Giá tăng 6 lần, nông dân ồ ạt trồng cau. Cá heo đuôi đỏ, giống thủy sản mới nhiều triển vọng. Việt Nam mới tự chủ được 37% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Thời cơ với nông sản điện tử từ tệp khách hàng 51 triệu người.
GIÁ TĂNG 6 LẦN, NÔNG DÂN Ồ ẠT TRỒNG CAU
Theo các nhà vườn trồng cau tại tỉnh Bến Tre, giá cau tươi thu mua tại vườn hiện ở mức 25.000-30.000 đồng/kg, tăng gấp 6-7 lần so với năm 2020. Trong khi đó dừa khô nguyên liệu chỉ có 20.000 đồng/chục, khiến nhiều nhà vườn tại Bến Tre không còn "mặn mà" với cây dừa và đổ xô tìm mua cây cau giống về trồng xen trong các vườn dừa. Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre cho hay, cây cau được người dân chủ yếu trồng ở bờ rào hoặc xen kẽ trong vườn dừa, các vườn cây ăn quả để kiếm thêm thu nhập trên cùng một diện tích canh tác. Thế nhưng, người dân cần cân nhắc khi mở rộng diện tích, đặc biệt cũng hạn chế thay cây cau bằng các cây trồng cũ. Đồng thời, cần tìm hiểu thị trường tiêu thụ cau lâu dài tránh trường hợp đổ xô trồng rồi sau đó giá xuống thấp, cung vượt cầu và không tìm được đầu ra nông sản.
GIÁ CÁ HEO ĐUÔI ĐỎ, GIỐNG THỦY SẢN MỚI NHIỀU TRIỂN VỌNG
Tại ĐBSCL, giá cá heo đuôi đỏ loại 25 - 30 con/kg đang được thương lái thu mua với mức giá lên đến 450.000 đồng/kg. Loại 15 - 20 con/kg cũng có mức giá khá cao, ở ngưỡng 500.000 đồng/kg. Cá heo đuôi đỏ có tên khoa học là Botia modesta bleeker, là loài cá nước ngọt đặc trưng ở vùng nhiệt đới. Cá có kích thước nhỏ từ 3 - 5cm/con, da trơn xanh bóng, đuôi màu cam đỏ. Loài cá này được tìm thấy ở lưu vực sông Mê Kong của các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.Cá heo đuôi đỏ trước đây được đánh bắt ngoài tự nhiên, nhất là vào mùa lũ hàng năm ở An Giang. Những năm trở lại đây, tận dụng diện tích mặt nước, nhiều nông dân làm lồng bè trên sông để thả nuôi cá heo đuôi đỏ. Mô hình này đang mang lại thu nhập cao và ổn định.
VIỆT NAM TỰ CHỦ ĐƯỢC KHOẢNG 37% THỨC ĂN CHĂN NUÔI
Thống kê của Cục chăn nuôi cho thấy, trong tổng số 35 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sử dụng hàng năm, Việt Nam hiện chỉ tự chủ được khoảng 37% còn lại phải nhập khẩu nước ngoài.Hiện thức ăn chăn nuôi chiếm từ 60 - 70% giá thành sản phẩm nói chung. Trong cơ cấu giá thành sản phẩm thịt lợn, thức ăn chăn nuôi chiếm từ 59 - 65%, chi phí giống chiếm 22 - 24%, còn lại là các chi phí khác. Riêng đối với sản phẩm gia cầm, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm từ 69 - 75% giá thành.Tới đây, Cục Chăn nuôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với ngành trồng trọt, ngành chế biến thực phẩm, các viện nghiên cứu, địa phương và doanh nghiệp để thực hiện một số giải pháp để tận dụng và sử dụng hiệu quả phụ phẩm công nông nghiệp.
CƠ HỘI LỚN ĐỂ NÔNG SẢN CÓ MẶT TRÊN CÁC SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Trong năm 2022, số lượng người Việt mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so với năm trước, tổng chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến đạt 12,42 tỷ USD. Cùng thời điểm này Google và Bain & Company dự báo quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để ngành nông nghiệp đẩy mạnh kinh doanh nông sản trên các sàn thương mại điện tử. Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền Thông đặt mục tiêu có 10 triệu tài khoản của các nông hộ được tạo trên các sàn thương mại điện tử Postmart, Vỏ Sò, 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đưa lên sàn thương mại điện tử.