120 doanh nghiệp Việt mở gian trưng bày tại Hội chợ Trung Quốc - Asean 2023. Trồng thành công lúa cạn trên đất màu. Vụ lúa thu đông tại Đồng Tháp đạt gần 100% so với kế hoạch. Nuôi bò 3B thâm canh hiệu quả cao. Thông xe cầu Vàm Sát 2 sau gần 3 năm tạm dừng.
120 doanh nghiệp Việt mở gian trưng bày tại Hội chợ Trung Quốc - Asean 2023
Theo Phóng viên Minh Sáng – Báo Nông nghiệp Việt Nam, hiện đang có mặt tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), hơn 120 doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt tại Hội chợ CAEXPO 2023 ngày 16 đến 17/9 và sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Thương mại - Đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20.
Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hơn 120 doanh nghiệp, đơn vị đến từ 22 tỉnh, thành phố của Việt Nam tham gia trưng bày sản phẩm, dịch vụ tại Hội chợ. Với diện tích gần 4.000m2 và 5 khu gian hàng dàn dựng đặc biệt của các doanh nghiệp lớn như cà phê Trung Nguyên, TH TrueMILK, thực phẩm Vĩnh Tiến, nông sản thực phẩm Vĩnh Hiệp cùng gần 170 gian hàng tiêu chuẩn thuộc các ngành hàng nông sản, thực phẩm chế biến, đầu tư du lịch, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm từ gỗ... trưng bày và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trong toàn bộ khu Nhà Triển lãm số 8 (Hall 8). Bên cạnh doanh nghiệp có gian hàng trưng bày tại hội chợ, năm nay có khoảng 100 doanh nghiệp Việt Nam tham dự các chương trình giao thương, hội thảo tại hội chợ. Tại hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO), các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội làm việc và giao dịch với khoảng 50.000 thương nhân Trung Quốc, doanh nghiệp lớn của các nước ASEAN và quốc tế.
Trồng thành công lúa cạn trên đất màu
Thanh Nga sxTừ kết quả mô hình khảo nghiệm vụ lúa hè thu những năm trước, vụ Hè thu năm 2023, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi 53 ha đất màu trước đây trồng ngô, lạc, đậu xanh hiệu quả không cao chuyển đổi sang sản xuất lúa cạn.Mặc dù thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài, nhưng với khả năng chịu hạn tốt, ít sâu bệnh nên năng suất lúa đạt khá cao. Theo đánh giá của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê, năng suất lúa cạn đạt 50 tạ/ha, tương đương với sản xuất lúa nước. Việc đưa lúa cạn vào sản xuất trên đất màu đã mở ra hướng đi mới cho nông dân các huyện miền núi có diện tích đất màu lớn như huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Kỳ Anh… trong việc nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích
VỤ LÚA THU ĐÔNG TẠI ĐỒNG THÁP ĐẠT GẦN 100% SO VỚI KẾ HOẠCH
Tại Đồng Tháp, vụ lúa thu đông 2023 toàn tỉnh xuống giống được hơn 114.000 ha, đạt gần 100% so với kế hoạch. Hiện diện tích đã thu hoạch gần 8000 ha, năng suất đạt từ 6 - 7 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí thì bà con nông dân có lợi nhuận từ 23 - 27 triệu đồng/ha, tăng từ 7,9 - 13,6 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay cơ cấu giống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có xu hướng dịch chuyển từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống có chất lượng cao chiếm gần 70 % trên tổng diện tích xuống giống. Bên cạnh đó, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi lúa gạo an toàn đã và đang thu hút nhiều nông dân tham gia, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao.
NUÔI BÒ 3B THÂM CANH HIỆU QUẢ CAO
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hỗ trợ 2 hộ dân tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong và xã Gio Châu, huyện Gio Linh triển khai mô hình nuôi bò thịt 3B thâm canh với quy mô 10 con/hộ. Trọng lượng bò giống ban đầu từ 180-200 kg/con.Hộ chăn nuôi được hỗ trợ 50% chi phí thức ăn tinh bột; tập huấn chuyển đổi đất lúa thiếu nước, trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ, ngô sinh khối; ủ thức ăn; dự trữ rơm khô và các phụ phẩm nông nghiêp sẵn có tại địa phương để làm thức ăn cho bò.Kết quả cho thấy, bò tăng trọng trung bình 30kg/con/tháng; trọng lượng sau 10 tháng nuôi bình quân đạt 520 kg/con, ước tính doanh thu mỗi mô hình trên 430 triệu đồng, lãi ròng 100 triệu đồng.Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho hay, trong điều kiện môi trường chăn thả gia súc ngày càng thu hẹp, mô hình chăn nuôi bò 3B theo hướng thâm canh thực sự hiệu quả và thiết thực.
THÔNG XE CẦU VÀM SÁT 2 SAU GẦN 3 NĂM TẠM DỪNG
Sau khi phải tạm dừng thi công gần 3 năm, cầu Vàm Sát 2 huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức được thông xe vào ngày 15/9. Cầu Vàm Sát 2 với vốn đầu tư gần 350 tỉ đồng được đưa vào khai thác khai thác giúp giải tỏa áp lực giao thông cho cầu cũ, giúp người dân đi lại thuận lợi. Cầu được đưa vào khai thác giúp kết nối giao thông xã Lý Nhơn về trung tâm huyện Cần Giờ và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời tạo thuận lợi cho việc đi đến và nối Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh với Cần Giuộc, tỉnh Long An để vận chuyển hàng hóa, phát triển nuôi trồng thủy sản, hàng nông sản, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, du lịch xã Lý Nhơn nói riêng, huyện Cần Giờ nói chung