Quyết liệt phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Cần Thơ muốn mở đường lớn cho lúa hữu cơ. Xuất khẩu sắn đạt trên 1 tỷ USD trong 10 tháng. Nhiều cơ hội xuất khẩu ngao đến các thị trường khó tính. Cà phê xuất khẩu dự báo tăng ít nhất 20 USD/tấn.
QUYẾT LIỆT PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
An Khang – Khai thác
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 1097 ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Theo đó, để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh tả lợn Châu Phi kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 530 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi buộc tiêu hủy trên 20.000 con lợn tại 44 tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình, Đắk Lắk,..; dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng từ tháng 8 trở lại đây tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn và bảo đảm nguồn cung thực phẩm.
CẦN THƠ MUỐN MỞ ĐƯỜNG LỚN CHO LÚA HỮU CƠ
Khai thác
Tuy không phải là địa phương nằm trong Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 của Chính phủ nhưng Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ vẫn quyết tâm hình thành vùng sản xuất lúa hữu cơ với quy mô dự kiến khoảng 4.000ha. Địa phương này đang tiến hành khảo sát một số vùng có tiềm năng đưa vào quy hoạch phát triển mô hình lúa hữu cơ, với các tiêu chí kỹ thuật được đưa ra khá khắt khe như: Đảm bảo 100% không sử dụng và ngăn chặn các yếu tố hóa học đầu vào; không sử dụng giống biến đổi gen; thiết kế lại hệ thống thủy lợi độc lập để đảm bảo đồng bộ nguồn nước…
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ, sau khi hoàn thành khảo sát và công bố vùng sản xuất lúa hữu cơ, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu UBND TP. Cần Thơ ban hành quyết định về nguyên tắc canh tác trong vùng lúa hữu cơ. Vừa qua, kết quả từ mô hình thực nghiệm của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) triển khai tại TP. Cần Thơ cho thấy, 9 tấn rơm sẽ cho ra được 7 tấn phân bón hữu cơ. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ sinh học, TP Cần Thơ hoàn toàn có thể tận dụng và tác động vào quy trình canh tác lúa hữu cơ.
XUẤT KHẨU SẮN ĐẠT TRÊN 1 TỶ USD TRONG 10 THÁNG
Khai thác
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 268.000 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, tương đương khoảng 136 triệu USD, tăng 12,6% về lượng và tăng 33% về trị trị giá so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,4 triệu tấn, trị giá 1,03 tỷ USD, giảm 6,4% về lượng và giảm 8,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất. Tính chung 10 tháng qua, Trung Quốc đã chi hơn 929 triệu USD để mua gần 2,18 triệu tấn sắn và sản phẩm sắn, chiếm 90,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này của Việt Nam. Đứng thứ 2 là thị trường Nhật Bản, qua 10, Nhật Bản chi 1,85 triệu USD để nhập hơn 3.500 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, tăng tới 505,5% về lượng và tăng 432,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
NHIỀU CƠ HỘI XUẤT KHẨU NGAO ĐẾN CÁC THỊ TRƯỜNG KHÓ TÍNH
Khai thác
Hiện nay, Việt Nam có 4 vùng nuôi ngao đạt chứng nhận ASC đạt chứng nhận ASC - xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản là: Nam Định, Ninh Bình, Tiền Giang và Trà Vinh. Với giấy thông hành này, ngao nước ta sẽ có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật, Úc… Ngao là 1 trong 4 loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cùng với tôm, cá tra và cá rô phi. Loại thực phẩm này được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới, nhất là Liên minh châu Âu (EU).
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, xuất khẩu sản phẩm nhuyễn thể của nước ta mang về gần 150 triệu USD, riêng ngao chiếm 70% - đạt 104,5 triệu USD. Trong đó, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng của ngao Việt Nam - năm 2022 đạt 87 triệu USD, tăng 37% so với năm trước. Trong giai đoạn hiện nay, người tiêu dùng châu Âu đang có xu hướng sử dụng sản phẩm ngao thịt, ngao trắng/nâu hấp nguyên con và sản phẩm chế biến sẵn như ngao hấp bơ tỏi, nghêu sốt gia vị tomyum…
CÀ PHÊ XUẤT KHẨU DỰ BÁO TĂNG ÍT NHẤT 20 USD/TẤN
Khai thác
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), từ tháng 8/2023 đến nay, số lượng cà phê xuất khẩu giảm nhiều. Tháng 10/2023, lượng xuất khẩu chỉ đạt hơn 43.700 tấn, tương đương 54% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến niên vụ cà phê 2023-2024 sản lượng giảm 10% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người dân sẽ đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái.
Với dự báo này, VICOFA nhận định, giá cà phê sẽ tăng và mức tăng không dưới 20 USD/tấn, do nhu cầu thị trường vẫn lớn, đặc biệt là Liên minh Châu Âu (EU) giai đoạn từ nay đến tháng 4 năm sau. Ngoài ra, ngành cà phê cũng kỳ vọng sẽ biến thách thức thành cơ hội bằng việc đáp ứng các quy định mới của thị trường EU như: Quy định về chống phá rừng và suy thoái rừng của EU (EUDR); luật Thẩm định chuỗi cung ứng; quy định giảm phát thải khí nhà kính…