Bắc bộ sắp bước vào đợt mưa lớn. Diện tích sản xuất lúa toàn vùng ĐBSCL ước giảm hơn 16.000ha. Giá lúa vụ hè thu tăng cao, nông dân lãi lớn. Bàn cách chống ngập cho TP Rạch Giá.
Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh về việc ứng phó với mưa lớn khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Bộ NNPTNT đề nghị UBND các tỉnh khẩn trương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy; tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Theo các chuyên gia của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 10 ngày tới, thời tiết Bắc Bộ vào đợt mưa lớn kéo dài khoảng 3-4 ngày, sau đó duy trì mưa rải rác đến hết tháng.
Diện tích sản xuất lúa toàn vùng ĐBSCL ước giảm hơn 16.000ha
Minh Đảm - Hoàng Vũ sx
Ngày 20/8, tại tỉnh Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2024, đồng thời triển khai kế hoạch sản xuất năm 2025 tại đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, năm 2024, diện tích gieo trồng cây lúa đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 3,82 triệu ha, sản lượng 24,14 triệu tấn, năng suất 63,12 tạ/ha. So với năm 2023, diện tích giảm 16,35 nghìn ha, nhưng sản lượng tăng 11,13 nghìn tấn, năng suất tăng 0,30 tạ/ha.
Nhờ vậy, trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành đạt 34,27 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu gạo 3,27 tỷ USD (tăng 25,1%) với giá xuất khẩu bình quân đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2%.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan trên, nhưng sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL phải đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn; Sử dụng đất nông nghiệp chưa hiệu quả gây suy thoái đất đai; Sử dụng vật tư đầu vào (giống, phân bón...) chưa hợp lý gây lãng phí nguồn lực và gây ô nhiễm môi trường; Việc sử dụng nguồn nước, khả năng cung ứng nước cho cây trồng theo khung thời vụ còn nhiều bất cập...
Giá lúa vụ hè thu tăng cao, nông dân lãi lớn
Tâm Phùng sx
Vụ hè thu năm nay, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình gieo cấy trên 15.500ha lúa, tăng hơn vụ hè thu năm ngoái trên 1.000ha. Các giống lúa chủ lực được cơ cấu vào thời vụ như PC6, HN6, SV181, QC03…Năng suất vụ hè thu ước đạt khoảng 55 tạ/ha, giữ ổn định trong mức cao của những năm gẩn đây. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 60% tổng diện tích. Các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Phấn đấu đến cuối tháng 8, cơ bản thu hoạch xong.
Đến nay, giá lúa tăng cao so với vụ đông xuân. Theo đó, giá lúa tươi thu mua tại ruộng là 7, 2 triệu đồng mỗi tấn. Giá lúa phơi một nắng là 8,2 triệu đồng và giá lúa đã phơi khô khén đạt 9,3 triệu đồng mỗi tấn.
Theo nhiều bà con nông dân, giá lúa vụ hè thu tăng cao và được mùa nên nông dân lãi lớn. Tính ra, sau khi trừ đi các chi phí, nỗi ha lúa cho nông dân lãi từ 20-30 triệu đồng.
Bàn cách chống ngập cho TP Rạch Giá
Văn Vũ sx
Đang vào mùa mưa nên nhiều tuyến đường trong nội ô TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang thường xuyên bị ngập sâu trong nước, hiện thành phố Rạch Giá đang triển khai nhiều giải pháp để thành phố không còn bị ngập.
Theo UBND TP. Rạch Giá, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nước tại TP. Rạch Giá là do hệ thống thoát nước hình thành từng bước cùng sự phát triển và đô thị hóa không đồng bộ, cao độ đặt cống sau cao hơn cống trước; nhiều tuyến cống được đầu tư giai đoạn trước có đường kính nhỏ, nằm sâu, gây khó khăn trong việc nạo vét lòng cống, không đủ khả năng thoát nước.
Quá trình đô thị hóa làm giảm sự điều tiết tự nhiên của bề mặt; các ao, hồ, kênh tiêu thoát nước tự nhiên bị san lấp dần, làm giảm diện tích mặt nước của thành phố. Nhiều hố ga bị bùn lắng đọng hoặc bị tắc nghẽn bịt kín miệng thu; có hố ga bị dân bịt kín để ngăn mùi hôi bốc lên, làm cho nước mưa không được thu xuống cống…
Hiện tại, UBND TP. Rạch Giá đang phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thực hiện cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Trung Trực và đường 3 Tháng 2 để cải tạo hệ thống cống dọc của hai con đường này. Còn những con đường khác khi có đủ nguồn sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống cống thoát nước trục ngang, trục dọc để hạn chế tình trạng ngập.