Theo UBND tỉnh Đồng Nai, các công ty chăn nuôi có vốn đầu tư FDI cần vào cuộc và có trách nhiệm để chung tay bảo vệ môi trường khi thuê cơ sở chăn nuôi gia công trên địa bàn tỉnh.
Sapo: Theo UBND tỉnh Đồng Nai, các công ty chăn nuôi có vốn đầu tư FDI cần vào cuộc và có trách nhiệm để chung tay bảo vệ môi trường khi thuê cơ sở chăn nuôi gia công trên địa bàn tỉnh.
Lời bình: Đây là những hình ảnh mà phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam ghi nhận tại các cơ sở chăn nuôi tập trung của Đồng Nai. Hệ thống hầm biogas phủ bạt tạm bợ, bể chứa chất thải để lộ thiên có màu nâu đỏ, thậm chí có bể chứa đã nổi màu rêu xanh, mùi hôi thối phủ khắp cả khu vực trang trại. Thậm chí, nước thải bằng nhiều cách đã tràn ra sông suối, gây hôi thối, tác động đến mọi mặt của người dân.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, có tới 328 cơ sở chăn nuôi có hợp đồng nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi có vốn đầu tư FDI, như Japfa Comfeed Việt Nam, CJ Vina Agri và Sunjin Vina… nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục về môi trường. Nhiều trang trại trong số này đã nhiều lần bị xử phạt về hành vi xả thải ra môi trường. Đoàn kiểm tra cũng đã có thông báo đến các công ty thuê chăn nuôi gia công để nhắc nhở nhưng không hiểu sao họ vẫn tiếp diễn.
Long Thành và Thống Nhất là hai thủ phủ chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là địa phương có nhiều trang trại tập trung nhất tỉnh, chuyên chăn nuôi gia công cho các công ty công ty chăn nuôi có vốn đầu tư FDI. Tất cả đã bị yêu cầu tạm ngưng kinh doanh để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Phỏng vấn Ông Nguyễn Đình Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai:Chúng tôi đã làm việc trực tiếp, làm việc với các doanh nghiệp FDI kí hợp đồng chăn nuôi với các hộ này, yêu cầu họ không được thả đàn khi các cơ sở này chưa khắc phục, sửa chữa các hệ thống xử lý chất thải. Chúng tôi thực hiện cưỡng chế, niêm phong nhiều chuồng trại khi mà chưa đảm bảo hệ thống xử lý chất thải.
Phỏng vấn Ông Nguyễn Văn Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai: Huyện Xuân Lộc cương quyết không phát triển kinh tế bằng bất cứ giá nào. Và huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp này để cho thế hệ lương lai có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Lời bình: Trang trại này của anh Phan Tú nuôi heo gia công cho công ty CJ Vina Agri tại xã Hưng Lộc từ nhiều năm nay. Từ khi bị đoàn công tác của huyện Thống Nhất kiểm tra và xử phạt từ hồi đầu tháng 3, trang trại bị tạm ngưng chăn nuôi. Để tiếp tục tái đàn, anh Tú phải đi vay ngân hàng và đầu tư số tiền lớn để đáp ứng yêu cầu về xử lý chất thải. Cũng giống như hàng chục hộ chăn nuôi gia công tại xã Hưng Lộc, họ như đứng giữa ngã ba đường, cần sự hỗ trợ từ chính đối tác của mình để tiếp tục bám trụ với nghề.
Phỏng vấn Anh Phan Tú - Xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai: Mình nuôi gia công có 800 con heo thôi mà đầu tư toàn bộ hệ thống xử lý gần 1 tỷ bạc, vốn vay ngân hàng hết trơn luôn.
Phỏng vấn Chị Trần Thị Thùy Vân - Xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai: Kinh tế bây giờ rất khó khăn, chúng tôi đã ngưng chăn nuôi 6-7 tháng nay rồi, không chăn nuôi được nữa, buộc phải số tiền rất là lớn. Nói chung là cũng nhờ bên phía công ty hỗ trợ cho chút đỉnh.
Lời bình: Đối với các doanh nghiệp thuê chăn nuôi gia công, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu phải cộng đồng trách nhiệm với chủ trại trong đầu tư chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải. Như vậy người chăn nuôi sẽ hạn chế vi phạm pháp luật, hạn chế rủi ro, còn DN có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng.
Phỏng vấn Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Tỉnh Đồng Nai đang kêu gọi các cơ sở, trang trại ứng dụng khoa học công nghệ để bảo vệ môi trường, gắn với việc sản xuất. Để làm sao việc sản xuất của mình không ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Lời bình: Quan điểm thống nhất của Đồng Nai là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Do đó, tỉnh sẽ mạnh tay xử lý các cơ sở chăn nuôi để xảy ra ô nhiễm môi trường và quyết liệt, không có vùng cấm.