5.000ha lúa bị gãy đổ do giông lốc. 2 tàu cá bị giông lốc đánh chìm, mắc cạn. Xuất khẩu chè giảm gần 5% về lượng. Hình thành mạng lưới khuyến nông cộng đồng sản xuất cà phê.
5.000HA LÚA BỊ GÃY ĐỔ DO DÔNG LỐC
Rạng sáng ngày 8/5, trận dông lốc đầu mùa đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, khiến gần 5.000 ha lúa, hoa màu tại các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa đang thời kỳ thu hoạch bị hư hại nặng. Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Quảng Bình đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con khắc phục thiệt hại. Huyện Quảng Ninh là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với khoảng 2.500 ha lúa bị đổ rạp. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đã thông kê thiệt hại cụ thể ở từng địa phương và chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân khắc phục bằng cách thoát nước trong ruộng, dựng cây, bó lúa lại thành từng cụm.
2 TÀU CÁ BỊ DÔNG LỐC ĐÁNH CHÌM, MẮC CẠN
Ngày 8/5, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, rạng sáng cùng ngày, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An nhận được tin báo tàu cá mang số hiệu TTH 91075 TS có 4 thuyền viên của ông Trương Viết Hiệp làm thuyền trưởng (ở thôn An Dương 1, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang); Tàu số hiệu TTH 92349 TS có 4 thuyền viên do ông Phan Văn Liền làm thuyền trưởng (ở thôn An Dương 3, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) bị dông lốc đánh chìm cách bờ biển thuộc thôn Cự Lại Nam xã Phú Hải, huyện Phú Vang khoảng 200m. Thông tin ban đầu, khi cả 2 phương tiện trên đang neo đậu cùng ở khu vực thì bị dông lốc làm 1 tàu cá chìm tại chỗ, 1 tàu cá bị sóng đánh lên cạn. May mắn không có thiệt hại về người. Hiện Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An điều động 15 cán bộ chiến sỹ phối hợp với chính quyền địa phương xã Phú Thuận, xã Phú Hải và các cơ quan chức năng có liên quan tham gia triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.
XUẤT KHẨU CHÈ GIẢM GẦN 5% VỀ LƯỢNG
Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu chè ước đạt 30 nghìn tấn, trị giá 50 triệu USD, giảm 4,8% về lượng và giảm 5,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.647 USD/tấn, giảm 1% so với cùng kỳ. Mặt hàng chè xuất khẩu nhiều nhất tới khu vực châu Á trong quý I/2023, tỷ trọng xuất khẩu tới khu vực này chiếm 83,3% tổng trị giá xuất khẩu chè, tăng 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Trong khi đó, chè xuất khẩu tới châu Âu và châu Mỹ lại có tỷ trọng giảm trong quý I. Cục Xuất nhập khẩu nhận định, để đẩy mạnh xuất khẩu chè sang các thị trường lớn có nhu cầu cao cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng thông qua chuyển đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.
HÌNH THÀNH MẠNG LƯỚI KHUYẾN NÔNG CỘNG ĐỒNG SẢN XUẤT CÀ PHÊ
Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông với diện tích hơn 135.000 ha, sản lượng năm 2022 đạt khoảng trên 344.000 tấn. Tuy nhiên, thời gian qua, việc sản xuất cà phê tại các nông hộ chủ yếu mang tính tự phát, làm theo kinh nghiệm là chính, chưa theo quy trình, tiêu chuẩn nào. Do đó, chất lượng cà phê chưa đồng đều, chưa có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Do đó, việc thành lập, củng cố hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng gắn với phát triển vùng nguyên liệu cà phê là hết sức quan trọng. Trong năm 2022, Sở NN-PTNT đã thành lập 2 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm. Thời gian tới, tỉnh Đắk Nông dự kiến sẽ thành lập thêm 8 tổ khuyến nông cộng đồng tại các xã. Các tổ khuyến nông này sẽ hỗ trợ, định hướng cho người dân trong việc sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn, liên kết đầu ra, nâng cao chất lượng. Từ đó, tạo sự ổn định và nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê của địa phương.