Không để bị trục lợi chính sách phòng, chống dịch bệnh vật nuôi. Bắc Kạn: 70ha cây mơ sẽ được cấp mã số vùng trồng. Cần Thơ chi 3,6 tỷ đồng thực hiện chương trình OCOP. TP.HCM có nguy cơ đứt gãy nguồn cung cấp thịt.
KHÔNG ĐỂ BỊ TRỤC LỢI CHÍNH SÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH VẬT NUÔI
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật.
Về đề nghị của Bộ NN-PTNT cho phép áp dụng cơ chế chính sách hỗ trợ dịch bệnh theo quy định để hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi và trâu bò bị tiêu hủy do mắc bệnh viêm da nổi cục năm 2021-2022, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo: Bộ NN-PTNT căn cứ ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ Quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tại, dịch bệnh, để hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện hỗ trợ đối với các đối tượng sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện hỗ trợ, không để xảy ra việc lợi dụng chính sách để trục lợi, lãng phí trong quá trình thực hiện.
Vài năm trở lại đây, tại Bắc Kạn, cây mơ đem lại giá trị kinh tế cao, vụ thu hoạch vừa qua, giá quả mơ vàng cao kỷ lục, đạt 18.000 đồng/kg.
Để tiếp tục phát triển loại cây trồng này phục vụ xuất khẩu, tỉnh Bắc Kạn đang tích cực hỗ trợ người dân xây dựng 70ha diện tích cây mơ được cấp mã số vùng trồng, tập trung ở các huyện Chợ Mới, Chợ Đồn, Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn.
Trong đó chú trọng hỗ trợ việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và các biện pháp chăm sóc để nâng cao chất lượng quả mơ.
Hiện nay tỉnh Bắc Kạn có trên 760ha cây mơ, trong đó có 130ha được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, 70ha được chứng nhận đạt Vietgap.
Những năm gần đây, đa số diện tích trồng mơ của người dân được liên kết, bao tiêu sản phẩm, giá cả ổn định.
Tuy nhiên nhiều diện tích trồng lâu năm đã già cỗi, thoái hóa, người dân cần chú trọng chăm sóc theo đúng kĩ thuật để nâng cao chất lượng quả, đáp ứng yêu cầu để xuất khẩu.
CẦN THƠ CHI 3,6 TỶ ĐỒNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH OCOP
VĂN VŨ
UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Ðề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn thành phố năm 2023. Tổng kinh phí thực hiện chương trình OCOP năm 2023 dự kiến là 3,6 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách 1,9 tỉ đồng, huy động xã hội hóa 1,7 tỉ đồng.
Theo đó, thành phố tiêu chuẩn hóa 92 sản phẩm dịch vụ hiện có, phát triển và củng cố các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP bao gồm các doanh nghiệp và hợp tác xã, triển khai phát triển 1 làng du lịch kết hợp với các sản phẩm của địa phương, phát triển thêm 10 sản phẩm OCOP 3 sao, 10 sản phẩm 4 sao và phấn đấu có 2 sản phẩm 5 sao.
Ngoài ra, thành phố triển khai nội dung chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 cho 100% cán bộ quản lý nhà nước các cấp và các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP. Ðồng thời, đào tạo 100% cán bộ quản lý nhà nước (cấp thành phố và quận, huyện) tham gia chương trình OCOP, 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP được đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh.
ĐỒNG NAI DI DỜI 3.000 CƠ SỞ NUÔI GIA SÚC, NÔNG DÂN THIỆT HẠI KÉP
(LÊ BÌNH)
Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, toàn tỉnh có 3.006 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh buộc phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trước 1/1/2025. Lý do khiến các trang trại phải di dời, dừng hoạt động vì các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Công, việc di dời quá gấp gáp (trong vòng hơn 2 năm) sẽ gây thiệt hại cho hàng ngàn hộ chăn nuôi, doanh nghiệp do liên tục thua lỗ khiến nhiều hộ không có kinh phí di dời.
Đồng thời, các công ty chăn nuôi lớn chiếm khoảng 60% nguồn cung sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Việc di dời, trong đó có nhiều trang trại phải dừng hoạt động ở nơi được xem là thủ phủ chăn nuôi có thể gây đứt gãy chuỗi cung cấp thực phẩm cho tỉnh lẫn TPHCM.
Giải pháp thực hiện, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Đồng Nai có lộ trình di dời kéo dài ít nhất 4-5 năm để cơ sở chăn nuôi có thời gian chuẩn bị, tránh thiệt hại.