| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi Đồng Nai trước sứ mệnh mới [Bài cuối]: Ứng dụng công nghệ cao kiểm soát dịch bệnh

Thứ Hai 28/08/2023 , 06:08 (GMT+7)

Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp giảm nhân công, nâng cao chất lượng mà còn là điều kiện để Đồng Nai kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhất.

Hệ thống chuồng lồng chữ H mà HTX Long Thành Phát, huyện Cẩm Mỹ sắp đưa vào hoạt động vào đầu tháng 9 tới. Ảnh: Lê Bình.

Hệ thống chuồng lồng chữ H mà HTX Long Thành Phát, huyện Cẩm Mỹ sắp đưa vào hoạt động vào đầu tháng 9 tới. Ảnh: Lê Bình.

21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín

Những ngày cuối tháng 8, trang trại gà rộng 2,9ha của HTX Long Thành Phát tại huyện Cẩm Mỹ đang khẩn trương chỉnh trang lại những thiết bị, chuồng lồng chữ H lại lần cuối trước khi đón những lứa gà đầu tiên sau khi nâng cấp.

Khác với những trang trại khác trong hệ thống của HTX, nơi đây được xây dựng theo hướng khép kín, ứng dụng công nghệ cao. 8 trại tầng được xây dựng theo hình thức chuồng lạnh và khép kín, nghĩa là trên cùng mảnh đất đã có 16 chuồng lạnh để nuôi gà.

Trong 8 trại này, ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Long Thành Phát còn dành riêng 1 khu hai tầng để chăn nuôi thử nghiệm theo dạng chuồng tầng chữ H, sử dụng tự động hóa hoàn toàn trong nuôi gà. Theo đó, mỗi lầu sẽ có 3 lồng nuôi, mỗi lồng lại gồm 3 tầng nhỏ, giúp tăng diện tích nuôi gà mà không bị quá tải về diện tích. Số lượng dự kiến nuôi theo hình thức mới này là 90.000 con gà lông trắng chuyên thịt.

“Công nghệ này chúng tôi bắt đầu đưa vào thử nghiệm và được kì vọng rất lớn trong sản xuất gia cầm. Tôi thường nói, đó như là người gác cửa thân cận cho người chăn nuôi yên tâm trước dịch bệnh. Thế giới họ đã đi trước mình rất lâu rồi, chẳng lẽ cứ mãi đi theo cái cũ. Nếu thành công về mặt năng suất và hạn chế được mầm bệnh, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng thêm tại những trang trại khác của HTX”, ông Quyết chia sẻ.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín với máng ăn tự động, hạn chế việc can thiệp trực tiếp từ con người. Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi cũng là định hướng của ngành chăn nuôi Đồng Nai nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng và đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Đánh giá về hiệu quả của những mô hình chăn nuôi áp dụng công nghệ tiên tiến, ông Thân Văn Cẩn, Trưởng phòng Phòng chống dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai chia sẻ: “Công nghệ sẽ giúp người chăn nuôi kiểm soát tốt dịch bệnh, thực hiện tốt an toàn sinh học, nâng cao tỷ lệ nuôi sống và tăng trọng, tự động hóa các khâu trong chăn nuôi giúp người chăn nuôi giảm bớt nhân công lao động và đảm bảo an toàn sinh học trong sản xuất”.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hộ chăn nuôi tại Đồng Nai đầu tư trang trại theo hướng chuồng lạnh, khép kín, đệm lót sinh học nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh. Ảnh: Minh Sáng.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hộ chăn nuôi tại Đồng Nai đầu tư trang trại theo hướng chuồng lạnh, khép kín, đệm lót sinh học nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh. Ảnh: Minh Sáng.

Tại huyện Cẩm Mỹ, Công ty TNHH Chăn nuôi Lan Chi đầu tư hàng tỷ đồng cho hệ thống chuồng nuôi khép kín với hệ thống chống nóng, giàn mát, quạt thông gió và đệm lót sinh học… để nuôi vịt. Nhờ được nuôi trong môi trường được kiểm soát nghiêm ngặt nên suốt 8 năm qua, hầu như vịt không phải sử dụng kháng sinh nên cả vịt đẻ lẫn vịt giống rất khỏe mạnh, năng suất ổn định.

Bà Lâm Thị Lan Chi, sáng lập Công ty TNHH chăn nuôi Lan Chi cho biết, nhờ ứng dụng những kĩ thuật công nghệ cao nên cũng mất ít thời gian vệ sinh chuồng trại trước tái đàn. Khi vịt không uống kháng sinh, phôi và tỉ lệ đẻ cũng cao hơn, sức khỏe con vịt cũng rất tốt.

Một trong những yêu cầu bắt buộc của Sở NN-PTNT Đồng Nai quy định đối với các hộ chăn nuôi trong tỉnh là đảm bảo vấn đề xử lý nước thải, chất thải. Trong đó, hướng áp dụng hữu hiệu nhất đang được áp dụng là sử dụng hệ thống xử lý chất thải bằng biogas hoặc đệm lót sinh học. Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 91% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải.

“Việc sử dụng hệ thống xử lý chất thải bằng biogas hay đệm lót sinh học giúp người chăn nuôi kiểm soát tốt môi trường chăn nuôi, sức khỏe vật nuôi. Sản phẩm sau biogas và đệm lót sinh học cũng mang lại giá trị cho người chăn nuôi, có thể sử dụng làm nhiên liệu vận hành máy phát điện hay bán, làm phân. Ngoài ra, có một số trang trại chăn nuôi sử dụng máy ép phân để xử lý chất thải chăn nuôi”, ông Trần Lâm Sinh chia sẻ.

Hiện, Đồng Nai có 400 trang trại được chứng nhận an toàn dịch bệnh còn hiệu lực, duy trì được 11 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã và 7 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle. Ngoài ra, toàn tỉnh có 126 trang trại và 7 tổ hợp tác với 53 hộ thành viên đã được chứng nhận VietGAP.

Đồng Nai đang quyết tâm trong việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm chăn nuôi trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Lê Bình.

Đồng Nai đang quyết tâm trong việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm chăn nuôi trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Lê Bình.

Đảm bảo thịt heo, gà sạch bằng truy xuất nguồn gốc

Nhận thấy việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt là giải pháp then chốt mang tính đột phá để giải quyết nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ trên thị trường nên UBND tỉnh Đồng Nai rất quan tâm thực hiện.

Phát biểu tại Hội nghị “Tham vấn ý kiến triển khai chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, tỉnh lựa chọn ngành chăn nuôi và thú y là một trong những mũi nhọn để ưu tiên chuyển đổi số của tỉnh.

“Chăn nuôi là ngành chiếm tỉ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai, và cũng có vai trò lớn trong kinh tế của tỉnh. Sản phẩm chăn nuôi cũng tác động trực tiếp đến thị trường trong và ngoài tỉnh nên UBND tỉnh rất quan tâm lĩnh vực này. Với việc đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn, cũng như thêm lòng tin về những sản phẩm chăn nuôi chất lượng của Đồng Nai”, ông Võ Văn Phi bày tỏ.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 34.000 con heo được đeo vòng và dán tem truy xuất nguồn gốc, 1.982 trang trại đã khai báo chăn nuôi trên phần mềm quản lý chăn nuôi Te-food (đạt tỷ lệ khoảng 69,5%) để khai báo đàn vật nuôi và thông tin dịch bệnh.

Về tính thiết thực, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai ông Trần Lâm Sinh cũng bày tỏ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật là giải pháp căn cơ và thiết thực để giải quyết nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ trên thị trường nên tỉnh Đồng Nai rất quan tâm thực hiện.

“Phần mềm quản lý chăn nuôi Te-food ứng dụng công nghệ 4.0 truy xuất nguồn gốc để quản lý đàn chăn nuôi và thu thập, xử lý thông tin chống dịch bệnh khẩn cấp được triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh vào năm 2019. Đây là mô hình được tỉnh tập trung nhân rộng và đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi tham gia. Hiện, mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng, ứng dụng vào các trang trại và hộ chăn nuôi gia đình”, ông Trần Lâm Sinh thông tin.

Trong công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, bước đầu đã có những tín hiệu khả quan nhất định.

“Tính đến có 1.174 cá nhân, tổ chức đã đăng ký tham gia và được cấp tài khoản, triển khai đeo vòng và dán tem truy xuất tại các cơ sở đăng ký tham gia. Lũy kế đến 30/6, có 47.537 con heo được truy xuất nguồn gốc”, ông Giang thông tin.

Nhờ truy xuất nguồn gốc, ngành nông nghiệp Đồng Nai dễ dàng kiểm soát và có hướng đi bền vững trong tìm đầu ra tiêu thụ các sản phẩm an toàn. Ảnh: Lê Bình.

Nhờ truy xuất nguồn gốc, ngành nông nghiệp Đồng Nai dễ dàng kiểm soát và có hướng đi bền vững trong tìm đầu ra tiêu thụ các sản phẩm an toàn. Ảnh: Lê Bình.

Tuy nhiên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cũng cho biết, mặc dù chương trình đã có những thành công ban đầu nhưng đang trong thời gian thử nghiệm nên tỉ lệ vẫn còn thấp, chỉ đạt 8% so với tổng đàn. Ở giai đoạn 2, đơn vị này sẽ đẩy mạnh việc đăng kí truy xuất, hướng đến toàn bộ cơ sở chăn nuôi, chế biến tham gia.

Định hướng đến năm 2025, Sở NN-PTNT Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình, đề án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp gắn liền với nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

Những dữ liệu từ truy xuất sẽ giúp cung cấp thông tin về tổng đàn, biến động chăn nuôi, khả năng tái đàn, thiệt hại từ dịch bệnh,… từ đó đưa ra dự báo chăn nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường. Mặt khác, việc triển khai hiệu quả công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi sẽ giúp Sở NN-PTNT Đồng Nai kiểm soát được cơ sở giết mổ, chất lượng thịt…

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.