Hạn chế rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Giá vỏ quế giảm mạnh, nhiều hộ dừng khai thác. Chương trình ‘Phủ xanh miền Tây’ đến với Sóc Trăng. Bàn giải pháp để nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
HẠN CHẾ RỦI RO KHI XUẤT KHẨU SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC
Theo tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tình hình xuất khẩusang thị trường Trung Quốc đang rất sôi động, nhưng đây cũng là lúc các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần phải chủ động hạn chế rủi ro tới mức thấp nhất. Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục có những động thái siết chặt quản lý kiểm soát các loại dịch bệnh, do đó các hiệp hội ngành hàng cần tích cực nắm bắt thông tin, diễn biến kịp thời cảnh báo doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, cần chủ động kết hợp với các đối tác nhập khẩu trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp mình, bên cạnh việc nắm vững và đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc...
GIÁ VỎ QUẾ GIẢM MẠNH, NHIỀU HỘ DỪNG KHAI THÁC
Thời điểm này đang vào vụ thu hoạch quế tại Lào Cai. Tuy nhiên, giá thu mua vỏ quế hiện thấp hơn so với vụ trước, nên người dân dừng khai thác. Hiện tại, vỏ quế khô được các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương lái thu mua ở mức từ 47.000 - 48.000 đồng/kg, vỏ quế tươi 22.000 - 24.000 đồng/kg, quế ống sáo từ 80.000 - 83.000 đồng/kg. Giá các sản phẩm quế năm nay thấp hơn từ 7.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, khiến tiến độ, sản lượng thu hoạch toàn tỉnh vụ này chững lại. Nhiều nơi, người dân dừng hẳn việc khai thác, chờ giá lên. Giá quế năm nay giảm do diễn biến khó khăn chung của tình hình thế giới. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận việc phát triển diện tích quế thời gian vừa qua. Toàn tỉnh hiện có hơn 56.000 ha quế, diện tích quế được cấp chứng nhận hữu cơ mới đạt hơn 3.600 ha, chiếm hơn 7% tổng diện tích. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện mới có 1 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã thu mua vỏ quế chế biến thành các sản phẩm quế thanh, quế ống điếu, bột quế, quế ống sáo... xuất khẩu chính ngạch với sản lượng thấp. Còn lại người dân chủ yếu tự sơ chế, bảo quản và bán cho các tiểu thương để xuất thô nên giá thấp và không ổn định.
CHƯƠNG TRÌNH ‘PHỦ XANH MIỀN TÂY’ ĐẾN VỚI SÓC TRĂNG
Xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng là địa phương có trên 90% người dân là đồng bào tộc Khmer. Những năm qua địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn mặn, đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn nước sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Chương trình “Phủ xanh miền Tây cùng Tân Á Đại Thành” đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của bà con xã Phú Mỹ. Chương trình đến rất kịp thời, hỗ trợ cho bà con có phương tiện để trữ nước sinh hoạt đặc biệt vào những tháng mùa khô.
Bàn giải pháp để nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu
Trong khuôn khổ Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, các diễn giả, chuyên gia đã cùng bàn giải pháp để nông sản Việt có đủ tiêu chuẩn vươn xa trên thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, để hướng tới mục tiêu giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam đạt khoảng 60 - 62 tỷ USD vào năm 2030, Bộ NN-PTNT, cần liên kết để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, chế biến của Việt Nam. Theo TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp, nông nghiệp tuần hoàn là xu thế tất yếu trong tất cả các lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản. Các doanh nghiệp cần dẫn dắt nông dân, tổ hợp tác ứng dụng công nghệ trong sản xuất, định hướng cho bà con tham gia chuỗi nông nghiệp tuần hoàn từ vùng nguyên liệu, sau thu hoạch, sơ chế đóng gói, vận chuyển, qua đó giúp giảm giá thành, nâng cao giá trị nông sản.