Cả nước vẫn có hơn 24.600 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Giá dê hơi khởi sắc. Việt Nam đã xuất siêu 9,8 tỷ USD. Sóc Trăng: Đường cao tốc hoàn thành sẽ giúp nông nghiệp phát triển.
CẢ NƯỚC VẪN CÓ HƠN 24.600 CƠ SỞ GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT NHỎ LẺ
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Thú y, có trên 70% cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động.
Cụ thể, cả nước vẫn có hơn 24.600 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ; trong đó chỉ có gần 7.400 cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Nhiều địa phương có trên 1.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ như Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương… Mặc dù các địa phương này đều không phải các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế không phải khó khăn, tuy nhiên việc kiểm soát giết mổ vẫn chưa chuyển biến tích cực do chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức.
Trước thực trạng trên, Cục Thú y kiến nghị, UBND các tỉnh, thành phố rà soát, phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung; trong đó mỗi huyện phải có ít nhất 1 cơ sở giết mổ động vật tập trung.
GIÁ DÊ HƠI KHỞI SẮC
Sau một thời gian ở mức thấp, hiện giá dê hơi tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 1 tháng.
Giá dê hơi loại 1 từ 38 đến 43kg/con được nông dân bán cho thương lái ở mức 75.000 đồng/kg, trong khi trước đây giá chỉ 70.000 đồng/kg. Dê hơi loại 2 từ 65.000 đồng/kg, nay lên 70.000 đồng/kg.
Giá dê tăng do nguồn cung tại nhiều địa phương giảm trong khi lượng dê hơi tới lứa xuất bán không còn nhiều như trước.
Nhiều hộ nuôi dê vỗ béo bằng thức ăn công nghiệp vẫn còn bị lỗ vốn do chi phí chăn nuôi cao, nhất là khi trước đây phải mua con giống giá cao.
VIỆT NAM ĐÃ XUẤT SIÊU 9,8 TỶ USD
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước đạt 262,5 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136 tỷ USD,nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126 tỷ USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 9,8 tỷ USD.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, hàng nông sản, lâm sản ước đạt 10,8 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 3,4 tỷ USD, chiếm 2,5%.
Về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
SÓC TRĂNG: ĐƯỜNG CAO TỐC HOÀN THÀNH SẼ GIÚP NÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN
VĂN VŨ – hình tự quay
Sáng 3/6, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm lắng nghe những ý kiến, phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại buổi đối thoại. các doanh nghiệp đã nêu lên một số khó khăn trong sản xuất giống, dịch bệnh trên thủy sản. Vận chuyển hàng hóa, nông sản gặp nhiều khó khăn do các tuyến lộ giao thông đã xuống cấp. Các doanh nghiệp kiến nghị tỉnh nên tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu, những ý kiến của các doanh nghiệp sẽ được UBND tiếp nhận và sẽ chỉ đạo các cấp khắc phục trong thời gian tới. Ngoài ra, trong tháng 6 này tỉnh sẽ tổ chức 2 sự kiện quan trọng là Lễ khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng.
Hiện quy hoạch đang được trình Hội đồng quốc gia để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ. Đây là dấu mốc lịch sử đối với tỉnh Sóc Trăng, khi tuyến cao tốc được hoàn thành sẽ giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản được thuận lợi, qua đó sẽ giúp nông nghiệp của tỉnh phát triển.