Bưởi Phước Bình được cấp mã số xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Việt Nam chi 1,41 tỷ USD nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Nghệ An: Châu chấu hoành hành tại huyện Tân Kỳ. Sóc Trăng phê duyệt dự án phát triển chăn nuôi hơn 2.200 tỷ đồng.
BƯỞI PHƯỚC BÌNH ĐƯỢC CẤP MÃ SỐ XUẤT KHẨU SANG HOA KỲ
Bưởi Phước Bình là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ phê duyệt và cấp mã số vùng trồng với diện tích 23ha, thuộc xã Phước Bình, huyện Bác Ái. Mã số này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/6 tới đây. Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận thông báo cho đại diện vùng trồng có mã số được biết để xuất khẩu bưởi Phước Bình và yêu cầu tuân thủ đúng các quy định của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận tiếp tục thực hiện giám sát để đảm bảo vùng trồng này luôn duy trì tình trạng tuân thủ quy định của nước nhập khẩu; kiểm tra thực tế và gửi báo cáo giám sát về bảo vệ thực vật trong thời gian 90 ngày, trước vụ thu hoạch tiếp theo để làm căn cứ duy trì mã số.
VIỆT NAM CHI 1,41 TỶ USD NHẬP KHẨU SẢN PHẨM CHĂN NUÔI
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 5 tháng đầu năm đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 571 triệu USD, tăng 0,5%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 511 triệu USD, giảm 3,8%. Ở chiều ngược lại, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 190 triệu USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
NGHỆ AN: CHÂU CHẤU HOÀNH HÀNH TẠI HUYỆN TÂN KỲ
Từ đầu tháng 5 đến nay, nạn châu chấu bùng phát mạnh tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã khiến nhiều diện tích trồng tre, mét của người dân bị thiệt hại. Không chỉ ăn trụi hết lá mét, châu chấu còn tràn xuống các vườn ngô, cỏ sữa,… gần nhà của người dân. Theo đại diện Phòng NN-PTNT huyện Tân Kỳ, tình trạng châu chấu tàn phá tre mét đã diễn ra vài năm gần đây trên địa bàn. Châu chấu sinh trưởng vào mùa nắng nóng, ấu trùng dưới đất hàng năm lại sinh sôi. Năm nay có sự phát triển đột biến do nắng nhiều. Huyện đã chỉ đạo phun hóa chất diệt châu chấu, tuy nhiên hiệu quả chỉ khoảng 60-70% do một số bay đi nơi khác. Hiện châu chấu đã tàn phá khoảng 50-60 ha tre, mét của người dân xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ.
SÓC TRĂNG PHÊ DUYỆT DỰ ÁN PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI HƠN 2.200 TỶ ĐỒNG
Từ năm 2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Dự án “Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”, với tổng kinh phí trên 2.200 tỷ đồng. Đây được xem là dự án chăn nuôi bò quy mô lớn ở khu vực ĐBSCL. Ông Trần Văn Đốm, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng cho biết, lợi thế trong phát triển chăn nuôi bò của tỉnh nhờ đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản từ cơ bản đến nâng cao qua nhiều năm. Cộng với tinh thần gắn bó, quyết tâm phát triển mô hình chăn nuôi mang hiệu quả kinh tế cao này từ bà con nông dân. Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, phát triển chăn nuôi bò thịt bình quân mỗi hộ nuôi từ 4 – 5 con, tăng số lượng đàn bò thịt đạt 77.000 con và sản lượng thịt hơi đạt 5.000 tấn/năm. Đối với bò sữa, phấn đấu bình quân mỗi hộ nuôi từ 5 – 6 con bò sữa. Tăng số lượng đàn bò sữa đạt 11.000 con.