Xây dựng lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù. Tỉnh đầu tiên đề nghị thành lập bộ phận SPS. Phân loại sản phẩm rau vụ đông cho từng thị trường xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ vào khai thác thủy sản.
XÂY DỰNG LÂM NGHIỆP TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ - KỸ THUẬT ĐẶC THÙ
Thanh Thuỷ - Sản xuất
Chiều 28/11, Cục Lâm nghiệp tổ chức buổi gặp mặt các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11/1959 – 28/11/2023).
Theo đại diện Cục Lâm nghiệp, diện tích rừng hiện có của cả nước là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42%. Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) về đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu, Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, ước tính có khoảng 25 triệu người, với trên 12 triệu là đồng bào dân tộc thiểu số đang sống gần rừng, hàng ngày thực hiện hoạt động hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ rừng. Ngoài ra, hoạt động lâm nghiệp còn được thực hiện tại các khu công nghiệp chế biến lâm sản, các làng nghề sử dụng các nguyên liệu từ rừng để chế biến lâm sản. Những kết quả này cho thấy ngành Lâm nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp đầu vào cho các ngành kinh tế khác phát triển.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đề nghị ngành lâm nghiệp tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, đề án trọng điểm để xây dựng ngành Lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù…
TỈNH ĐẦU TIÊN ĐỀ NGHỊ THÀNH LẬP BỘ PHẬN SPS
Khai thác
Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai) vừa có văn bản gửi Văn phòng SPS Việt Nam xin ý kiến về nội dung thành lập bộ phận SPS tại tỉnh này. Mục tiêu được đặt ra là kết nối với Văn phòng SPS Việt Nam, kịp thời nắm bắt, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản trong tỉnh đáp ứng các quy định về SPS của thị trường các nước. Đồng thời, đây là mô hình thí điểm về phát triển hệ thống SPS từ văn phòng thuộc Trung ương về các tỉnh.
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lào Cai đề nghị Văn phòng SPS Việt Nam nghiên cứu, đồng ý và hỗ trợ tỉnh Lào Cai thí điểm thành lập bộ phận SPS tại tỉnh. Hướng dẫn xây dựng bộ máy tổ chức và hoạt động của bộ phận SPS tại tỉnh Lào Cai.
PHÂN LOẠI SẢN PHẨM RAU VỤ ĐÔNG CHO TỪNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
Phạm Huy - Sản xuất
Chiều 28/11, đại biểu 31 địa phương phía Bắc đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất rau vụ đông tại tỉnh Hải Dương. Vụ đông năm nay, địa phương này đã mở rộng thêm 400 ha nâng tổng diện tích sản xuất lên 21.000 ha.
Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, để tạo thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo sản xuất theo hướng phân loại sản phẩm cho từng thị trường. Ví dụ, với Nhật Bản, Hàn Quốc là cà rốt cỡ to phục vụ ăn sống, với các nước Halal là cà rốt cỡ nhỏ để nấu cà ri. Bên cạnh đó, Hải Dương xác định sẽ tập trung sản xuất rau vụ đông theo hướng hữu cơ, đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VÀO KHAI THÁC THUỶ SẢN
Tiến Thành - Sản xuất
Ngày 28/11, tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Viện nghiên cứu Hải sản phối hợp cùng Chi cục thủy sản tỉnh Quảng Ninh tổ chức buổi tập huấn chuyển giao quy trình công nghệ trong khai thác thủy sản.
Theo ông Nguyễn Phi Toàn, Viện phó Viện nghiên cứu Hải sản, trong bối cảnh hoạt động khai thác thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức thì việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, khoa học - kỹ thuật vào khai thác là yếu tố quan trọng giúp ngư dân nâng cao năng suất, hiệu quả cũng như chất lượng cho sản phẩm thủy sản sau khai thác.
Tại buổi tập huấn, Viện nghiên cứu Hải Sản đã chuyển giao các công nghệ nhằm cơ giới hóa, hiện đại hóa đội tàu cá. Ứng dụng các công nghệ khai thác tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường như tời thủy lực cho nghề lưới chụp và tời thủy lực cho nghề lưới rê tầng đáy...