Nam vô cùng to lớn, nhưng việc đào tạo đội ngũ kế cận hiện nay đang là lỗ hổng, có nguy cơ làm mất đi kho tàng độc đáo này.
Đức Minh - nghệ sĩ đàn môi nổi tiếng của Việt Nam |
Diễn ra từ ngày 15/4 đến 23/4, tại TP. Thanh Hóa, Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc - 2017 là hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân tộc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức định kỳ 3 năm một lần.
Liên hoan năm nay có sự tham gia của hơn 900 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 35 đơn vị nghệ thuật công lập, các học viện âm nhạc, nhạc viện, cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên ngành biểu diễn âm nhạc dân tộc trên toàn quốc….
Tuy nhiên, sự thiếu vắng những gương mặt trẻ triển vọng có thể là lớp kế cận cho đội ngũ những nghệ sĩ của nhạc cụ truyền thống đang là một vấn đề cần được các cơ quan quản lý quan tâm.
Độc đáo nhạc cụ truyền thống
Tiến sĩ, NSƯT Nguyễn Thị Hoa Đăng, Phó Trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cho rằng nhạc cụ truyền thống của nước ta hầu hết đều chế tác thủ công, mộc mạc, độc đáo.
Nhạc cụ truyền thống được sử dụng ở nhiều loại hình âm nhạc dân tộc Việt Nam, trong đó có hát xoan Phú Thọ, ca trù, hát quan họ, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, đều là những loại hình âm nhạc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có những loại nhạc cụ bằng tre trên thế giới chỉ có ở Việt Nam như đàn bầu, đàn t’rưng, đàn môi, khèn môi…
Kho tàng nhạc cụ cổ truyền Việt Nam được hình thành trong suốt hành trình cuộc sống và chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua bao thăng trầm của lịch sử, nhạc truyền thống vẫn ngân vang, nói lên vui buồn, ước mơ, khát vọng của người dân Việt Nam.
Nhạc cụ truyền thống là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng 54 dân tộc, giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới, là minh chứng của nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nỗi lo đội ngũ kế cận
Nhìn vào Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc - 2017, là sân chơi có quy mô toàn quốc 3 năm được tổ chức một lần nhưng điều dễ nhận thấy là hầu hết các nhà hát khi tham dự Liên hoan vẫn dựa các thành viên “lão làng”, quen mặt làm nòng cốt cho dàn hòa tấu.
Chia sẻ về thực tế đào tạo chuyên ngành đào tạo nhạc cụ dân tộc, NSND Thanh Tâm thừa nhận hiện nay nhiều người, nhất là các bạn trẻ không mấy mặn mà với nghệ thuật truyền thống. Ở đó, theo NSND Thanh Tâm thì nguyên nhân cũng bắt nguồn từ công tác đào tạo.
Nguyên do là các chương trình giảng dạy chúng ta mới chỉ có khung mà chưa có một hệ thống giáo trình cụ thể thống nhất cho mỗi cây đàn nên việc xây dựng dựng thế nào là một giáo trình chuẩn mực, việc được in ấn, thống nhất bài bản, giáo trình của từng cây đàn là việc vô cùng quan trọng và cần được quan tâm càng sớm càng tốt.
Chuẩn hóa và thống nhất chương trình, giáo trình và số môn học cho người học nhạc cụ truyền thống cũng là vấn đề cần có sự đóng góp ý kiến, thẩm định của nhiều người có nghề và các nhà quản lý văn hóa nhằm đem lại sự thống nhất có tính khả thi cao.
Đồng quan điểm, theo GS.TS Ngô Văn Thành cũng thừa nhận cho đến nay, kết quả đào tạo tài năng âm nhạc ở Việt Nam còn khá hạn chế. Theo GS Thành thì thực tế chúng ta chỉ đào tạo được một số ít tài năng âm nhạc.
Nhưng những “sản phẩm” này còn mang nhiều tính tự phát, ngẫu nhiên, đặc biệt khi được nhìn nhận dưới góc độ quy mô đào tạo của một quốc gia. Những tài năng ít ỏi này phần lớn đều được phát hiện sớm, đào tạo căn bản và thường sống trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Thực tế, so với các nước làng giềng trong khu vực châu Á, chúng ta mới chỉ có những bước tiến khá khiêm tốn.
Đặc biệt, GS Ngô Văn Thành cũng thẳng thắn chỉ ra hầu hết các đơn vị đào tạo hiện nay không thể kiểm định được chất lượng đào tạo và gặp rất nhiều khó khăn trong việc lập những tiêu chí chuẩn về nội dung, quy trình, phương pháp và mục đích quá trình đào tạo. Trong phương pháp giảng dạy, chúng ta vẫn áp dụng tư duy dạy học theo kinh nghiệm truyền nghề là chính. Giáo trình rất nặng nề về các môn học lý thuyết, không tập trung cho mục tiêu đào tạo…