Quy định nông sản không gây mất rừng của EU: Cơ hội để thay đổi. Trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp NN-PTNT cho bà Stefania Dina. Nhóm cổ phiếu ngành nông nghiệp tăng giá. Gắn bảo tồn nguồn lợi thủy sản với khai thác du lịch sông Sài Gòn.
QUY ĐỊNH NÔNG SẢN KHÔNG GÂY MẤT RỪNG CỦA EU: CƠ HỘI ĐỂ THAY ĐỔI
Chiều 31/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có phiên họp với các Hiệp hội ngành hàng về Quy định mới của EU về phòng chống phá rừng.Ông Nguyễn Hải Nam – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam nhận định, thời gian chính thức thực hiện dự luật cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng của các quốc gia Châu Âu không còn nhiều, do đó, Việt Nam phải đẩy mạnh việc phổ biến và thực thi quy định trên. Bà Trần Thị Quỳnh Chi - Giám đốc Vùng Cảnh quan Châu Á - Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH đề xuất Bộ NN-PTNT, cơ quan chuyên môn và các công ty cung cấp dữ liệu, hỗ trợ kĩ thuật để xây dựng cơ sở dữ liệu về giám sát bảo vệ rừng, dữ liệu vườn trồng.Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng các quy định về phát triển bền vững của Châu Âu là cơ hội để ngành nông nghiệp thay đổi và chứng minh với thế giới là Việt Nam thực sự tăng trưởng xanh.Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan tham mưu Bộ trình khung hành động, lấy ý kiến của các hiệp hội ngành hàng để sớm có chương trình triển khai phù hợp với quy định mới của Châu Âu.
TRAO KỶ NIỆM CHƯƠNG VÌ SỰ NGHIỆP NN-PTNT CHO BÀ STEFANIA DINA
Chiều 31/5, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức lễ trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” cho Bà Stefania Dina, chuyên viên cao cấp, Ngân hàng phát triển Châu Á – ADB tại Việt Nam. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ NN-PTNT chia sẻ, Lễ trao kỷ niệm chương nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của Bà Stefania Dina cùng ADB đối với sự phát triển vượt bậc của ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Thay mặt Bộ NN-PTNT, Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chúc bà Stefania Dina sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công hơn nữa trên những cương vị mới. Trân trọng sự ghi nhận của Bộ NN-PTNT, Bà Stefania Dina cho biết, Việt Nam là đất nước bà luôn dành tình cảm đặc biệt và chúc ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.
NHÓM CỔ PHIẾU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TĂNG GIÁ
Phiên giao dịch ngày 31/5, trong bối cảnh hầu hết các nhóm cổ phiếu phân hóa với sắc xanh và đỏ đan xen thì cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đồng loạt đi lên. Theo đó, cổ phiếu thủy sản chỉ còn duy nhất Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (mã cổ phiếu ABT) giảm giá. Cổ phiếu của các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang, Công ty Cổ phần Nam Việt, Tập đoàn Camimex, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thủy sản, Công tỷ cổ phần Nông nghiệp Hùng Hậu,… ở chiều giá xanh. Cổ phiếu mía đường cũng tăng mạnh, với Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn tăng kịch trần, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa cũng ở chiều giá xanh. Ở lĩnh vực chăn nuôi, cổ phiếu tập đoàn Dabaco tăng 5,3%, Hoàng Anh Gia Lai tăng 2,4%, BAF tăng 1,7% và Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam tăng 1,2%.
GẮN BẢO TỒN NGUỒN LỢI THỦY SẢN VỚI KHAI THÁC DU LỊCH SÔNG SÀI GÒN
Ngày 31/5, Sở NN-PTNT TP.Hồ Chí Minh tổ chức buổi khảo sát thực địa lưu vực sông Sài Gòn nhằm đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên tại các thủy vực trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Hồ Chí Minh: Qua tiến hành khảo sát khoảng gần 70km sông Sài Gòn cho thấy, phần hạ lưu sông Sài Gòn vào khoảng từ 15 đến 20 ngàn hecta, như vậy tiềm năng để khai thác nguồn lợi thủy sản còn rất lớn. Hiện sông Sài Gòn mới chỉ tập trung khai thác về mặt vận chuyển hàng hóa là chính, kể cả góc độ khai thác du lịch cũng chưa chưa rõ nét. Riêng về dịch vụ vận chuyển hành khách trên sông thì không có trong khi trên đường bộ thì lại rất đông đúc. Ngoài ra, toàn tuyến sông Sài Gòn hiện nay chỉ có khoảng 10 bến bãi. Do đó, nếu thành phố có giải pháp khai thác bờ hữu sông Sài Gòn thì có thể sẽ giảm áp lực cho nội đô thành phố rất hiệu quả. Trong thời gian tới, các sở ngành sẽ cùng nghiên cứu các phương án gắn bảo tồn nguồn lợi thủy sản với khai thác du lịch.